Mở rộng khái niệm, DNNN có thể tăng thêm 1028 đơn vị

07:28 | 16/07/2019

Ngày 15/7, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã tổ chức hội thảo với nội dung đề xuất sửa đổi khái niệm mới về doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) và dự kiến sửa Luật Doanh nghiệp.

mo rong khai niem dnnn co the tang them 1028 don vi
Ảnh minh họa

Theo ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng CIEM, khái niệm DNNN được nêu rõ trong NQ số 02-NQ-TW “ DNNN là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giũ 100% vốn điều lệ hoặc cổ phần, vốn góp chi phối”.

Về số lượng DNNN hiện nay, theo báo cáo số 480/BC-CP ngày 12/10/2018 thì cả nước hiện nay đang có 526 doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thuộc bộ, UBND; 294 công ty cổ phần có cổ phần Nhà nước do bộ, UBND quản lý.

Trong khi đó, theo số liệu của Tổng cục Thống kê (đến 1/1/2018), cả nước có 1204 doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thuộc mọi cấp quản lý và có 1282 công ty cổ phần có cổ phần Nhà nước trên 50%, thuộc mọi cấp quản lý.

Như vây, trong trường hợp mở rộng tối đa khái niệm DNNN thì ít nhất có thêm khoảng 1028 công ty cổ phần được gọi là DNNN và nghiễm nhiên trở thành đối tượng điều chỉnh của pháp luật về DNNN.

Thống kê của CIEM cho thấy, hiện có 9 luật quy định về chủ thể là DNNN, trong đó có 3 luật gây tác động trực tiếp nếu 1 doanh nghiệp được xác định là DNNN, bao gồm Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng và Luật Ngân sách Nhà nước.

Xây dựng phương án quy định về khái niệm DNNN tại Luật Doanh nghiệp, CIEM cho biết, hiện có 4 phương án, bao gồm: Phương án áp dụng cho doanh nghiệp có trên 65% vốn điều lệ thuốc Nhà nước - mức chi phối là tuyệt đối, quyết định tất cả các vấn đề quan trọng của doanh nghiệp; Phương án trên 50% vốn điều lệ - chi phối chủ động, quyết định phần lớn các vấn đề quan trọng của doanh nghiệp; Phương án trên 35% vốn điều lệ - chi phối thụ động, thực hiện quyền phủ quyết để định hướng doanh nghiệp; Phương án chỉ cần có vốn nhà nước sẽ quyết định những vấn đề lớn của doanh nghiệp.

Đánh giá, góp ý về khái niệm DNNN và những tác động đến doanh nghiệp, phần lớn diễn giả đều có chung nhận xét việc sửa đổi sẽ có tác động lớn đến số lượng doanh nghiệp, do đó cần phải quan tâm đến phản ứng của nhà đầu tư, đảm bảo quyền chi phối phải gắn liền với tỷ lệ nắm giữ sở hữu.Đặc biệt, không nên để tình trạng nhà đầu tư tư nhân giữ đa số cổ phiếu nhưng lại bị Nhà nước kiểm soát, tạo rủi ro tiềm ẩn trong công quản trị doanh nghiệp cũng như hạn chế khả năng thu hút vốn nhà đầu tư.

Nêu ý kiến cá nhân của mình tại hội thảo, ông Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng CIEM cho rằng không nên mở rộng khái niệm DNNN mà nên giữ nguyên khái niệm DNNN như trước (DN 100% vốn nhà nước). Trường hợp nhất thiết phải thay đổi thì cần có thống kê, đánh giá đầy đủ các mặt tiêu cực, tích cực cũng như mức độ ảnh hưởng đối với doanh nghiệp trước khi quyết định.

Cuối cùng, việc lựa chọn phương án quy định về quyền chi phối cũng cần “phải thận trọng, nếu không, sẽ có một số lượng rất lớn DN có một phần vốn nhà nước lại trở thành DNNN, qua đó ảnh hưởng tiêu cực đến tiến trình cải cách DNNN”, CIEM nhận xét.

Trong phương án đề xuất của mình, CIEM cho rằng phương án lớn hơn 50% vốn điều lệ là hợp lý hơn các phương án khác.

Hà Thanh Tâm

Tin đọc nhiều