‘Mở toang cửa’ cho tư nhân cung ứng dịch vụ công

22:06 | 29/05/2019

Từ ngày 1/6/2019, các tổ chức, cá nhân, các thành phần kinh tế sẽ đều có thể tham gia cung cấp sản phẩm, dịch vụ công của Nhà nước theo quy định tại Nghị định Nghị định 32/2019/NĐ-CP. Nghị định được kỳ vọng sẽ ngăn chặn được hiện tượng “quân xanh, quân đỏ” trong đấu thầu, đặt hàng hay giao nhiệm vụ cung ứng dịch vụ công.

Đây là Nghị định quy định về giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên. Nghị định cũng sẽ tạo sự công bằng, minh bạch trong việc cung cấp sản phẩm, dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước.

mo toang cua cho tu nhan cung ung dich vu cong
Quản lý và bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt là một trong những dịch vụ công sẽ được giao cho tư nhân thực hiện

Nói rõ về cơ hội mà kinh tế tư nhân có thể tham gia cung ứng dịch vụ công được thể hiện ở Nghị định 32, ông Phạm Văn Trường, Vụ trưởng Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp, Bộ Tài chính cho biết vấn đề này được thể hiện rất rõ trong mục tiêu của Nghị định: Với mục tiêu nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia cung cấp sản phẩm, dịch vụ công của Nhà nước.

Nghị định đã nêu rõ: Doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, tổ chức, đơn vị (bao gồm đơn vị sự nghiệp công lập không trực thuộc cơ quan được giao kinh phí để đặt hàng, đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công), hợp tác xã có tư cách pháp nhân, các cá nhân hành nghề độc lập, đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật có chức năng cung ứng sản phẩm, dịch vụ công phù hợp với yêu cầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công của Nhà nước.

Để ngăn chặn tiêu cực, ngăn chặn hiện tượng “quân xanh, quân đỏ”, ngăn chặn việc “nhầm” thay vì phải đấu thầu nhưng lại đặt hàng, giao nhiệm vụ cho ai đó... Nghị định đã quy định rõ các điều kiện và tiêu chí xác định các hình thức giao nhiệm vụ cung ứng dịch vụ công, đặt hàng dịch vụ công và đấu thầu dịch vụ công, đồng thời ban hành danh mục gồm 78 dịch vụ dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước chi tiết theo ngành, lĩnh vực.

Nghị định cũng quy định 4 dịch vụ công thực hiện theo phương thức đặt hàng, đó là: In tiền và các giấy tờ có giá, sản xuất tiền kim loại, in và đúc vàng miếng; Dịch vụ bảo đảm an toàn hàng hải; Quản lý và bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt; Dịch vụ sử dụng cảng, nhà ga.

7 dịch vụ công thực hiện theo phương thức đấu thầu và đặt hàng là: Quản lý và bảo trì hạ tầng, khai thác bến phà đường bộ; Quản lý, bảo trì đường thủy nội địa; Dịch vụ quản lý công viên, cây hoa trên vỉa hè hay giải phân cách đường; Chiếu sáng đô thị; Sản xuất chương trình phát thanh, truyền hình, phóng sự hay phim truyện do Nhà nước đặt hàng hay tài trợ...

Nghị định 32 quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý cấp trên, của các Bộ, UBND cấp tỉnh trong việc giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu; trách nhiệm của đơn vị sự nghiệp công lập và nhà cung cấp sản phẩm, dịch vụ sự nghiệp công khác; trách nhiệm của cơ quan theo dõi, giám sát trong quá trình thực hiện để đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả.

Nghị định cũng quy định trách nhiệm của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội hướng dẫn về chi phí tiền lương, chi phí nhân công trong giá, đơn giá sản phẩm, dịch vụ công ích và chi phí tiền lương, tiền công trong đơn giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước đối với doanh nghiệp được hợp đồng đặt hàng, đấu thầu (hoặc được giao nhiệm vụ trong trường hợp pháp luật chuyên ngành quy định).

Phó Chánh văn phòng Bộ Tài chính, ông Ngô Chí Tùng cho biết Nghị định 32 được ban hành đã mở toang cánh cửa cho kinh tế tư nhân tham gia và sẽ góp phần hoàn thiện cơ chế tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, và nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, giảm kinh phí ngân sách nhà nước, theo tinh thần của Nghị quyết số 19-NQ/TW.

Để đảm bảo thực hiện được ngay các quy định tại Nghị định, tránh việc phải chờ văn bản hướng dẫn theo tinh thần cải cách tư pháp, Bộ Tài chính đã nghiên cứu, xây dựng Nghị định theo hướng quy định chi tiết các nội dung, không giao cho các Bộ hướng dẫn chi tiết thêm. Trong đó, đáng chú ý là Nghị định đã quy định cụ thể: (i) Mẫu Quyết định đặt hàng và Biên bản nghiệm thu đặt hàng; (ii) Mẫu Hợp đồng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước (hoặc sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích) và Biên bản nghiệm thu, thanh lý Hợp đồng.

Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan và địa phương trong việc hướng dẫn triển khai thực hiện Nghị định số 32/2019/NĐ-CP nhằm đẩy mạnh việc thực hiện đổi mới cơ chế tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Tri Nhân

Tin đọc nhiều