Muốn phát triển bền vững, phải thích ứng tốt

08:03 | 12/04/2017

Trong những năm qua, cà phê Việt Nam phát triển thiếu tính bền vững và phụ thuộc khá nhiều vào tự nhiên.

Đảm bảo sinh kế lâu bền
Đã đến lúc đánh thức tiềm năng của Tây Nguyên

Thiệt hại nặng nề

Ông Trần Văn Khởi, quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, trong những năm qua, cà phê Việt Nam phát triển không ngừng về diện tích, năng suất và sản lượng. Theo số liệu thống kê đến năm 2016, tổng diện tích cà phê cả nước đạt trên 643 nghìn ha. Trong đó, Tây Nguyên là vùng trọng điểm có diện tích trồng cà phê đạt cao với khoảng 540 nghìn ha chiếm khoảng 84% diện tích cà phê cả nước, vượt rất xa so với quy hoạch đến năm 2020.

muon phat trien ben vung phai thich ung tot
Biến đổi khí hậu ngày càng ảnh hưởng rõ nét đến sản xuất cà phê

Tuy nhiên sản xuất cà phê của Việt Nam thiếu tính bền vững do tác động của nhiều yếu tố như canh tác thiếu quy hoạch, quy mô sản xuất nhỏ, cà phê nông hộ chiếm 84,8 - 89,7% tổng diện tích, trong đó 63% số hộ có diện tích dưới 1 ha/hộ. Đặc biệt, những năm gần đây, hiện tượng El Nino đã tác động tiêu cực đến sản xuất cà phê tại Tây Nguyên.

Năm 2016, tổng diện tích cà phê tại Tây Nguyên đạt 577.786 ha nhưng có đến 116.403 ha bị ảnh hưởng bởi hạn hán (chiếm 20,15%), 6.854 ha bị mất trắng. Mùa khô năm 2017, từ tháng 1 đến tháng 2 có nhiều cơn mưa trái mùa khiến 15-20% hoa cà phê nở trái mùa trong đó 50-70% không đậu quả.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai, do biến đổi khí hậu (BĐKH), trong năm 2016, diện tích cà phê bị mất trắng tại tỉnh Gia Lai gần 5.500 ha, phần còn lại thì năng suất đều giảm rất nhiều so với những năm trước khoảng 40%. Ước tính thiệt hại riêng đối với cây cà phê khoảng 4.000 tỷ đồng.

Thông thường lạnh thường xảy ra vào tháng 11-12 của năm trước, nhưng năm 2016 không có đợt lạnh này mà lại chuyển sang tháng 1-2/2017 là thời điểm cây cà phê đang ở giai đoạn chính của sự phân hóa mầm hoa. Mưa kéo dài, lạnh đến muộn làm cho cây cà phê ra hoa kéo dài từ tháng 10/2016 đến tháng 3/2017 với 4 - 5 đợt nở hoa.

Hiện tượng nở hoa cũng có nhiều bất thường như: nhiều nơi hoa không nở được mặc dù hoa đã phát triển dài hết cỡ; hoặc tưới đợt 2 hoa mới nở nhưng hoa không nở bung được hết cánh hoa ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản lượng cũng như chất lượng cà phê nơi đây.

Thích ứng với BĐKH

Theo các chuyên gia, BĐKH ngày càng ảnh hưởng rõ nét đến sản xuất cà phê cả nước nói chung và Tây Nguyên nói riêng. Hậu quả của điều kiện thời tiết bất thường làm tăng chi phí sản xuất, sâu bệnh hại phát triển mạnh, cà phê giảm năng suất và chất lượng khiến sức cạnh tranh giảm.

Trước những diễn biến phức tạp của BĐKH, TS. Trương Hồng, quyền Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên khuyến cáo, khi hoa cà phê nở sớm vào cuối mùa mưa và sau thu hoạch với tỷ lệ hoa nở trên 10%, cần tưới đuổi với lượng nước vừa phải và tập trung 1 lần để đảm bảo quá trình phân hóa mầm hoa tiếp tục diễn ra thuận lợi trong mùa khô hạn.

Đối với những diện tích nở hoa sớm hay tỷ lệ hoa nở không đáng kể (< 10%) thì không cần tưới đuổi mà để hoa đậu quả, khi thiếu nước, quả sẽ rụng tự nhiên và tỷ lệ này được bù đắp thông qua quá trình tự điều chỉnh sinh lý của cây.

Ông Lê Văn Đức, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, mục tiêu trong những năm tới là xây dựng ngành cà phê Việt Nam theo hướng hiện đại, đồng bộ, bền vững, có tính cạnh tranh cao với các sản phẩm đa dạng, có chất lượng. Ổn định diện tích 600 nghìn ha, trong đó 80% diện tích áp dụng quy trình sản xuất bền vững.

Để đạt được mục tiêu này, ông Lê Văn Đức khuyến cáo cần nghiên cứu và đưa vào sản xuất những giống chín muộn để tránh rủi ro do mùa mưa chấm dứt muộn; giống có khả năng thích ứng với điều kiện bất thuận của BĐKH (như khô hạn, mưa trái mùa). Tăng cường công tác quản lý nhà nước về sản xuất, kinh doanh giống cà phê trên địa bàn, gắn với cơ cấu giống đã ban hành, đảm bảo việc tái canh, ghép cải tạo sử dụng 100% giống theo quy định.

Đồng thời, cần chấm dứt tình trạng sản xuất kinh doanh giống không đảm bảo yêu cầu, nâng diện tích cà phê chè Arabica ở những vùng có điều kiện. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tái canh, ghép cải tạo cà phê bằng giống mới với độ đồng đều cao để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế; Mở rộng diện tích tưới nước tiết kiệm. Tăng cường trồng cây che bóng, chắn gió đảm bảo cho vườn cà phê sinh trưởng phát triển tốt, ổn định, lâu dài…

TS. Trần Văn Khởi cho hay, trước tình hình trên, ngoài các giải pháp cấp bách cho sản xuất cà phê năm 2017 khắc phục tình trạng ra hoa trái vụ thì về lâu, cần quán triệt việc sản xuất cà phê tập trung trong vùng quy hoạch. Không sản xuất cà phê ở những vùng đất không thích hợp, không chủ động được nguồn nước. Kiên quyết chuyển đổi cây trồng đối với những diện tích cà phê ngoài vùng quy hoạch, sản xuất kém hiệu quả.

Đồng thời, việc tái canh cây cà phê cần bám sát quy trình tái canh của Bộ NN&PTNT (theo Quyết định số 2805/QĐ-BNN-TT ngày 31/5/2016 về ban hành quy trình tái canh cà phê vối). Trong quá trình tái canh cần đặc biệt lưu ý đến hiện trạng vườn cà phê cũ về tình trạng già cỗi của cây cà phê, mức độ sâu bệnh hại…

Sản xuất thâm canh cà phê lưu ý không khai thác quá mức nhằm đạt năng suất tối đa. Tưới nước tiết kiệm là biện pháp hữu hiệu cho canh tác cà phê trước tình hình BĐKH hiện nay. Đồng thời, theo dõi tình hình diễn biến của thời tiết để kịp thời có biện pháp chăm sóc, nuôi dưỡng cà phê nhằm đạt năng suất mong muốn, ông Trần Văn Khởi chia sẻ thêm.

Hà Sơn

Tin đọc nhiều