MWG được gì ở chiến lược rau cá?

09:11 | 30/11/2015

Giới đầu tư nhận định, sẽ còn quá sớm để kết luận việc đầu tư vào MWG trong tương lai là bền vững.

mwg duoc gi o chien luoc rau ca
Ảnh minh họa

Công ty Thế giới di động, một nhà bán lẻ thiết bị điện máy (mã cổ phiếu MWG) vừa công bố kết quả kinh doanh tháng 10. Trong 10 tháng, MWG đã ghi nhận mức doanh thu 19.891 tỷ đồng, hoàn thành 84% kế hoạch năm. Với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, MWG gần như chắc chắn sẽ đạt lợi nhuận sau thuế vượt 1.000 tỷ đồng trong năm nay. Do đó, EPS năm 2015 của MWG sẽ đạt khoảng 7.500 đồng/cổ phiếu, tương ứng với mức P/E vào khoảng 10,5x.

Trong mắt cổ đông và đối tác, MWG là DN tăng trưởng nhanh và có quy mô doanh thu hơn tỷ USD/năm nên mức P/E này là khá thấp. Đặc biệt, theo chia sẻ của ban lãnh đạo MWG trong lần gặp gỡ nhà đầu tư trong tháng 10, lợi nhuận sau thuế của MWG trong năm 2016 được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng khoảng 30%. Với những kết quả đạt được, MWG được nhà đầu tư đánh giá là một cổ phiếu đáng để đầu tư, nếu không xuất hiện thông tin công ty này thực hiện chuỗi cửa hàng BachhoaXanh.

Về lý thuyết, việc MWG đi theo lĩnh vực ngành hàng tiêu dùng là hợp với xu thế. Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn cảm thấy bất an vì đây là lĩnh vực khá mới, không thuận tay đối với ban lãnh đạo hiện thời. Thậm chí, có nhà đầu tư còn hoài nghi, liệu quá trình tăng trưởng của MWG có duy trì được trong một vài năm tới hay không?

Chưa tính đến những lĩnh vực đầu tư chuỗi cửa hàng thực phẩm, chỉ tính riêng mảng kinh doanh truyền thống là bán lẻ điện tử, nguồn thu có thể sẽ thu hẹp bởi nhiều yếu tố khách quan.

Đơn cử, tăng trưởng của hai hệ thống bán lẻ điện thoại và điện máy của MWG đến chủ yếu từ việc mở rộng hệ thống cửa hàng trong khi các cửa hàng trong các năm trước (trước năm 2014) tới ngưỡng bão hòa về tăng trưởng.

Mới đây, chính lãnh đạo của MWG cũng chia sẻ rằng tốc độ tăng trưởng doanh số cửa hàng cũ của chuỗi thegioididong chỉ khoảng 7% (trong khi con số này của năm trước là khoảng 20%) và chuỗi dienmayXanh chỉ khoảng 10%.

Như vậy, nếu dựa theo cách tính tỷ lệ tăng trưởng này thì tất cả các cửa hàng vừa mở mới trong năm 2015 và năm 2014 đều chưa được tính đến nên theo ước tính, hơn 140 cửa hàng thegioididong và 19 cửa hàng dienmayXanh đã mở trong năm 2015 sẽ đóng góp chính vào tăng trưởng của MWG trong năm nay.

Tuy nhiên, kết thúc năm 2015, cả hai chuỗi này sẽ gần như không mở rộng thêm quy mô cửa hàng mà chủ yếu duy trì khai thác nhằm giữ vững thị phần, với phấn đấu hết năm 2016, mảng điện thoại sẽ chiếm khoảng 35-40% và điện máy sẽ khoảng 20-30%.

Do đó, với MWG, triển vọng dài hạn (từ năm 2017 trở đi) có thể phải phụ thuộc phần lớn vào thành công của mảng kinh doanh mới, kinh doanh bán hàng thực phẩm tươi sống và hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), tại chuỗi BachhoaXanh.

Có thể nói, MWG đã rất thông minh khi nhận thấy thị trường bán lẻ điện tử đã bão hòa, nên đã sớm tìm kiếm một mặt hàng kinh doanh mới để thay thế. Tuy nhiên, khi nói đến chuỗi cửa hàng thực phẩm, với nhà đầu tư chứng khoán, MWG còn thiếu nhiều yếu tố.

Trong khi nhóm khách hàng mà BachhoaXanh hướng đến là tầng lớp bình dân nên cửa hàng không có máy lạnh. Hàng hóa bán ra tại cửa hàng gồm 3 nhóm mặt hàng chính là thực phẩm tươi sống (trái cây, thịt, rau…) thực phẩm bách hóa (nước uống, dầu ăn, kem…) các sản phẩm bách hóa không là thực phẩm (kem đánh răng, sữa rửa mặt…).

Về đặc điểm của cửa hàng, BachhoaXanh không khác gì với những cửa hàng truyền thống nên nhà đầu tư hoài nghi doanh thu mà MWG đặt ra cho mỗi cửa hàng tối thiểu 400-600 triệu đồng/tháng khó có thể đạt được.

Chưa kể, chỉ trong lĩnh vực siêu thị mini và cửa hàng tiện lợi, hiện đang có sự cạnh tranh rất lớn từ nhiều đối thủ trong nước và cả nước ngoài. Ở mảng siêu thị mini trên thị trường sẵn có các đối thủ cạnh tranh như: Co.opFood ước tính năm 2015 đạt 150 cửa hàng, Vinamart+ thuộc Tập đoàn Vingroup, hiện có khoảng 17 cửa hàng, Satrafood ước tính có khoảng 25 cửa hàng, New chợ và BigC Express…

Đối với cửa hàng tiện lợi, thị trường đang có mặt rất nhiều thương hiệu: B&B (Citimart), Circle K, Shop&Go, Ministop, B’smart (BJC Thái Lan và Tập đoàn Phú Thái), FamilyMart (Nhật Bản). Ngoài ra, chuỗi cửa hàng tiện lợi hàng đầu thế giới 7Eleven cũng đã có kế hoạch mở siêu thị tiện lợi đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2017.

Theo giới phân tích điểm yếu của ban lãnh đạo MWG tính đến thời điểm này là chưa có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực siêu thị thực phẩm thiết yếu. Mặt khác, hàng tiêu dùng nhanh không có mối quan hệ tương hỗ với hàng công nghệ. Theo đó, có khả năng MWG khó gây áp lực cũng như thiết lập mối quan hệ với nhà cung ứng hàng hóa bên lĩnh vực FMCG trong giai đoạn ban đầu… Từ đây, giới đầu tư nhận định, sẽ còn quá sớm để kết luận việc đầu tư vào MWG trong tương lai là bền vững.

Kim

Tags: #siêu thị
Tin đọc nhiều