Năm 2020 sẽ cơ bản sắp xếp xong các công ty nông, lâm nghiệp

13:05 | 23/08/2019

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Phương án tổng thể đối với 40 địa phương, đơn vị và 256 công ty nông, lâm nghiệp (bao gồm cả 8 công ty thuộc Bộ Quốc phòng, 4 công ty của tổ chức chính trị - xã hội) theo 6 mô hình sắp xếp. 

Tái cơ cấu DNNN: Đường còn dài, không đi sao tới?
Lo trách nhiệm, cổ phần hóa chậm
nam 2020 se co ban sap xep xong cac cong ty nong lam nghiep
Ảnh minh họa

Riêng đối với TP. Hà Nội, phương án tổng thể chưa được phê duyệt, do địa phương đề nghị thay đổi mô hình sắp xếp. Hiện các công ty đã hoàn thành sắp xếp chuyển sang hoạt động theo mô hình mới là 160 công ty, đạt 62,5%.

Các công ty đang thực hiện, dự kiến hoàn thành sắp xếp trong năm 2019 chuyển sang hoạt động theo quy định pháp luật theo mô hình mới là 69 công ty, đạt 29,95%. Còn 27 công ty chưa thực hiện sắp xếp, chiếm 10,54% tổng số công ty phải sắp xếp theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ.

Ông Hà Công Tuấn - Thứ trưởng thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, kết quả ban đầu quan trọng tạo sự chuyển biến mới về quản lý các công ty nông, lâm nghiệp theo cơ chế thị trường. Trong đó, có nhiều địa phương triển khai thực hiện đạt kết quả tốt như Lào Cai, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Khánh Hòa, Bình Định, Kiên Giang, Quảng Nam, Kon Tum, Long An, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam. Một số công ty sau khi sắp xếp lại đạt hiệu quả sản xuất kinh doanh tốt hơn. Như Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam, trước khi sắp xếp có vốn chủ sở hữu là 2.306 tỷ đồng thì nay tăng 190% lên 4.387 tỷ đồng, lợi nhuận tăng từ 164 tỷ đồng lên 834 tỷ đồng.

Tuy nhiên, một số địa phương, đơn vị thực hiện việc sắp xếp các công ty nông, lâm nghiệp chậm đặc biệt là đối với sắp xếp theo mô hình thành lập công ty TNHH hai thành viên trở lên (Bà Rịa-Vũng Tàu, Tuyên Quang, Hòa Bình, Bình Thuận, Bắc Giang, Tổng công ty Cà phê Việt Nam). Các địa phương cho biết chưa có hướng dẫn về lựa chọn đối tác, xác định giá trị tài sản, cam kết ràng buộc trách nhiệm cổ đông góp vốn... nên còn thiếu chặt chẽ.

Bên cạnh đó, còn nhiều khó khăn về đo đạc, bàn giao đất về địa phương, xử lý tài chính, tài sản trên đất, xử lý đất tranh chấp… cũng đang cản trở việc chuyển đổi mô hình hoạt động và phát triển hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp.

Bên cạnh đó, ông Hà Công Tuấn cho hay, sau khi sắp xếp, chuyển thành công ty cổ phần thì Nhà nước vẫn nắm giữ cổ phần chi phối nên khó thu hút vốn đầu tư của tư nhân. Tuy nhiên, nếu Nhà nước không nắm giữ cổ phần chi phối thì khó thực hiện bảo vệ rừng và gắn kết tổ chức sản xuất.

Phát biểu tại buổi tọa đàm về mô hình sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp diễn ra mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho biết, quá trình đổi mới, sắp xếp các công ty nông, lâm nghiệp thời gian qua là tích cực. Việc sắp xếp các công ty nông, lâm nghiệp chỉ là giai đoạn đầu, việc đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty này mới là điều quan trọng.

Theo Phó thủ tướng, đối với việc hướng dẫn chuyển công ty nông, lâm nghiệp thành công ty TNHH 2 thành viên, từ năm 2016, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự thảo nghị định hướng dẫn của Chính phủ. Đây là vấn đề phức tạp, các bộ, ngành, địa phương cần góp ý về điều kiện, hình thức chuyển đổi, nguyên tắc, quy trình chuyển đổi... nhằm sớm ban hành nghị định để các địa phương triển khai.

Mục tiêu đến năm 2020, cơ bản sắp xếp xong các công ty nông, lâm nghiệp. Đối với cổ phần hoá, Phó Thủ tướng cho rằng cần tính toán rõ trường hợp nào Nhà nước phải nắm cổ phần chi phối, trường hợp nào bán hết cho thành phần kinh tế khác, trường hợp nào Nhà nước giữ quyền phủ quyết cần tính toán kỹ.

Diệu Linh

Tin đọc nhiều