Nắm tay nhau cùng tạo cơ hội

13:00 | 14/10/2016

Trên địa bàn Hà Nội hiện nay đang hình thành nhiều vùng sản xuất rau cũng như chăn nuôi đảm bảo chất lượng, an toàn và dần hình thành được các chuỗi liên kết từ nhà sản xuất đến các đơn vị phân phối...

Nhân rộng mô hình liên kết để đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp
Liên kết để phát triển lành mạnh

Với hệ thống phân phối lớn, gồm 2 trung tâm mua sắm Hapro Shopping Centre, 3 trung tâm kinh doanh chợ, 40 siêu thị/cửa hàng tiện ích Hapromart, trên 40 cửa hàng/điểm kinh doanh thực phẩm an toàn Haprofood, Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) luôn đối mặt với thách thức về nguồn hàng chất lượng, an toàn; sản lượng ổn định; giá cả cạnh tranh…

Nhằm chủ động đảm bảo hoạt động kinh doanh thương mại đáp ứng được các tiêu chí trên, Hapro đã phối hợp với các tập đoàn và các quận, huyện trên địa bàn Hà Nội để ký kết hợp đồng, đưa các sản phẩm địa phương vào hệ thống phân phối.

nam tay nhau cung tao co hoi
Hapro chủ động liên kết với các đơn vị sản xuất để đảm bảo nguồn hàng chất lượng, ổn định

Chính nhu cầu nội tại về hợp tác giữa nhà sản xuất và kênh phân phối đang thúc đẩy hình thành nhanh chóng các chuỗi liên kết. Thời gian qua, không chỉ có Hapro mà rất nhiều chuỗi bán lẻ cũng theo đuổi việc hình thành các “bệ đỡ” - nhà cung cấp.

Theo đó, cả hai phía xem đây là cơ hội để cùng phát triển, đặc biệt là các DN sản xuất khi “chìa bàn tay hợp tác” đã cam kết cung cấp sản phẩm an toàn và chất lượng, giá cả cạnh tranh... Đổi lại, phía đơn vị bán lẻ cũng cam kết đảm bảo đầu ra tiêu thụ ổn định. Mối liên kết này hướng đến việc đem lại lợi ích thiết thực hơn cho người tiêu dùng, để từ đó những cái “bắt tay” mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các bên liên quan.

Theo xu hướng đó, phía các đơn vị sản xuất cũng khá chủ động tham gia chuỗi liên kết. Trên địa bàn Hà Nội hiện nay đang hình thành nhiều vùng sản xuất rau cũng như chăn nuôi đảm bảo chất lượng, an toàn và dần hình thành được các chuỗi liên kết từ nhà sản xuất đến các đơn vị phân phối.

Ông Nguyễn Văn Chí, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội cho biết, trong lĩnh vực chăn nuôi, đến nay thành phố đã xây dựng được 21 chuỗi liên kết, gồm 9 chuỗi liên kết lợn thịt, 8 chuỗi liên kết gia cầm, 4 chuỗi liên kết gồm cả lợn và gia cầm...

Để thúc đẩy hình thành các chuỗi liên kết này, Hà Nội cũng đã tư vấn phát triển chuỗi liên kết chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm ở 5 hội chăn nuôi, gồm Hội Chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Sóc Sơn, Ba Vì, Sơn Tây; Hội Chăn nuôi và tiêu thụ vịt Vân Đình, trứng vịt Liên Châu. Trong đó, Hội Chăn nuôi gà đồi Ba Vì và Sóc Sơn đã xây dựng kế hoạch chăn nuôi hiệu quả và kết nối được với DN tiêu thụ sản phẩm.

Về phía đơn vị phân phối, yêu cầu đảm bảo lợi ích người tiêu dùng cũng tự thân thúc đẩy các đơn vị này tìm đến các nhà sản xuất uy tín. Bà Vũ Thị Hậu, Phó tổng giám đốc CTCP Nhất Nam (hệ thống siêu thị Fivimart) thừa nhận, Fivimart đặt lợi ích người tiêu dùng lên hàng đầu.

Vì vậy, các sản phẩm được bán ra luôn đảm bảo chất lượng tốt nhất và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Để làm được điều đó Fivimart luôn hướng tới xây dựng vùng thực phẩm an toàn, sẵn sàng phối hợp liên kết với các DN sản xuất cam kết đảm bảo chất lượng sản phẩm...

Tuy nhiên, đó mới chỉ là kết quả ban đầu. Trên địa bàn Hà Nội hiện nay, nhiều vùng trồng rau an toàn cũng như các cơ sở chăn nuôi vẫn đang loay hoay tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm của mình. Kết quả là sau một thời gian đầu tư cho sản xuất an toàn và chất lượng, nhưng vì chưa giải quyết tốt ở khâu phân phối dẫn đến việc nông sản vẫn điệp khúc “được mùa mất giá”.

TS. Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam phân tích, nguyên nhân do những bất cập, yếu kém về quản lý vĩ mô lĩnh vực phân phối bán lẻ; thiếu chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư dịch vụ phân phối bán lẻ; đặc biệt là chưa có bất kỳ chính sách nào hỗ trợ việc kết nối trực tiếp giữa các nhà sản xuất và các nhà bán lẻ, trừ hình thức hỗ trợ gián tiếp thông qua các chương trình như triển lãm, hội chợ giới thiệu sản phẩm nói chung…

Để xóa bỏ các bất cập trên, hình thành các liên kết bền vững giữa nhà sản xuất và phân phối, các chuyên gia cho rằng cần có những chính sách hỗ trợ cụ thể giúp kết nối các DN; để nhà sản xuất, phân phối cùng ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh. Đồng thời, hỗ trợ tài chính để các tổ chức thích hợp tham gia vận động, làm cầu nối, bảo lãnh để các nhà bán lẻ, nhà sản xuất tham gia các trung tâm giao dịch hoặc cổng thông tin sản phẩm, thương mại...

Nguyễn Minh

Tin đọc nhiều