Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia

11:32 | 22/08/2018

Việt Nam đang trên đà hội nhập sâu rộng, và điều vô cùng quan trọng là nâng cao năng lực cạnh tranh. 

Ủy ban Cạnh tranh quốc gia: Trực thuộc Bộ Công thương là phù hợp?

Một trong những yếu tố nền tảng của năng lực cạnh tranh chính là trình độ phát triển của DN. Tuy vậy, hiện đang có nhiều rào cản, kéo giảm năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam. Nhằm đánh giá về điều này, ngày 21/8/2018, Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Phát huy vai trò của DN trong nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia”.

nang cao nang luc canh tranh quoc gia
Quang cảnh buổi tọa đàm

Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, nhắc lại, năng lực cạnh tranh quốc gia thể hiện ở cả kinh tế vĩ mô và vi mô. Chúng ta phải xác định đang đứng ở đâu trong chuỗi phát triển năng lực cạnh tranh. Trên thực tế, các DN Việt Nam chủ yếu là DNNVV nên còn gặp rất nhiều khó khăn, từ quy mô, nguồn vốn, đến nguồn nhân lực, công nghệ…

Những hạn chế này ảnh hưởng lớn đến quá trình phát triển của DN, đặc biệt là trong bối cảnh cạnh tranh mạnh mẽ hiện nay. Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều DN Việt đủ sức vươn ra thế giới, cạnh tranh sòng phẳng với các tập đoàn, DN lớn toàn cầu, có thể kể đến như Vietjet, Vingroup, Hòa Phát, Tân Hiệp Phát…

“Để thành công, họ đều có sự chuẩn bị nội lực kỹ càng, biết người biết ta. Ví dụ như Tập đoàn nước uống Tân Hiệp Phát, khởi nghiệp trong thời kỳ đổi mới, thành công ngày hôm nay là nhờ họ chọn được thị trường đúng, đi vào thị trường từ trước đến nay đang bỏ ngỏ và có thị phần để mở rộng. Đây là thành công đầu tiên của họ. Yếu tố thứ hai giúp họ trở thành doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực đồ uống là đi thẳng vào công nghệ hiện đại ngay. Công nghệ sản xuất của họ có trình độ tương đương với các nước tiên tiến. Thứ ba, họ biết họ yếu ở đâu. Nhiều doanh nghiệp vẫn theo đuổi mô hình quản trị gia đình hoặc cho rằng trong nước cũng có nhiều người có thể đảm nhận việc quản trị doanh nghiệp, nhưng Tân Hiệp Phát chọn nhân sự cấp cao nước ngoài để quản trị doanh nghiệp của mình. Đây cũng là một trong những yếu tố giúp họ chuyển mình thành công”, ông Kiên nhấn mạnh.

Còn theo ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trong những năm qua, lực lượng DN đã có bước phát triển rất lớn. Số DN thành lập ngày càng nhiều và cũng có những DN được đánh giá rất tích cực và có đủ sức cạnh tranh trên thương trường quốc tế. Tuy nhiên, DNNVV chiếm đến 96 - 97% tổng số DN Việt hiện nay, nên rất cần những chính sách hỗ trợ phát triển.

Trong quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng, việc cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh là nhiệm vụ hết sức bức thiết. Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 19-2018/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo, trong đó đặt ra các mục tiêu hết sức cụ thể để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Bên cạnh đó, Quốc hội cũng đã thông qua Luật Cạnh tranh (sửa đổi). Theo đó, phạm vi điều chỉnh còn đề cập tới xử lý các vụ việc xảy ra ở nước ngoài có tác động đến hạn chế năng lực cạnh tranh của Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Ngọc Bảo, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội, Đảng, Nhà nước đã hết sức quan tâm về xây dựng chiến lược, môi trường cạnh tranh, không chỉ tạo điều kiện cho DN Việt Nam cạnh tranh trên thị trường nội địa mà còn xây dựng môi trường để các DN nước ngoài có cơ hội đầu tư vào Việt Nam cũng như các DN Việt Nam có thể đầu tư ra nước ngoài. Những bước đi này nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, cũng như xây dựng môi trường cạnh tranh hết sức bình đẳng và tạo cơ hội phát triển cho Việt Nam.

Một trong những điểm yếu của các DN Việt hiện nay chính là nguồn nhân lực. Ông Bùi Ngọc Chương, ủy viên thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đánh giá, đây chính là rào cản trong nâng cao năng lực cạnh tranh của DN. Nguồn nhân lực đa số là lao động phổ thông, tay nghề không cao. Đó là những yếu tố làm cho chất lượng cũng như hiệu quả lao động của DN còn thấp, hạn chế năng lực cạnh tranh của các DN trong nước.

Đồng quan điểm, ông Ngọ Duy Hiểu, ĐBQH TP. Hà Nội, Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng cho rằng, hiện năng suất lao động ở Việt Nam đang ở mức rất thấp. Vì vậy, tổ chức công đoàn phải nỗ lực nâng cao ý thức cho người lao động về tinh thần, thái độ làm việc, kỷ luật lao động và trách nhiệm đối với công việc và DN.

Có thể thấy, việc chỉ rõ rào cản và tháo gỡ để thúc đẩy DN phát triển luôn là nhiệm vụ cấp bách, cần có chiến lược lâu dài để nâng cao năng lực cạnh tranh của DN, qua đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Và cũng đòi hỏi bản thân mỗi DN cần có nỗ lực mạnh mẽ, liên tục.

Nguyễn Minh

Tin đọc nhiều