Nâng chất để cung ứng cho các nhà bán lẻ ngoại

15:40 | 11/07/2018

Theo các chuyên gia trong ngành bán lẻ, để tiếp cận các hệ thống phân phối nước ngoài có trình độ tổ chức tiên tiến, hiện đại, đòi hỏi DN Việt phải thực hiện đồng bộ các giải pháp từ sản xuất đến phân phối, tiêu thụ. 

Bán lẻ truyền thống vẫn phát triển tốt
Bán lẻ thế hệ mới, tương lai nằm trong sự thay đổi

Khi những thương hiệu bán lẻ lớn như Aeon, Central Group, Tập đoàn TCC (Thái Lan)... mở rộng đầu tư kinh doanh thị trường Việt Nam cũng đồng nghĩa với việc họ phải tìm nhiều nhà cung ứng sản xuất trong nước để đa dạng hóa các sản phẩm tại siêu thị.

Đây cũng là cơ hội cho các DNNVV Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm. Tuy nhiên, để có được chỗ đứng trong việc cung ứng sản phẩm cho các Tập đoàn này thì các DNNVV cũng cần có chiến lược đầu tư bài bản và khẳng định được thương hiệu riêng.

nang chat de cung ung cho cac nha ban le ngoai
Nhiều sản phẩm Việt Nam đã có mặt trong siêu thị ngoại

Một trong những tập đoàn bán lẻ đang có chiến lược kinh doanh khá thành công ở Việt Nam chính là Tập đoàn Aeon của Nhật Bản. Vào Việt Nam từ năm 2013, hiện tập đoàn này đã mở 6 trung tâm thương mại tại Việt Nam, dự báo đến năm 2025 sẽ có khoảng 20 trung tâm đi vào hoạt động. Ông Yasuo Nishitohge - Tổng giám đốc Công ty TNHH Aeon Việt Nam cho biết, năm 2018 là năm thứ 5 Aeon kinh doanh tại Việt Nam. Aeon đặt mục tiêu sẽ mở rộng hệ thống và trở thành nhà bán lẻ số 1 tại Việt Nam.

Nhằm hiện thực hóa mục tiêu này, bên cạnh việc mở rộng đầu tư, Tập đoàn Aeon (Nhật Bản) cũng đã có nhiều động thái gắn kết, thắt chặt quan hệ với các DN, nhà cung cấp Việt Nam. Ông Yasuo Nishitohge nhấn mạnh, hiện Aeon Việt Nam đang làm việc với hơn 2.000 nhà cung cấp trong nước với hơn 40.000 mã sản phẩm đang được tiêu thụ tại các trung tâm bách hóa tổng hợp và siêu thị Aeon. Trong đó, nhà cung cấp trên rất nhiều ngành hàng như thực phẩm, nhà cung cấp thời trang trẻ em, nhà cung cấp điện tử, đồ gia dụng…

Không dừng lại ở đó, để đa dạng hóa các sản phẩm của hệ thống các siêu thị trên cả nước, mới đây Aeon Việt Nam đang triển khai tìm nhà cung cấp hàng hóa cho 4 trung tâm thương mại (Aeon Mall), 53 siêu thị và 110 cửa hàng tiện lợi MiniStop đang hoạt động khắp các tỉnh thành và sẽ mở rộng nhiều hơn nữa trong thời gian tới.

Việc các siêu thị ngoại triển khai các hoạt động hợp tác với các DN cung cấp trong nước như Aeon, BigC thời gian qua đã giúp các DN có nhiều cơ hội tham gia vào cung ứng cho các tập đoàn bán lẻ. Bên cạnh việc thâm nhập vào các cửa hàng bán lẻ trong nước, các DN cung cấp còn có nhiều cơ hội để tham gia xuất khẩu trong hệ thống bán lẻ toàn cầu của các tập đoàn.

Theo đại diện của Aeon, các DN, nhà cung cấp Việt Nam không chỉ có cơ hội đưa sản phẩm vào hệ thống của Tập đoàn ở trong nước, mà hoàn toàn có cơ hội để đến với hệ thống Aeon với hơn 14.000 cửa hàng trong khu vực châu Á, trong đó có hơn 11.000 cửa hàng tại Nhật Bản, hơn 2.000 cửa hàng tại các nước ASEAN.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng cho rằng, khi hàng hóa từ Việt Nam đã được vào tiêu thụ ở bất cứ tập đoàn nào thì sẽ được phân phối, tiếp nhận và phân phối tiêu thụ ở tất cả hệ thống của tập đoàn đó trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc các DN trong nước chen chân vào các siêu thị ngoại còn gặp nhiều khó khăn. Một trong những nguyên nhân khiến hàng Việt khó vào kênh bán lẻ nước ngoài là do rào cản chiết khấu mà họ áp đặt và liên tục gia tăng chiết khấu qua từng năm, khiến DN khó lòng trụ nổi.

Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm của các DN trong nước còn chưa đáp ứng được các yêu cầu cao về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ. Chẳng hạn như muốn tham gia chuỗi cung ứng của Aeon, DN phải vượt qua 2 cuộc kiểm tra khắt khe về quy trình chất lượng; sau đó, Aeon mới bắt đầu lựa chọn nhà cung cấp chính thức.

Bà Lê Thị Mai Linh - Phó Chủ tịch điều hành Quan hệ công chúng và Trách nhiệm xã hội của Central Group Việt Nam cho biết, mặc dù đơn vị đã tích cực hỗ trợ đưa hàng Việt vào hệ thống Big C toàn cầu, nhưng DN Việt Nam, đặc biệt là DNNVV khá bỡ ngỡ với những giấy tờ chứng minh xuất xứ, chất lượng hàng hóa.

Trước thực tế đó, theo các chuyên gia trong ngành bán lẻ, để tiếp cận các hệ thống phân phối nước ngoài có trình độ tổ chức tiên tiến, hiện đại, đòi hỏi DN Việt phải thực hiện đồng bộ các giải pháp từ sản xuất đến phân phối, tiêu thụ.

Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam Đinh Thị Mỹ Loan cho rằng, giải pháp quan trọng nhất để cạnh tranh với hàng ngoại nói chung là DN Việt phải nâng cao chất lượng sản phẩm, tổ chức hiệu quả các chuỗi khép kín từ sản xuất đến phân phối. Đồng thời đầu tư công nghệ, nâng cao chất lượng để đáp ứng được tốt nhất các yêu cầu của các tập đoàn bán lẻ nước ngoài tại Việt Nam.

Nguyễn Minh

Tin đọc nhiều