Nâng chất lượng gạo để xuất khẩu bền vững

09:06 | 26/10/2017

Bộ Công Thương định hướng, tăng tỷ lệ gạo xuất khẩu trực tiếp, tập trung một số loại gạo giá trị cao mang thương hiệu Việt.

Dự kiến xuất khẩu vượt mục tiêu 400 nghìn tấn gạo
Gạo Việt chiếm 15% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn thế giới

Bộ Công Thương đang triển khai kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, sẽ điều chỉnh giảm dần lượng gạo hàng hóa xuất khẩu, tập trung vào những loại gạo giá trị cao, đáp ứng được nhu cầu của các thị trường nhập khẩu trọng điểm.

nang chat luong gao de xuat khau ben vung
Sẽ tập trung vào những loại gạo giá trị cao, đáp ứng được nhu cầu của các thị trường nhập khẩu trọng điểm

Tại Quyết định số 942/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2030 của Bộ Công Thương. Định hướng chung của chiến lược là chuyển dịch cơ cấu thị trường xuất khẩu theo hướng bền vững, khai thác hiệu quả nhu cầu nhập khẩu gạo thông dụng của các thị trường trọng điểm, truyền thống.

Đồng thời, phát triển các thị trường có nhu cầu nhập khẩu gạo có chất lượng, giá trị cao và các sản phẩm chế biến từ thóc, gạo và các thị trường có quan hệ đối tác bền vững về thương mại và đầu tư. Chiến lược sẽ có hai giai đoạn thực hiện, cụ thể từ năm 2017 - 2020 có mục tiêu đặt ra là lượng gạo xuất khẩu đạt 4,5 triệu - 5 triệu tấn/năm, với giá trị từ 2,2 tỷ USD - 2,3 tỷ USD/năm. Giai đoạn hai từ 2021 - 2030, lượng gạo xuất khẩu chiếm khoảng 4 triệu tấn/năm, song giá trị cao hơn giai đoạn 1, ước đạt khoảng 2,3 tỷ USD - 2,5 tỷ USD.

Về cơ cấu mặt hàng xuất khẩu, từ nay đến năm 2020, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu mặt hàng xuất khẩu theo hướng, tỷ trọng gạo trắng phẩm cấp thấp và trung bình không vượt quá 20% tổng lượng gạo xuất khẩu, gạo trắng phẩm cấp cao chiếm 25%. Các loại gạo thơm, gạo đặc sản, gạo Japonica chiếm 30%, gạo nếp chiếm 20%.

Đến năm 2030, tỷ lệ gạo trắng thường chỉ chiếm 25%, gạo thơm, gạo đặc sản, gạo Japonica chiếm 40%. Và tăng dần tỷ trọng các sản phẩm gạo có giá trị gia tăng cao như gạo vi chất dinh dưỡng, gạo đồ, gạo hữu cơ, bột gạo và một số phụ phẩm khác từ thóc gạo.

Chiến lược cũng xác định rõ việc tăng tỷ lệ gạo xuất khẩu trực tiếp vào các thị trường, trực tiếp vào các hệ thống phân phối gạo của các nước; đạt mục tiêu tỷ lệ gạo xuất khẩu trực tiếp mang thương hiệu Việt. Các thị trường nhập khẩu được điều chỉnh phù hợp với mục tiêu chuyển dịch cơ cấu thị trường và xu thế diễn biến thị trường gạo thế giới.

Cụ thể, đến năm 2020, xuất khẩu gạo sang châu Á chiếm 60% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo, châu Phi chiếm 22%, Trung Đông 2%, châu Âu khoảng 5%... Để thực hiệ̣n chiến lược này, Bộ Công Thương đề xuất, cơ cấu lại diện tích sản xuất, mùa vụ, năng suất, sản lượng lúa gạo hàng hóa để giảm dần sản lượng gạo hàng hóa; Chuyển đổi đất canh tác lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản.

Đặc biệt là tập trung thực hiện các giải pháp xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam; Chú trọng phát triển các sản phẩm lúa cho sản phẩm gạo trắng chất lượng cao, gạo thơm, gạo đặc sản vùng miền…

Tại buổi gặp gỡ giữa Bộ Công Thương, Sở Công Thương các tỉnh vùng ĐBSCL và DN xuất khẩu gạo đầu tháng 10/2017, các địa phương có lượng gạo xuất khẩu lớn như tỉnh Long An, Đồng Tháp, Cần Thơ, An Giang… đều được ghi nhận đã đẩy nhanh thực hiện các mục tiêu mà chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo đặt ra.

DN tại các địa phương đều cho rằng, có đủ điều kiện và dư địa để thực hiện chiến lược đề ra, bởi hiện nay thị phần gạo Việt Nam chiếm khoảng 15% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn thế giới và đã có mặt tại 150 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Chúng ta càng tự tin hơn khi 9 tháng đầu năm 2017, xuất khẩu gạo Việt Nam tăng cả sản lượng lẫn giá trị do DN chủ động tìm kiếm, khai thác tốt thị trường mới (như Singapore, Iran), thay vì chỉ tập trung vào một số thị trường truyền thống như Trung Quốc, Philippines...

Thanh Thanh

Tin đọc nhiều