Ngành chăn nuôi hướng đến chuỗi giá trị bền vững

10:00 | 11/01/2019

Ngành chăn nuôi đang hướng đến chuỗi giá trị bền vững và là giải pháp để tránh tình trạng được mùa mất giá...

Ngành chăn nuôi Việt Nam: Liên kết chuỗi để mở lối xuất khẩu
Ứng dụng công nghệ, lợi cả đôi đường

Cú lội ngược dòng ngoạn mục

Trong thời gian qua, tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực chăn nuôi luôn thuộc nhóm cao trong khu vực nông nghiệp, bình quân duy trì ở mức 5-6%/năm, góp phần giữ vững mức tăng trưởng chung cho ngành nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu thực phẩm trong nước và xuất khẩu (XK). Ước tính, trong năm 2018 sản lượng thịt heo hơi đạt trên 3,81 triệu tấn, tăng 2,2% so với năm 2017. Tại một số địa phương như Đồng Nai, Hà Nội, Thái Nguyên, Hà Nam… quy mô chăn nuôi heo đã dịch chuyển sang hướng tập trung công nghiệp.

nganh chan nuoi huong den chuoi gia tri ben vung
Năm 2019 ngành chăn nuôi cần phải đẩy mạnh xuất khẩu ra thị trường thế giới

Nhìn lại năm 2017, khi đó chăn nuôi heo vô cùng bết bát, giá heo hơi xuống 20 đến 25 nghìn/kg. “Cơn bão giá” càn quét qua tất cả các tỉnh thành từ Bắc vào Nam. Hàng trăm ngàn hộ chăn nuôi thua lỗ nặng, nợ nần chồng chất… Chăn nuôi tự phát, không theo tín hiệu thị trường, phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc khiến nhiều hộ chăn nuôi hết sức khó khăn.

Cuộc khủng hoảng giá heo là bài học nhãn tiền để người chăn nuôi thay đổi cách thức làm ăn theo kiểu “chợ chiều”. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng cần phải định hướng lại ngành chăn nuôi nói chung và ngành chăn nuôi lợn nói riêng theo hướng bền vững và gắn với bảo vệ môi trường.

Và sau đúng một năm, cùng với chiến dịch giải cứu, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cũng yêu cầu phải “tái cơ cấu” ngành hàng này bằng biện pháp giảm ngay đàn heo nái nhằm điều tiết cung cầu, kêu gọi các DN trong ngành hỗ trợ đầu vào cho người chăn nuôi... Đầu tháng 4/2018, ngành hàng thịt heo có cú lật ngược tình thế đầy ngoạn mục khi giá thịt heo hơi xuất chuồng bật tăng mạnh, từ lỗ sang hòa vốn. Các tháng tiếp theo đó, giá thịt heo tiếp tục tăng cao, có những thời điểm tiệm cận đến 58-60 nghìn/kg, người chăn nuôi thu có lãi khá.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) chia sẻ, chính ngành hàng thịt heo được điều chỉnh tốt đã tạo điều kiện ổn định và phát triển ngành chăn nuôi, nên về cơ bản, chăn nuôi đã đạt được các mục tiêu đề ra. Khi gặp vấn đề thừa cung, các quốc gia thường mất một thời gian khá dài để vực lại ngành chăn nuôi heo. Ví như Thái Lan mất tới 5 năm, Trung Quốc mất 3 năm, trong khi đó ở Việt Nam chỉ mất đúng một năm. Đây là thành tựu rất lớn, đáng ghi nhận của ngành.

“Đánh giá cả năm 2018 cho thấy, ngành chăn nuôi được mùa được giá, người chăn nuôi và DN vui mừng tái đầu tư chiều sâu trong việc phát triển chăn nuôi trong thời gian tới”, ông Nguyễn Xuân Dương nói.

Năm 2018, ngành chăn nuôi còn ghi nhận thành tích khi XK chính ngạch thành công thịt heo đông lạnh sang Myanmar. Như vậy, nếu cách đây 20 năm, Việt Nam đã XK thịt heo mảnh sang Nga theo hình thức “trả nợ”, thì từ đó chúng ta cũng chỉ XK được thịt heo sữa và thịt heo choai sang một số nước trong khu vực Đông Nam Á. Chỉ sau 2 thập kỷ, ngành hàng này đã có kim ngạch XK lên tới hơn 10 tỷ USD lần đầu tiên. Không chỉ vậy, giá thịt heo XK của Việt Nam còn cao hơn 15% so với giá thịt heo thế giới.

Đây được xem là điều chưa từng có, bởi từ trước đến nay, phần lớn thịt heo hơi từ Việt Nam được xuất sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch, còn thịt heo tươi chưa XK được do vướng nhiều rào cản. Điều này chứng minh một sự trưởng thành trong quản lý của ngành, sự trưởng thành của người chăn nuôi và các DN.

Sẽ tham gia nhóm 20 tỷ USD

Ngành nông nghiệp đặt mục tiêu đối với chăn nuôi, phấn đấu đạt tốc độ tăng giá trị sản xuất trên 4,15% trong năm 2019; tổng sản lượng thịt các loại 5,59 triệu tấn, tăng 4,1% so với năm 2018. Trong đó, sản lượng thịt lợn hơi khoảng 3,96 triệu tấn, tăng 4%; sản lượng thịt gia cầm khoảng 1,16 triệu tấn, tăng 5,7%; sữa khoảng 1,05 triệu tấn, tăng 9,3%; trứng các loại khoảng 12,57 tỷ quả, tăng 6,6%.

Để đạt được mục tiêu đặt ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ rà soát chiến lược phát triển ngành với từng đối tượng nuôi cụ thể để điều chỉnh quy mô phù hợp với nhu cầu thị trường; phát triển các vùng chăn nuôi tập trung, quy mô lớn đối với các sản phẩm chủ lực. Phấn đấu đưa kim ngạch XK các sản phẩm chăn nuôi từ 550 triệu USD trong năm 2018 lên 800 triệu USD trong năm 2019, và năm 2020 ngành chăn nuôi sẽ chính thức vào nhóm sản phẩm tỷ USD.

Ông Nguyễn Xuân Dương cho hay, trong năm 2019, ngành sẽ tiếp tục tập trung phát triển đàn heo. Theo dõi sát về giá cả và thông tin trên các phương tiện thông tin truyền thông để các cơ quan quản lý, người chăn nuôi, người tiêu dùng nắm bắt đầy đủ, kịp thời.

Theo đó, duy trì giá heo hơi ở mức 40-45 ngàn đồng/kg, giá thành xuống dưới 35.000 đồng/kg. Đặc biệt, trong năm 2019 ngành chăn nuôi cần phải đẩy mạnh XK sản phẩm chăn nuôi ra các nước xung quanh và trên thế giới. Cạnh đó, trong năm tới, ngành đẩy mạnh hoạt động sản xuất theo chuỗi liên kết, lấy DN, hợp tác xã làm trọng tâm dẫn dắt. Điều này sẽ tránh được tình trạng các sản phẩm chăn nuôi của nông dân làm ra mà không biết bán cho ai.

Những kết quả đạt được của ngành chăn nuôi trong năm 2018 cho thấy, đã đến thời của sự làm ăn bài bản, của những chuỗi liên kết, ở đó, mọi giá trị được chia đều cho các thành phần tham gia, trách nhiệm của từng khâu được thể hiện rõ. Chỉ khi làm được điều đó ngành chăn nuôi mới có thể phát triển bền vững và hướng tới XK.

Hồng Hạnh

Tin đọc nhiều