Ngành chăn nuôi Việt Nam: Liên kết chuỗi để mở lối xuất khẩu

09:40 | 28/12/2018

Đánh giá tiềm năng ngành công nghiệp thịt tại Việt Nam, các chuyên gia nhận định, Việt Nam là một trong những thị trường tiềm năng để hướng đến xuất khẩu thịt gia cầm sang châu Âu...

Ứng dụng công nghệ, lợi cả đôi đường
Chăn nuôi cũng phải hướng tới xuất khẩu

Thúc đẩy mô hình liên kết chuỗi

Năm 2018, ngành chăn nuôi có điểm nhấn nổi bật là phát triển mô hình chuỗi liên kết trong chăn nuôi, giết mổ, chế biến thực phẩm và kết nối thị trường. Nhiều nhà máy chế biến, giết mổ công suất lớn đã được khởi công và hoàn thành. Nhà máy Hà Nam của Tập đoàn Masan công suất 140 nghìn tấn thịt lợn/năm với công nghệ hiện đại cho thương hiệu Meat Deli đã khánh thành và đi vào hoạt động ngày 23/12/2018.

nganh chan nuoi viet nam lien ket chuoi de mo loi xuat khau
Các DN cần tổ chức chế biến và phân phối lưu thông sản phẩm

Để có nguồn đầu vào ổn định và an toàn cho nhà máy, hiện Cục Chăn nuôi đã phối hợp xây dựng 10 cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh và 6 trang trại chăn nuôi lợn áp dụng VietGAP tại Hà Nam cho vùng nguyên liệu của nhà máy. Trước đó, nhà máy giết mổ, chế biến thịt lợn tại huyện Hải Hậu (Nam Định) do Công ty TNHH Biển Đông và Deheus liên kết đã khánh thành và đi vào hoạt động từ tháng 11/2018 với công suất 350.000 tấn lợn thịt/năm.

Ông Vũ Trọng Nghĩa - Giám đốc Công ty TNHH Biển Đông cho biết, đây là một bước tiến quan trọng trong chiến lược quy hoạch vùng nguyên liệu thuộc các tỉnh thành và khu vực: Nam Định, Thái Bình và các tỉnh phía Bắc. Hiện công ty đang nỗ lực thực hiện các giải pháp cần thiết để từng bước đưa sản phẩm của nhà máy sang thị trường Hàn Quốc.

Còn trước khi đầu tư nhà máy giết mổ, chế biến lợn tại Hà Nam, Tập đoàn Masan đã đầu tư trại nuôi lợn quy mô công nghiệp với 10.000 con tại huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An. Lợn tại đây được nuôi theo quy trình tiên tiến, khép kín đảm bảo sạch. Sau đó lợn được đưa về Hà Nam để giết mổ. Quy trình giết mổ lợn tại đây được thực hiện theo Tiêu chuẩn thịt lợn mát mới được ban hành. Theo đó, các quy trình từ pha lọc như thế này đều được thực hiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Như vậy, sự kiện khánh thành Tổ hợp chế biến thịt Meat Hà Nam chính là mảnh ghép quan trọng và cuối cùng hoàn thiện mô hình tích hợp hoàn chỉnh chuỗi giá trị thịt của Masan. Từ vận hành nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi đáp ứng tiêu chuẩn GLOBAL GAP, đến trang trại chăn nuôi kỹ thuật cao tại Nghệ An theo tiêu chuẩn GLOBAL GAP, sau cùng là tổ hợp chế biến thịt công nghệ thịt mát từ châu Âu đáp ứng tiêu chuẩn BRC. Toàn bộ chuỗi cung ứng và phân phối giữ mát đảm bảo mang thịt mát Meat Deli đến tay người tiêu dùng tươi, ngon, sạch.

Cung cấp cho thị trường sản phẩm thực sự tốt và có giá cả phù hợp, Masan đặt mục tiêu sẽ chiếm lĩnh được hơn 10% thị trường thịt lợn, có quy mô 10,2 tỷ USD. Với những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, an toàn và phù hợp với túi tiền người tiêu dùng, ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch HĐQT Masan Group tin tưởng, thịt mát sẽ thay đổi thói quen và trở thành tiêu chuẩn tiêu dùng mới của người Việt Nam.

Hạ giá thành, nâng cao sức cạnh tranh

Đánh giá tiềm năng ngành công nghiệp thịt tại Việt Nam, các chuyên gia nhận định, Việt Nam là một trong những thị trường tiềm năng để hướng đến xuất khẩu thịt gia cầm sang châu Âu. Hiện nay đã có một số nước mở cửa cho thịt lợn của Việt Nam, trong đó Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất và đầy tiềm năng bởi mức tiêu thụ của nước này vào khoảng 51 - 57 triệu tấn/năm. Tại thị trường nội địa, hiện nay thịt lợn được tiêu thụ bình quân 33,5kg/người/năm nhưng đến năm 2020 dự kiến sẽ là 39kg.

Ông Gabor Fluit - Tổng giám đốc Tập đoàn Dehues khu vực châu Á cho biết, trong 2-3 năm gần đây ngành chăn nuôi Việt Nam, đặc biệt là chăn nuôi lợn đã có sự thay đổi mạnh mẽ, nhu cầu tiêu dùng thịt lợn sạch, an toàn của người dân ngày càng tăng cao, đây là khó khăn song cũng là cơ hội để đẩy mạnh chuỗi thịt lợn chế biến và xuất khẩu.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, chăn nuôi là một ngành hàng có tiềm năng lớn của nước ta. Tuy nhiên, khâu yếu nhất của ngành hiện nay chính là khâu tổ chức chế biến và phân phối lưu thông sản phẩm. Đây là nguyên nhân chính dẫn tới cuộc khủng hoảng thừa thịt lợn từ cuối năm 2016 tới đầu năm 2017 một cách nghiêm trọng.

Với các hiệp định thương mại tự do đã được ký kết, đặc biệt là với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ được thực thi vào năm 2019, ngành chăn nuôi Việt Nam đang được xếp vào hàng có nhiều yếu thế. Trong đó, tổ chức chế biến và phân phối lưu thông đang là hai khâu yếu nhất của ngành này. Do đó, việc khuyến khích những doanh nghiệp có tiềm lực lớn, tập trung vào chuỗi giá trị khép kín, đủ sức cạnh tranh và hướng tới xuất khẩu là rất cần thiết.

Trong năm 2018, Cục Chăn nuôi đã phối hợp với các đơn vị liên quan và các địa phương thúc đẩy phát triển mô hình chuỗi liên kết trong chăn nuôi, giết mổ, chế biến thực phẩm và kết nối thị trường. Cục cũng đang tiếp tục phối hợp, hỗ trợ các DN triển khai xuất khẩu lợn mạnh sang Myanmar, xuất khẩu thịt gà sang Nhật Bản và xuất khẩu lợn sữa, lợn choai sang Hồng Kông, Singapore, Malaysia…

Năm 2019 ngành chăn nuôi đặt mục tiêu đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi ra các nước xung quanh và trên thế giới. Ông Nguyễn Xuân Dương - quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho hay: Để xuất khẩu được sản phẩm chăn nuôi, phải nâng cao năng suất vật nuôi, giảm giá thành sản phẩm chăn nuôi và nâng cao chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.

Hiện, thức ăn chăn nuôi chiếm 70% giá thành chăn nuôi, vì vậy chỉ khi giải được điểm nghẽn này, sản phẩm chăn nuôi mới đủ sức cạnh tranh. Cạnh đó, xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch, cơ sở chăn nuôi an toàn sinh học, giết mổ, chế biến tập trung công nghiệp và xúc tiến xuất khẩu chăn nuôi là việc cần phải gấp rút thực hiện.

Hải Yến

Tin đọc nhiều