Ngành dệt may chưa xáo trộn nhiều vì CMCN 4.0

09:09 | 06/09/2019

DN cần nâng cấp mô hình hoạt động, chất lượng nhân công và công nghệ để tránh khủng hoảng thừa lao động

Sáng kiến giúp ngành dệt may, da giày Việt Nam mở rộng cửa
Ngành Dệt may Việt Nam: Từng bước chủ động nguồn nguyên liệu
Thủ tướng yêu cầu xử lý phản ánh về vướng mắc của ngành dệt may

Các doanh nghiệp dệt may đang bắt nhịp khá tốt với cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0. Hiện nay cả 4 lĩnh vực chính là sợi, dệt, nhuộm, may đều đã có ứng dụng tự động hóa cũng như công nghệ thông tin trong nhiều công đoạn. Đồng thời, điều này cũng không làm mất đi quá nhiều việc làm và ảnh hưởng lớn tới người lao động như các dự báo trước đây.

Tỷ lệ ứng dụng công nghệ còn rất nhỏ

Ngay từ khi CMCN 4.0 nổi lên với công nghệ tự động hóa, ứng dụng dữ liệu lớn trong quản lý sản xuất, điều hành DN, CTCP Đầu tư và Phát triển Đức Quân đã đầu tư tự động hóa sản xuất và đồng bộ hóa các thiết bị. Nhờ đó, công suất 3 nhà máy sản xuất sợi của DN này tăng gấp 2 lần, đạt sản lượng 17.000 tấn/năm.

nganh det may chua xao tron nhieu vi cmcn 40
Một số công đoạn giản đơn đã được áp dụng công nghệ để tự động hoá

Một DN lớn khác trong ngành là Tổng công ty May 10 cũng đã áp dụng công nghệ để tự động hoá nhiều khâu sản xuất, đồng thời ứng dụng phần mềm quản lý kinh doanh trực tuyến khép kín, có sự phân quyền chi tiết đến từng chi nhánh, phòng, ban… Nhờ đó, tổng công ty có thể quản lý và kiểm soát tốt các giao dịch của chuỗi đại lý phân phối từ khâu mua hàng, bán hàng, đến kho, quỹ một cách tổng thể và hiệu quả.

Quá trình đầu tư ứng dụng công nghệ đã nâng cao năng suất, tốc độ cũng như giảm số người lao động cho các DN ngành dệt may. Nếu như trước đây 10 năm, để sản xuất 10.000 cọc sợi phải dùng đến trên 110 lao động thì đến nay những DN tiên tiến nhất của Việt Nam chỉ cần 25 - 30 lao động, giảm gần 4 lần. Nói cách khác, năng suất lao động trên đầu người đã tăng gần 4 lần trong thời gian qua. Trên thế giới có những nhà máy tiên tiến nhất đang áp dụng được 10.000 cọc sợi với 10 công nhân đối với các mặt hàng phù hợp, ít thay đổi.

Trong ngành dệt cũng đã có sự cải tiến, với 400-500 vòng/phút trước đây lên tới 1.000-1.200 vòng/phút là phổ biến. Đặc biệt là sự liên kết dữ liệu giữa các thiết bị dệt lẻ về năng suất, chất lượng, loại lỗi, đã làm thay đổi về căn bản phương thức quản lý nhà máy dệt. Tương tự như vậy, đối với ngành nhuộm, việc ứng dụng công nghệ cũng làm tăng tỷ lệ nhuộm chính xác lần đầu từ 70-80% trước đây lên tới 95-98%, với mặt hàng giản đơn từ vải polyester thì có thể đạt tới 99-100%.

Mặc dù mang lại nhiều lợi ích, song đáng tiếc là việc ứng dụng thành tựu của CMCN 4.0 mới chỉ diễn ra đối với số ít DN dệt may. Tháng 4/2019, Tập đoàn Dệt may Việt Nam đã tổ chức khảo sát thử nghiệm với khoảng 300 DN dệt may trên khắp cả nước để đánh giá nhận thức và mức độ chuẩn bị cho CMCN 4.0, trong đó khảo sát trực tiếp gần 100 DN. Các DN khảo sát được chia thành 4 nhóm ngành, trong đó bao gồm sợi, dệt, nhuộm và may.

Kết quả cho thấy, hầu hết các DN đều tỏ ra quan tâm đến CMCN 4.0, tuy nhiên việc đầu tư trong đổi mới công nghệ chiếm tỷ lệ rất nhỏ; sự sẵn sàng về cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị, công nghệ có sự phân hoá rất mạnh. Các DN tư nhân nhỏ và vừa gần như chưa có sự chuẩn bị, trong khi một số DN lớn, đặc biệt là các DN FDI đã từng bước ứng dụng các thành tựu của CMCN 4.0 vào sản xuất.

Kết quả này được thể hiện rõ hơn ở thang điểm về trình độ công nghệ đáp ứng CMCN 4.0. Theo đó, các DN dệt may được khảo sát hiện chỉ ở mức điểm trung bình 2,59 trên thang điểm 5; trong đó nhóm ngành sợi có mức độ hiện đại hoá cao nhất là 3,02 điểm, ngành may 2,85 điểm, ngành dệt thấp nhất với 2,05 điểm.

Không lo lao động mất việc tràn lan

Mặc dù đang từng bước ứng dụng công nghệ để thay thế lao động giản đơn, song đến thời điểm hiện tại, có thể khẳng định lao động trong ngành dệt may sẽ không bị biến động quá nhiều do tác động từ CMCN 4.0. Đó là khẳng định của ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam. Ông Trường cho biết, chỉ có khoảng 15% lao động của ngành may bị ảnh hưởng do biến động dư thừa lao động, không giống như dự báo tương đối đáng lo ngại của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO). Theo đó hồi tháng 7/2016, tổ chức này dự báo rằng máy móc công nghệ của cuộc CMCN 4.0 có thể thay thế tới 85% lao động dệt may của Việt Nam trong vài thập kỷ tới.

Ông Trường chỉ ra những lý do khẳng định cho việc này. Thứ nhất, báo cáo Tương lai việc làm Việt Nam năm 2018 của WB đã chỉ ra rằng dự báo này là quá mức so với thực tế vì ngay cả đối với sản phẩm đơn giản nhất là áo T-shirt, thì việc tự động hoá cũng chỉ được khoảng 8 công đoạn. Trong khi đó một sản phẩm may phức tạp có thể tới 78 công đoạn. Đó là chưa kể còn có tác động biến đổi liên tục của thời trang mà không thể tự động hoá bằng máy móc, thiết bị.

Thứ hai, dự báo của WB cũng cho rằng trong giai đoạn 2018-2022, dưới tác động của CMCN 4.0, thế giới sẽ có 75 triệu việc làm hiện tại mất đi nhưng sẽ có thêm 133 triệu việc làm mới sinh ra. Trong ngành dệt may, các việc làm liên quan đến thiết kế, quản trị chuỗi cung ứng dệt may… là những vị trí việc làm chắc chắn tăng cao so với hiện tại.

Thứ ba, với việc tận dụng thành tựu của CMCN 4.0, năng lực cạnh tranh của dệt may Việt Nam sẽ không ngừng gia tăng, thị phần tăng. Điển hình là thị phần của hàng dệt may Việt Nam tại Mỹ đã tăng từ 6% năm 2010 lên 12% vào năm 2017. Năng lực sản xuất của ngành dệt may được mở rộng thì nhu cầu sử dụng lao động cũng sẽ tăng lên, dù có cả sự hỗ trợ của CMCN 4.0.

Tuy vậy, ông Trường nhấn mạnh, cũng không thể chủ quan bởi trình độ lao động ngành dệt may vẫn còn thấp theo yêu cầu của CMCN 4.0. Vì vậy nếu các DN vẫn giữ nguyên mô hình hoạt động, chất lượng nhân công và công nghệ lạc hậu như hiện nay thì việc khủng hoảng thừa lao động sẽ trở thành vấn đề đặc biệt nghiêm trọng. Để ngăn ngừa điều này, cần phải có kế hoạch giải quyết lao động dư thừa, xây dựng chiến lược đào tạo, chuyển đổi nguồn nhân lực chất lượng cao một cách kịp thời, đáp ứng yêu cầu của CMCN 4.0. Điều này không chỉ làm giảm bớt những nguy cơ biến động lao động mà còn giúp tăng quy mô ngành dệt may cả về năng lực sản xuất và năng lực xuất khẩu.

Trong giai đoạn tới, các DN dệt may cần thường xuyên cập nhật tình hình công nghệ của thế giới trong lĩnh vực này để có thể tiếp cận với công nghệ hiện đại và có định hướng đầu tư đúng đắn, tránh tình trạng công nghệ sản xuất của Việt Nam bị mất cạnh tranh do lạc hậu. Bên cạnh đó, cần có sự chuẩn bị cả nguồn lực về vốn, thị trường để ứng dụng từng phần CMCN 4.0 trong quá trình đầu tư, sản xuất mới.

Đức Ngọc

Tin đọc nhiều