Ngành điện máy mất dần các thương hiệu lớn

14:20 | 04/06/2015

Sự kiện Nguyễn Kim bán lại 49% cổ phần cho Central Group (Thái Lan) khiến người ta vẫn chưa hết ngỡ ngàng. Bởi lâu nay, Nguyễn Kim đã định hình thương hiệu trong lòng người tiêu dùng Việt Nam như một DN mạnh nhất trong lĩnh vực bán lẻ điện máy. 

nganh dien may mat dan cac thuong hieu lon
Ảnh minh họa

Gây xôn xao thị trường không kém là câu chuyện của Ocean Mart được VinGroup mua lại. Ngay sau đó, Ocean Mart đã không còn trên thị trường, mà thay vào đó là Vinmart.

Theo các chuyên gia, danh sách M&A chắc chắn sẽ còn dài thêm chứ không chỉ dừng lại ở hai thương hiệu vừa nêu. Bởi hiện các đối tác nước ngoài đánh tiếng việc mua bán sáp nhập còn rất nhiều. Các chuyên gia trong ngành bán lẻ cho rằng NĐT ngoại có nhiều cách để tiến nhanh vào thị trường Việt Nam như mua lại DN yếu, đầu tư, liên doanh liên kết hoặc mua lại cổ phần.

Việc có nhiều NĐT tham gia sẽ góp phần giúp hàng hóa rẻ hơn, chất lượng hơn và người tiêu dùng ngày càng có lợi. Việc này đặt ra cho DN yêu cầu bức thiết phải đầu tư, cải tiến và gia tăng chất lượng dịch vụ.

Thực tế, cạnh tranh của ngành điện máy cao hơn rất nhiều so với các ngành khác. Đặc biệt, có nhiều công ty đang gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ nước ngoài đến Việt Nam đầu tư thông qua các thương vụ mua bán, sáp nhập. Điều này khiến các công ty phải đưa ra chiến lược cạnh tranh bằng cách thay đổi để thích nghi.

Lấy ví dụ một DN kinh doanh điện máy ở TP. Hồ Chí Minh. Trong gần 20 năm qua, từ một cửa hàng nhỏ ban đầu, DN này đã phát triển thành một chuỗi siêu thị điện máy nằm ở những vị trí đắc địa. Tuy nhiên, với sự gia nhập của các đối thủ từ nước ngoài, các vị trí thuận lợi này đang bị thâu tóm, gây rất nhiều khó khăn cho việc mở rộng kinh doanh, hoạt động kinh doanh sụt giảm.

Hai quý trước, doanh số của công ty giảm từ 15-20%, thậm chí quý vừa rồi giảm tới 27%. Công ty buộc phải đóng cửa một số siêu thị, số còn lại hoạt động cũng không khả thi. Tuy hoạt động yếu kém, song một đối tác nước ngoài đã đến đặt vấn đề muốn mua lại hoặc hợp tác nhằm giúp công ty thoát khỏi “hố đen” này.

Với cung cách đó, nhiều DN nước ngoài đã thành công trong việc thâu tóm thương hiệu suốt thời gian qua. Các lãnh đạo DN trong nước và các cổ đông cũng đã nhận thức được điều đó và tìm giải pháp cho vấn đề. Đơn cử, tại Thiên Hòa, để trụ lại và theo đuổi nghề kinh doanh siêu thị, công ty phải tìm được sự khác biệt, tận dụng ưu thế về địa điểm, các cửa hàng, tập trung tìm kiếm thị trường ngách.

Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT Thế giới di động (TGDĐ) đang sở hữu hai thương hiệu là Thegioididong.com và Điện máy Xanh cho biết, thời gian qua công ty luôn phải tăng thị phần bằng cách tăng số lượng điểm bán hàng và tăng chất lượng bán hàng. Nếu như năm 2013, TGDĐ chỉ có 225 điểm bán thì cuối năm 2014 đã là 350 điểm. Theo kế hoạch, TGDĐ sẽ có 473 điểm bán vào cuối năm nay.

Tương tự, ông Trần Đình Lưu Phong, Giám đốc marketing của Đệ Nhất Phan Khang cũng cho biết mặc dù chi phí đầu tư của một trung tâm điện máy dao động từ 22-30 tỷ đồng, nhưng DN vẫn đầu tư mở rộng để khẳng định thương hiệu...

Song các chuyên gia cho rằng, đây mới là những chiến lược rất truyền thống, và trước đây Nguyễn Kim đã làm điều đó rất tốt. Kết quả vẫn không tránh khỏi việc bán gần nửa cổ phần cho đối tác ngoại. Theo đó, giới chuyên môn cho rằng, các DN trong nước cần có những chiến lược cụ thể hơn, giải pháp tài chính hợp lý hơn, và có sự liên kết chặt chẽ hơn trong kinh doanh để tránh những trường hợp “mất tên” không đáng có.

Vũ Hoàng

Tin đọc nhiều