Ngành gỗ: Phát huy thế mạnh để xuất khẩu

10:00 | 13/12/2017

Với dự báo xuất khẩu gỗ sẽ đạt gần 8 tỷ USD trong năm nay, Việt Nam trở thành nước đứng thứ 5 trên thế giới về xuất khẩu các sản phẩm từ gỗ và lâm sản ngoài gỗ, đứng thứ nhất khu vực Đông Nam Á. Đây là tín hiệu lạc quan cho ngành gỗ, nhưng cũng đầy thách thức khi đối mặt với các quy định về mặt pháp lý trong các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã và sẽ tham gia.

Ngành gỗ ra tuyên bố chung “nói không với gỗ bất hợp pháp”
Để phát triển bền vững, ngành gỗ cần sự liên kết

Ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho rằng, xuất khẩu gỗ của Việt Nam trong năm 2017 có khả năng đạt mức 7,8-8 tỷ USD, vượt chỉ tiêu đề ra từ đầu năm là 7,3-7,5 tỷ USD. Với đà tăng trưởng hiện tại, chắc chắn đến năm 2020, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sẽ đạt giá trị 10 tỷ USD.

nganh go phat huy the manh de xuat khau
Thời gian tới xuất khẩu gỗ của Việt Nam sẽ tăng mạnh vào thị trường EU

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam tăng nhẹ trở lại trong những tháng cuối năm. Trong tháng 10/2017, đạt 675 triệu USD, tăng 5,4% so với tháng trước đó và tăng 10,9% so với tháng 10/2016. Tính chung trong 10 tháng năm 2017, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của nước ta đạt 6,213 tỷ USD, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Có thể thấy, những năm qua, ngành gỗ đã có những bước tiến quan trọng trong việc mở rộng thị trường xuất khẩu. Ngoài các thị trường xuất khẩu chủ lực như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, EU và Hàn Quốc thì các DN xuất khẩu gỗ Việt Nam đã hướng tới nhiều thị trường tiềm năng ở khu vực EU và Asean như Đức, Pháp, Singapore...

Theo số liệu thống kê, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, EU và Hàn Quốc là 5 thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam, chiếm gần 90% trong tổng giá trị kim ngạch mặt hàng này. Trong 10 tháng năm 2017, Hoa Kỳ liên tục là thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam, với tổng kim ngạch đạt 2,65 tỷ USD, chiếm tới 43% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của cả nước.

Bức tranh toàn cảnh về xuất khẩu gỗ cho thấy, ngành gỗ đang có những hướng đi đúng và nhiều tín hiệu lạc quan. Tuy nhiên, thách thức khi mà các hiệp định liên quan đến xuất khẩu gỗ, xuất xứ nguồn nguyên liệu đã và sắp thực hiện sẽ khiến cho các DN xuất khẩu gỗ Việt Nam phải có chính sách và chiến lược kinh doanh phù hợp với thông lệ quốc tế.

Ông Nguyễn Văn Hà - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT) cho biết, hiện tại nhiều nước trên thế giới đều đi theo xu hướng sử dụng gỗ hợp pháp như Mỹ, Nhật, Canada… Đây là xu hướng chung, và hiện nay Việt Nam đang cố gắng để xây dựng hệ thống kiểm soát gỗ phục vụ VPA/FLEGT nên một điều đáng mừng khi các DN đã nhận thấy gỗ hợp pháp là quan trọng.

Đánh giá của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores) cho thấy thời gian tới xuất khẩu gỗ của Việt Nam sẽ tăng mạnh vào thị trường EU. Đây đang là thị trường còn nhiều tiềm năng khi mà thương mại gỗ giữa Việt Nam-EU mới chiếm khoảng 12-15% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn quốc với giá trị xuất khẩu trung bình mỗi năm khoảng 650-700 triệu USD.

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ chính thức có hiệu lực trong năm 2018, thuế suất các mặt hàng đồ gỗ của Việt Nam vào EU về 0%, tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường này có thể đạt khoảng 1 tỷ USD. Tuy nhiên Chính phủ Việt Nam và EU đã chính thức ký tắt Hiệp định Đối tác tự nguyện (gọi tắt là FLEGT/VPA) sẽ tác động không nhỏ đến xuất khẩu gỗ Việt Nam.

Việt Nam ký kết FLEGT/VPA không chỉ có tác động tới các thị trường tiêu thụ các sản phẩm gỗ của Việt Nam mà còn tác động trực tiếp tới các quốc gia cung gỗ nguyên liệu cho Việt Nam. Trong khi nguồn cung cấp nguyên liệu gỗ trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu cho các DN xuất khẩu thì gỗ nguyên liệu nhập khẩu có vai trò quan trọng, trực tiếp góp phần giúp ngành chế biến gỗ Việt Nam tăng trưởng.

Hàng năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 4-5 triệu m3 gỗ nguyên liệu quy tròn, với kim ngạch nhập khẩu đạt trên 1 tỷ USD. Trong 10 tháng đầu 2017 tổng kim ngạch nhập khẩu gỗ tròn và xẻ của Việt Nam lên tới trên 1,2 tỷ USD.

Ông Nguyễn Văn Hà - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho rằng, nguồn gỗ nguyên liệu sạch đang là nhu cầu cấp bách đối với các DN Việt Nam. Sử dụng nguồn gỗ sạch không những nhằm đáp ứng với yêu cầu từ các thị trường xuất khẩu quan trọng truyền thống của Việt Nam mà còn góp phần chuẩn bị sẵn sàng để đáp ứng với các yêu cầu mới tại các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc trong tương lai.

Theo Vifores, các DN chế biến, sản xuất gỗ phải đối mặt không ít khó khăn từ tình trạng khan hiếm nguồn gỗ nguyên liệu nhập khẩu. Việc tìm nguyên liệu gỗ nhập khẩu có nguồn gốc hợp pháp rất khó khăn và không thể khắc phục trong thời gian ngắn bởi khả năng cung cấp nguyên liệu gỗ trong nước chưa đáp ứng được.

Thời gian tới, các thị trường chủ lực như Hàn Quốc, Nhật Bản sẽ chính thức thực hiện các chính sách mới nhằm quản lý chặt chẽ hơn các mặt hàng gỗ nhập khẩu. Với thị trường Hàn Quốc, nếu theo đúng lộ trình của Chính phủ nước này thì cuối năm 2017, các nhà nhập khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ vào Hàn Quốc phải có trách nhiệm giải trình về "lý lịch" gỗ sạch.

Tương tự, đạo luật “gỗ sạch” của Nhật Bản có hiệu lực chính thức vào khoảng tháng 3/2018. Theo đó, các DN xuất khẩu vào Nhật Bản có trách nhiệm giải trình các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.

Chính vì vậy Vifores cho rằng các DN Việt Nam phải chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh, tìm kiếm thị trường. Đồng thời cần loại bỏ nguồn gỗ nguyên liệu rủi ro cao có nguồn gốc nhập khẩu không rõ ràng bằng các nguồn gỗ nguyên liệu sạch, phù hợp với thông lệ quốc tế để ổn định thị trường và nâng cao năng lực xuất khẩu.

Nguyễn Minh

Tin đọc nhiều