Ngành gỗ xây dựng thương hiệu để xuất khẩu

12:00 | 05/04/2019

Dù có nhiều thuận lợi trong việc mở rộng thị trường nhưng vấn đề thương hiệu đang là rào cản khiến nhiều DN trong nước giảm sức cạnh tranh so với các đối thủ ở các nước khác.

Trong những năm gần đây, ngành gỗ Việt Nam có bước tăng trưởng ngoạn mục, nhất là trong xuất khẩu. Theo số liệu thống kê, năm 2018 kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng gỗ của Việt Nam đạt 8,476 tỷ USD, tăng 14,5% (tương đương 1,07 tỷ USD) so với năm 2017.

nganh go xay dung thuong hieu de xuat khau
Ảnh minh họa

Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, lâm sản vẫn đang nổi lên là ngành đạt tăng trưởng cao về giá trị xuất khẩu. Trong tháng 3/2019, kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ đạt 872 triệu USD. Lũy kế cả quý I/2019 đạt 2,3 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước. Mục tiêu mà ngành gỗ đặt ra trong năm 2019 phấn đấu đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng thêm từ 1,5 - 1,7 tỷ USD (tương ứng 16 - 18%) so với năm 2018 lên 10,8 - 11 tỷ USD.

Ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho rằng, cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu gỗ trong năm 2019 là rất lớn. Tuy nhiên để nâng cao năng lực cạnh tranh và khẳng định được giá trị gỗ xuất khẩu của Việt Nam thì các DN sản xuất kinh doanh cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa. Bên cạnh việc áp dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến trong sản xuất thì việc phát triển và xây dựng thương hiệu là rất quan trọng.

Mục tiêu mà Chính phủ đề ra là trong 10 năm tới, ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn trong sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam; Xây dựng thương hiệu sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ, phấn đấu để Việt Nam trở thành một trong những nước hàng đầu trên thế giới về sản xuất, chế biến, xuất khẩu sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ có thương hiệu uy tín trên thị trường thế giới.

Trên thực tế, việc xây dựng thương hiệu của các DN ngành gỗ thời gian qua vẫn còn yếu và nhiều hạn chế. Mặc dù các sản phẩm gỗ của các DN trong nước sản xuất đạt chất lượng cao, nhiều sản phẩm tinh xảo những do không có thương hiệu nên giá trị xuất khẩu lại thấp. Chính vì vậy, nhiều DN phải xuất khẩu thông qua các đối tác nước ngoài vừa giảm giá trị lại giảm cả năng lực cạnh tranh của DN.

Hiện chưa có nhiều thương hiệu gỗ, lâm sản Việt Nam có khả năng cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới. Trong khi đó việc xuất khẩu thông qua đối tác nước ngoài hiệu quả và giá trị mang lại thấp. Chính phủ và các cơ quan ban ngành sẽ khuyến khích, giúp các DN gỗ xây dựng thương hiệu theo các chương trình của Bộ Công thương trong thời gian tới. Từng thương hiệu của từng DN sẽ là điểm sáng để tập hợp, vẽ nên bức tranh đẹp cho cả ngành chế biến gỗ Việt Nam.

Phấn đấu đưa kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản ngoài gỗ năm 2019 đạt 11 tỷ USD; năm 2020 đạt 12 đến 13 tỷ USD; năm 2025 đạt 18 đến 20 tỷ USD; từng bước tăng tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm được chế biến sâu có thương hiệu Việt Nam, có giá trị gia tăng cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu.

Có thể thấy, ngành gỗ bước vào năm 2019 với nhiều thuận lợi trong xuất khẩu khi mà các chính sách mới về hội nhập có hiệu lực. Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi Lâm luật, Quản trị rừng và Thương mại Lâm sản (VPA/FLEGT) giữa Việt Nam và EU được ký kết mở ra cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh cho đồ gỗ Việt Nam khi xuất khẩu sang EU… Bên cạnh đó, các Hiệp định CPTPP và Việt Nam - EU (EVFTA) cũng chính thức có hiệu lực và thực thi đầu năm 2019 xóa bỏ hoàn toàn thuế quan đối với các mặt hàng đồ gỗ nội thất giúp cho các DN xuất khẩu hưởng nhiều lợi ích hơn.

Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, Hiệp định CPTPP có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 14/1/2019 chính thức mở ra các thị trường mới cho đồ gỗ từ Việt Nam như Canada, Mexico, Peru…. Dù có nhiều thuận lợi trong việc mở rộng thị trường nhưng vấn đề thương hiệu đang là rào cản khiến nhiều DN trong nước giảm sức cạnh tranh so với các đối thủ ở các nước khác. Do đó, để có thể cạnh tranh ở những thị trường này các DN xuất khẩu gỗ của Việt Nam cần chú trọng xây dựng thương hiệu mạnh tạo cơ hội mở rộng thị phần xuất khẩu.

Nhằm đẩy mạnh phát triển bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ phục vụ xuất khẩu, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 08/CT-TTg về một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển nhanh và bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ phục vụ xuất khẩu. Trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của xây dựng, quảng bá thương hiệu.

Theo đó các cấp bộ ngành phải cùng vào cuộc và ưu tiên nguồn ngân sách cho các chương trình xúc tiến thương mại, xây dựng và quảng bá thương hiệu ngành gỗ Việt Nam. Tập trung ưu tiên nguồn lực cho các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, đầu tư các trung tâm triển lãm quy mô lớn tương xứng với tiềm năng phát triển ngành chế biến gỗ.

Nguyễn Minh

Tin đọc nhiều