Ngành tư pháp hỗ trợ doanh nghiệp

10:15 | 07/01/2019

Hoàn thiện pháp luật về hợp đồng và giải quyết tranh chấp bằng phương thức hòa giải, trọng tài thương mại...

Giải quyết tranh chấp tín dụng bằng trọng tài: Vẫn còn chờ!
Tranh chấp có yếu tố nước ngoài ngày càng gia tăng

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, hiện nay nhiều quy định mới đang hướng đến việc hoàn thiện pháp luật về hợp đồng và giải quyết tranh chấp bằng phương thức ngoài tòa án, bảo đảm quyền và lợi ích của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

nganh tu phap ho tro doanh nghiep
95% doanh nghiệp tin tưởng và chọn trọng tài quốc tế là phương thức giải quyết khi có các tranh chấp xuyên biên giới

Luật sư Trần Thanh Hương, thuộc Hội Luật gia Việt Nam phân tích, trong các hợp đồng quan trọng, doanh nghiệp thường thỏa thuận về bồi thường thiệt hại tính trước. Thỏa thuận này phản ánh lợi ích chung của doanh nghiệp, giảm chi phí và thời gian khi xảy ra trường hợp bồi thường, các điều khoản có căn cứ xây dựng khách quan, rõ ràng được các bên cùng thừa nhận.

Thỏa thuận kiểu này cũng thông dụng trong môi trường kinh doanh quốc tế và ít nhiều được định hướng trong pháp luật chuyên ngành. Điều này không những thống nhất và phù hợp với quy định khác của hệ thống pháp luật về bồi thường thiệt hại trong hợp đồng, mà còn ít tạo gánh nặng (đôi khi bất khả thi) và mất thời gian cho bên bị vi phạm chứng minh thiệt hại.

Trước đây, trong Bộ luật Dân sự hay Luật Thương mại, chỉ vì không có quy định, mà doanh nghiệp lúng túng, chưa yên tâm khi thỏa thuận về bồi thường thiệt hại tính trước. Còn hiện nay, tại Điều 117 Bộ Luật dân sự̣ đã mở đường cho việc này bằng sự công nhận thỏa thuận trong khuôn khổ điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự.

Pháp luật về hợp đồng của Việt Nam hiện nay cơ bản được quy định trong Bộ luật Dân sự 2015, bên cạnh đó, các văn bản luật khác cũng có quy định về hợp đồng như Luật Kinh doanh bất động sản 2014, Luật Nhà ở 2014… Song đến nay 95% doanh nghiệp cho biết, họ thường tin tưởng và chọn trọng tài quốc tế là phương thức giải quyết khi có các tranh chấp xuyên biên giới.

Cụ thể, từ năm 2014 đến nay, số lượng vụ việc được giải quyết tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam đã tăng nhanh, với số lượng trên 100 vụ/năm, tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực mua bán hàng hóa (41%), xây dựng (18%), tài chính (11%)...

Đồng thời, tỷ lệ tăng của tranh chấp trong nước nhanh hơn so với tranh chấp có yếu tố nước ngoài, cho thấy rằng Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam ngày càng được cộng đồng doanh nghiệp trong nước, trong đó đặc biệt là nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tin tưởng.

Tuy nhiên, việc thật sự chưa hiểu đúng và hiểu đủ cũng dẫn đến những khó khăn cho doanh nghiệp khi tranh chấp phát sinh. Ví dụ, quy định tại Khoản 5, Điều 43 Luật Trọng tài thương mại chỉ rõ, trường hợp các bên đã có thỏa thuận trọng tài nhưng không chỉ rõ hình thức trọng tài hoặc không thể xác định được tổ chức trọng tài cụ thể, thì khi có tranh chấp, các bên phải thỏa thuận lại về hình thức trọng tài hoặc tổ chức trọng tài cụ thể để giải quyết tranh chấp. Nếu không thỏa thuận được thì việc lựa chọn hình thức, tổ chức trọng tài để giải quyết tranh chấp được thực hiện theo yêu cầu của nguyên đơn.

Trong thực tiễn, tranh chấp thẩm quyền phát sinh khi các bên giải thích tổ chức trọng tài cụ thể theo 2 cách khác nhau: thứ nhất, chỉ rõ tên gọi một tổ chức trọng tài nào đó mà không biết đích xác tổ chức này có thật sự tồn tại hay không; thứ hai, chỉ rõ tên một tổ chức trọng tài đang tồn tại trên thực tế.

Thực tế theo cách thứ hai sẽ phù hợp hơn. Vì cách thứ nhất sẽ dẫn đến nhiều trường hợp, các bên có thỏa thuận trọng tài chọn một tổ chức trọng tài bị sai tên và không tồn tại, thì bên bị xâm phạm quyền lợi ích hợp pháp, sẽ không thể kiện ra bất kỳ tổ chức trọng tài nào khác và Tòa án (vì thỏa thuận trọng tài này không bị xem là vô hiệu, không thực hiện được vì Tòa án phải từ chối thụ lý theo Điều 6 Luật Trọng tài thương mại).

Trước những vấn đề trên, Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 1527/QĐ-BTP, trong đó có hoạt động khảo sát, đánh giá thực tiễn thi hành pháp luật về hợp đồng và pháp luật giải quyết tranh chấp bằng phương thức ngoài tòa án. Quyết định này đã hoàn thiện pháp luật về hợp đồng và giải quyết tranh chấp bằng phương thức ngoài tòa án, bảo đảm quyền và lợi ích của cộng đồng doanh nghiệp hiện nay.

Thanh Trà

Tin đọc nhiều