Nguy cơ DN nông thủy sản bị đào thải

15:03 | 15/04/2015

Ngay cả những DN đáp ứng tốt các tiêu chuẩn của Việt Nam khi mang sang một số thị trường khó tính vẫn khó được chấp nhận.

nguy co dn nong thuy san bi dao thai
Ảnh minh họa

Ông Phạm Thanh Hùng, Phó giám đốc Công ty Ba Huân cho biết, công ty vừa mạnh tay chi 320 tỷ đồng để đầu tư khu chăn nuôi công nghệ cao theo quy trình châu Âu với tổng diện tích 18 ha, với 22 trại gà, trong đó có 17 trại gà đẻ trứng với tổng sản lượng 500.000 con gà, cung cấp 400.000 trứng/ngày, 3 trại gà hậu bị và 2 trại gà giống, tất cả quy trình đều tự động hóa.

Ngoài ra, Ba Huân còn đầu tư một nhà máy chế biến thức ăn song hành để tạo thành quy trình khép kín, dây chuyền hiện đại, giám sát chặt chẽ nhằm đảm bảo tốt khâu vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) tuyệt đối cho gà đẻ và con giống… Đây là những bước đi mà Công ty đã và đang chuẩn bị ngay từ bây giờ để sẵn sàng cho cuộc hội nhập.

Theo nhận định của các chuyên gia, việc hội nhập sâu rộng vào thị trường quốc tế giúp mang lại nhiều thuận lợi cho ngành nông nghiệp nói chung và các DN trong ngành này nói riêng, như giúp mở rộng thị trường, tăng cường xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản vốn được coi là sở trường của các DN Việt Nam.

Đặc biệt, trong sân chơi chung, các DN trong nước sẽ phải nhanh chóng đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng suất chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm… nhằm đáp ứng các nhu cầu mà bạn hàng và những quy định mà các nước nhập khẩu đề ra, nếu không muốn bị đào thải.

Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ NN&PTNT) cho biết, đến nay Việt Nam đã ký 7 hiệp định thương mại tự do với các đối tác song phương, đa phương và khu vực để tìm thị trường cho nông sản. Cụ thể, với Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), năm 2015, trong tổng số 1.539 dòng thuế nông, thủy sản, đã có 1.434 dòng thuế về 0%, còn lại 123 dòng ở mức thuế 5% hoặc chưa cam kết cắt giảm.

Hay, cam kết Khu vực mậu dịch tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA), đến năm 2018, chỉ còn 67 dòng sản phẩm còn duy trì thuế. Toàn bộ 80 sản phẩm áp thuế 5% sẽ giảm xuống 0%, các sản phẩm chưa cam kết cắt giảm sẽ chuyển sang mức thuế 50% (trứng gà, đường, mía, lá thuốc lá).

Còn đối với cam kết Khu vực mậu dịch tự do ASEAN – Úc/New Zealand (AANZFTA), 85% dòng thuế sẽ về 0% vào năm 2018 và 91% dòng thuế về 0% vào năm 2020. 68 dòng sản phẩm lâm sản và gỗ thuế về 0% vào năm 2015 và sẽ tăng lên 148/149 các dòng vào năm 2018… Vì vậy, những rào cản về thuế quan đối với nhiều mặt hàng nông thủy sản gần như sẽ bị gỡ bỏ hoàn toàn.

Mặc dù vậy, ông Vũ Minh Long, Tổng giám đốc CTCP Nông nghiệp Thanh niên Xung phong (Adeco) cho rằng, trong quá trình hội nhập thì nông nghiệp là một trong những lĩnh vực dễ bị “tổn thương” do nhìn chung năng lực về tài chính, trình độ khoa học kỹ thuật, quản trị… còn hạn chế.

Khi hàng rào thuế quan bị gỡ bỏ, cũng đồng nghĩa với việc các hàng rào phi thuế quan về VSATTP, kỹ thuật, phòng vệ thương mại được dựng lên. Như vậy, rõ ràng hiện nay các DN nông thủy sản cần phải nhìn lại chính bản thân mình để có thể phát triển lâu dài và bền vững trong quá trình hội nhập.

Vì ngay cả những DN đáp ứng tốt các tiêu chuẩn của Việt Nam khi mang sang một số thị trường khó tính vẫn khó được chấp nhận. Dù DN nông thủy sản Việt Nam còn có thị trường nội địa và thói quen tiêu dùng của người Việt cũng chưa dễ gì thay đổi, nhưng nếu các DN cứ cố “bám víu” vào điều này, không tự nâng tầm, chuẩn hóa từ quy trình hoạt động, quản lý điều hành đến việc liên kết xâu chuỗi tạo ra những sản phẩm sạch ngay từ đầu nguồn, với giá cả cạnh tranh thì trong một sân chơi chung bình đẳng, quá trình chọn lọc, đào thải sẽ tất yếu diễn ra.

“Adeco đang có kế hoạch bắt tay, liên kết với một số đối tác trong cùng ngành nghề lĩnh vực sản xuất, liên kết chuỗi với nông dân để vừa tạo ra nguồn thực phẩm sạch, an toàn, vừa nâng cao năng lực cạnh tranh” – ông Long nói.

Nhật Minh

Tin đọc nhiều