Nguy cơ đường ngoại đè đường nội

13:39 | 22/05/2015

Yếu về năng lực sản xuất, chật vật trong khâu phân phối, ngành mía đường đang đứng trước câu hỏi chưa có lời giải: Tồn tại và cạnh tranh thế nào khi thuế nhập khẩu đường giảm về 5% vào năm 2018, theo cam kết hội nhập? 

Bởi hiện tại, trong năm 2015 các hàng rào thuế quan và hạn ngạch nhập khẩu còn tương đối bảo hộ cho DN trong nước. Cụ thể, hạn ngạch thuế quan đường nhập khẩu khoảng 81.000 tấn, chỉ chiếm 6% tổng nhu cầu tiêu thụ trong nước. Thuế suất ưu đãi trong hạn ngạch thuế quan là 25% đối với đường thô và 40% đối với đường trắng. Trong khi, thuế suất ngoài hạn ngạch thuế quan rất cao, lên tới 80% đối với đường thô và 85% đối với đường trắng.

nguy co duong ngoai de duong noi
Mía Việt Nam cho năng suất thấp, chất lượng còn hạn chế

Tuy nhiên, với Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), đến năm 2018, các nước thành viên phải cam kết mở cửa thị trường hoàn toàn với hầu hết các mặt hàng, với mặt hàng đường có thuế suất giảm dần về mức 5%. Đây là mức thuế suất gần như khiến cho các DN đường trong nước đứng trước tình thế phải cạnh tranh trực diện với đường nhập khẩu từ một số nước trong khu vực.

Trong khi đó, năng lực cạnh tranh của ngành mía đường còn rất hạn chế. Theo phân tích của Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay giá mía nguyên liệu chiếm từ 70-80% giá thành sản xuất đường trong nước. Nhưng, giá thu mua mía nguyên liệu của các nhà máy đường tại Việt Nam thường đắt hơn Thái Lan từ 200.000 đến 300.000 đồng/tấn.

Một trong những nguyên nhân là do công tác giống chưa được quan tâm đúng mức. Khoảng 50% giống mía hiện nay là giống cũ, đã trồng ở Việt Nam từ khoảng 15 năm về trước. Hiện trạng này không những ảnh hưởng đến năng suất mà cả chất lượng sản phẩm.

Ông Nguyễn Quang Hợp, đại diện Công ty TNHH Hưng Thịnh khẳng định, năng suất mía hiện rất thấp, chỉ đạt 47,6 tấn/ha, trong khi năng suất bình quân trên thế giới là 65,3 tấn/ha. Thêm vào đó, về chế biến, chỉ có một phần ba số DN lớn được trang bị máy móc tiên tiến, còn lại đa phần DN sử dụng công nghệ lạc hậu. “Tôi lo là nếu không thay đổi hoặc có những chính sách đột phá thì ngành mía đường không cạnh tranh được ngay với đường Lào, Campuchia chứ đừng nói gì đường Thái Lan”, ông Hợp nói.

Đồng quan điểm, ông Phạm Hồng Dương, Chủ tịch HĐQT CTCP Mía đường Thành Thành Công - Tây Ninh cảnh báo thêm, hiện có hai kênh phân phối cho người tiêu dùng là siêu thị và kênh bán lẻ khác. Kênh phân phối siêu thị thì rất tốn kém, vì các siêu thị thường hưởng mức lợi nhuận từ 10-20%, trong khi DN làm ăn năm nào tốt mới lãi được 10%.

Còn với kênh phân phối thông qua các cửa hàng tạp hóa, một số nhà phân phối lớn nhất trên thị trường hiện nay như Hương Thủy, Phú Thái… đã được các DN nước ngoài mua lại gần hết. Các DN nước ngoài này đã dọn đường để sản phẩm của họ tiến sâu hơn vào thị trường Việt Nam.

“Dẫn đến các nhà máy đường có đẩy mạnh sản xuất cũng chỉ là làm thuê, gia công cho DN nước ngoài. Trong tương lai, khi đường Thái Lan ồ ạt nhập khẩu vào Việt Nam, DN không cạnh tranh nổi. Vì vậy, ngành mía đường không cần bảo hộ mà chỉ cần một chính sách cơ bản, hợp lý để có thể cạnh tranh được khi mở cửa”, ông Dương khẳng định.

Đề xuất giải pháp với Chính phủ, ông Lê Văn Tam, Chủ tịch HĐQT CTCP Mía đường Lam Sơn cho rằng cần sớm ban hành nghị định về mía đường để có “cây gậy” chỉ đường, đưa ngành mía đường vào quỹ đạo. Đặc biệt là cần đưa ra quy chế điều phối để ngành công thương và nông nghiệp phải tham gia thực hiện.

Ông khẳng định, không có con đường nào khác là phải đưa nông nghiệp công nghệ cao áp dụng vào sản xuất mía đường để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Về vấn đề cơ giới hóa, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có chủ trương nhưng điều kiện cơ giới hóa là phải có cánh đồng mẫu lớn. Vì vậy, Bộ cần chỉ đạo thí điểm một số mô hình cơ giới hóa đồng bộ…

Hà Sơn

Tin đọc nhiều