Nguy hiểm nhất là mất lòng tin

09:00 | 15/04/2015

Chính quyền và DN là hai đối tác rất quan trọng trong quá trình phát triển thì lại thiếu lòng tin

nguy hiem nhat la mat long tin
TS. Đậu Anh Tuấn

Bất chấp thể chế đang được cải thiện nhằm thúc đẩy các DN tư nhân phát triển, nhiều bất bình đẳng giữa các loại hình DN vẫn hiện hữu, làm nản lòng các doanh nhân. Trả lời phỏng vấn phóng viên TBNH về vấn đề này, TS. Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết.

Nhiều cơ quan Nhà nước có vẻ như vẫn chú trọng tới thu hút đầu tư nước ngoài hơn. Nếu xuống các địa phương thì thấy họ vẫn say sưa nói tới các dự án FDI, trong khi DN trong nước chưa được để ý nhiều.

Qua khảo sát DN tư nhân nhiều năm qua, họ vẫn cho rằng có sự ưu ái với DN FDI hơn cả về tiếp cận đất đai, giải phóng mặt bằng cũng như các thủ tục hành chính… Trong khi chính động lực phát triển kinh tế lâu dài lại là DN tư nhân trong nước. Cho nên phải nuôi dưỡng họ, tạo điều kiện cho họ thì họ mới có thể là nguồn động lực quan trọng về sau.

Dường như niềm tin giữa cơ quan Nhà nước và DN tư nhân rất hẹp?

Cái đáng nguy hiểm là giữa khu vực tư nhân và cơ quan Nhà nước thiếu lòng tin lẫn nhau. Hỏi chính quyền các cấp thì họ cho rằng mấy ông tư nhân chụp giật, không có trình độ, làm ăn ngắn hạn. Ngược lại, hỏi tư nhân thì họ cũng bảo cơ quan Nhà nước quan liêu, hách dịch, tham nhũng. Trong khi đáng ra chính quyền và DN là hai đối tác rất quan trọng trong quá trình phát triển thì lại thiếu lòng tin. Chính vì thiếu lòng tin cho nên cơ quan Nhà nước mới đặt nặng vấn đề quản lý, siết chặt.

Vì vậy, giải pháp quản lý vẫn theo kiểu “một người đau bụng bắt cả làng uống thuốc” để phòng ngừa vi phạm. Và cũng vì thiếu lòng tin nên dẫn đến việc đưa ra không ít quy định, biện pháp theo kiểu chắc ăn, vô hình trung, gây khó khăn cho những ai muốn làm ăn đàng hoàng. Về phía DN, vì thiếu lòng tin nên họ làm ăn một cách thiếu tin tưởng, không dài hạn. Đó là bức tranh nhiều chiều, không chỉ do lỗi của ai, mà phải nhìn trên nhiều khía cạnh.

nguy hiem nhat la mat long tin
DN FDI dễ dàng tiếp cận đất đai hơn DN tư nhân

Vậy, làm thế nào để hỗ trợ các DN tư nhân nhưng vẫn đảm bảo phù hợp với các cam kết quốc tế?

Trợ cấp của Nhà nước có thể vi phạm các cam kết quốc tế, các hiệp định thương mại sẽ ký kết, nhưng hỗ trợ thì hoàn toàn được. Có nhiều cách để Nhà nước có thể hỗ trợ DN, như tạo ra môi trường kinh doanh thông thoáng.

Hoặc Nhà nước có thể cung cấp thông tin. Với những DN xuất khẩu thì thông tin sẵn có, rẻ, thuận tiện là rất quý giá. Về hạ tầng, nếu làm cho hạ tầng có sẵn, chẳng hạn hệ thống cầu cảng, kho bãi, đường sá… cũng là một cách hỗ trợ thiết thực.

Ngoài ra, một trong những điểm yếu của DN tư nhân là tính liên kết kém thì Nhà nước phải có cơ chế thúc đẩy sự liên kết giữa các DN. Các hiệp hội DN phải hoạt động thực chất, các ngành hàng hợp tác với nhau, chứ không phải cạnh tranh bán phá giá như hiện nay… Vậy thì có nhiều cách thức có thể hỗ trợ, hoàn toàn hợp pháp.

Thiếu hỗ trợ, môi trường kinh doanh còn nhiều bất cập và tồn tại sự phân biệt đối xử có phải là lý do khiến DN tư nhân mãi “li ti hoá”?

Từ dữ liệu nghiên cứu, có thể thấy quy mô về vốn, lao động của DN sau nhiều năm đang nhỏ đi. Chúng ta đang thiếu DN cỡ vừa, chỉ có một vài DN lớn, còn lại là rất nhiều DN “li ti”. Tất nhiên là kinh doanh thì nhỏ hay bé không phải vấn đề quá lớn, quan trọng là hiệu quả. Nhưng có tín hiệu đáng lo ngại là tại sao sau nhiều năm mà các DN nhỏ không lớn được? Điều gì cản trở họ tăng quy mô?

Nhìn đi nhìn lại, sau 20 - 30 năm phát triển kinh tế tư nhân, chúng ta chưa có nhiều thương hiệu tầm quốc tế. Qua quan sát của tôi thì có thể do một số thiết chế chưa hỗ trợ cho sự phát triển của DN. Chẳng hạn vấn đề tích tụ đất đai không dễ. Một số quy định hành chính cũng cản trở sự lớn lên của DN... Khi nói chuyện với một số hộ kinh doanh, DN nhỏ, họ rất ngại thành công ty to, lớn nhanh. Vì cứ anh lớn là bị phiền hà, thuế đến kiểm tra, đến xin tiền, cơ quan Nhà nước đến phiền nhiễu… Tức là họ muốn duy trì quy mô nhỏ để tránh sự chú ý. Cơ chế thực thi pháp luật của ta chưa khuyến khích họ lớn, nên họ e ngại lớn.

Lý do nữa là rủi ro. Thực thi pháp luật, hệ thống bảo đảm quyền tài sản hiện nay khiến họ chưa thực sự an tâm. Họ dốc hết tiền để phát triển sự nghiệp, đến mức nào đó cũng phải nghĩ đến vấn đề an toàn. Đối với nhà kinh doanh thì nhu cầu an toàn cũng là hình sự hoá các quan hệ kinh tế cũng tương đối phổ biến… Những trở ngại đó khiến doanh nhân khi kinh doanh đạt đến một tài sản nhất định thì rất ngại bung ra làm lớn hơn vì sợ rủi ro. Đó là tâm lý tương đối phổ biến.

Về phía DN còn là lý do quản lý. Chẳng hạn chồng thì làm giám đốc điều hành kiêm luôn giám sát sản xuất, vợ thì quản lý tài chính kiêm luôn nhân lực. Với quy mô gia đình nhỏ lẻ thì chưa chịu chấp nhận cuộc chơi chuyển biến. Tôi quan sát nhiều DN cứ đến mức nào đó là vỡ ra vì khả năng quản trị kém. Vậy đó là những tín hiệu mà cần có nghiên cứu bài bản, sâu thêm, để có chính sách khuyến khích DN tập trung tài sản, quy mô. Vì khi anh lớn rồi, có lợi thế quy mô thì hoạt động mới hiệu quả.

Về chi phí không chính thức, ông thấy có sự cải thiện không?

Qua quan sát nhiều năm của VCCI thì chi phí không chính thức không giảm, nếu có giảm thì giảm chi phí nhỏ. Những phiền nhiễu khi thực hiện thủ tục hành chính, với ứng dụng công nghệ thông tin… thì có giảm, nhưng ít thôi. Còn chi phí không chính thức như hối lộ, hoa hồng khi đấu thầu hay xin cấp phép… thì chưa giảm, hoặc giảm rất ít.

Đó là một vấn đề lớn của môi trường kinh doanh. Nếu không minh bạch, chống tham nhũng thì môi trường kinh doanh sẽ rất khác. Với môi trường như vậy thì những ông không muốn quan hệ, không giỏi quan hệ rất khó tồn tại. Nhưng ông giỏi sản xuất, giỏi kinh doanh theo đúng nghĩa lại không cạnh tranh được.

Xin cảm ơn ông!

Khanh Đoàn thực hiện

Tin đọc nhiều