Nhà đầu tư ngoại bối rối chuyện tăng vốn

10:51 | 18/04/2016

Hàng ngàn DN có ý định nhận phần vốn góp từ các cổ đông khối ngoại đều tỏ ra lo ngại bởi công việc kinh doanh có thể bị đình trệ bất cứ lúc nào do không xin được giấy phép để thực hiện mua bán hàng hóa.

Đà Nẵng thu hút nhà đầu tư Hàn Quốc
Tạo môi trường đầu tư để kinh tế tư nhân phát triển
Samsung tăng vốn Dự án Samsung HCMC CE Complex lên 2 tỷ USD

Trong bối cảnh các nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài tham gia vào thị trường phân phối bằng cách mua lại DN Việt Nam ngày càng nhiều trong vòng 1-2 năm trở lại đây, việc đảm bảo các thủ tục tham gia góp vốn cũng như thủ tục cấp giấy phép kinh doanh để DN được phép mua bán hàng hóa trở thành nhu cầu cấp thiết và phải được đẩy nhanh nhằm thu hút đầu tư.

Tuy nhiên, theo phản ánh của hàng loạt các DN có vốn đầu tư nước ngoài, hiện nay mọi phương cách để tăng vốn đều gặp những trở ngại. Thậm chí hàng ngàn DN có ý định nhận phần vốn góp từ các cổ đông khối ngoại đều tỏ ra lo ngại bởi công việc kinh doanh có thể bị đình trệ bất cứ lúc nào do không xin được giấy phép để thực hiện mua bán hàng hóa.

nha dau tu ngoai boi roi chuyen tang von
Ảnh minh họa

Về việc khó tăng vốn điều lệ, ông Trần Văn Trí, Giám đốc Công ty Luật Fujilaw cho rằng, tính đến thời điểm này mặc dù các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư và Luật DN đã cơ bản đầy đủ, tuy nhiên sự chồng chéo giữa các quy định của các Thông tư hướng dẫn khiến cho các DN có vốn liên quan đến yếu tố nước ngoài không biết phải thực hiện thế nào cho phù hợp.

Chẳng hạn, theo những quy định tại Điều 32 Luật DN thì khi DN muốn tăng vốn điều lệ thì các NĐT sẽ tiến hành góp vốn trước, sau đó trong thời hạn 10 ngày sau sẽ làm thủ tục điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký DN.

Tuy nhiên, theo các quy định tại Thông tư 19/2014 của NHNN về quản lý ngoại hối thì DN muốn chuyển vốn góp, NĐT phải cung cấp cho các NHTM giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trong đó ghi rõ thời hạn và số vốn được góp.

Như vậy, Luật DN yêu cầu phải góp trước sau đó mới làm thủ tục tăng vốn. Trong khi đó, Pháp lệnh ngoại hối lại yêu cầu ngược lại. Điều này khiến cho DN không biết phải làm thế nào mới đúng với các quy định của pháp luật.

Chưa kể rằng, gần đây (dù không có văn bản hướng dẫn chính thức) nhưng Bộ KH&ĐT và các Sở KH&ĐT tại các tỉnh, thành đều thống nhất rằng, khi tăng vốn điều lệ và tăng vốn đầu tư bằng cách huy động các thành viên, cổ đông hiện hữu góp vốn thêm, các DN kinh doanh ngành nghề có điều kiện phải thực hiện thêm thủ tục góp vốn mua cổ phần nhằm tuân thủ đúng những quy định tại Điều 26 Luật Đầu tư.

Theo ông Trí, đây là một hướng dẫn phi lý, bởi vì nó sẽ khiến các DN cùng một lúc phải tiến hành 3 loại thủ tục mới có thể góp thêm vốn. Đó là các thủ tục: đăng ký góp vốn mua cổ phần; đăng ký thay đổi vốn điều lệ; và đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư. Trong khi đó, trước đây nếu theo các quy định tại Luật Đầu tư 2005 các DN chỉ cần làm thủ tục điều chỉnh tỷ lệ góp vốn của các thành viên là có thể thực hiện được cả 3 nội dung trên.

Trong khi việc tăng vốn điều lệ đối với cổ đông khối ngoại gặp trở ngại như thế, thì việc xin giấy phép để kinh doanh mua bán hàng hóa đối với các DN có vốn góp của NĐT nước ngoài cũng đang gặp rất nhiều trắc trở.

Cụ thể, hiện nay theo những quy định của Luật Đầu tư và Nghị định 118/2015 của Chính phủ thì các tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài nếu muốn kinh doanh theo kiểu mua đi, bán lại hàng hóa thì không cần phải xin giấy phép từ Bộ Công Thương. Tuy nhiên, theo Nghị định 23/2007 thì các DN nhóm này chỉ được thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa sau khi Bộ Công Thương cấp giấy phép kinh doanh.

Đứng trước sự chồng chéo về văn bản pháp lý này, thực tế hiện nay tại nhiều địa phương các sở, ngành tỏ ra lúng túng trong việc cấp giấy phép kinh doanh cho các DN có vốn liên quan đến yếu tố nước ngoài. Việc chậm trễ này khiến cho hàng loạt các DN có ý định thu hút vốn của các NĐT nước ngoài tỏ ra lưỡng lự. Bởi khi các giao dịch góp vốn được hoàn tất, theo các quy định trong các văn bản pháp lý thì khoảng 18-20 ngày là DN có thể xin được giấy phép kinh doanh, nhưng trên thực tế có thể sẽ kéo dài vài tháng.

Nếu là một DN kinh doanh ngành hàng thực phẩm với hệ thống phân phối rộng khắp mà buộc phải ngưng cung cấp hàng vì phải chờ giấy phép kinh doanh, thì thiệt hại về doanh thu và chi phí cơ hội là vô cùng lớn.

Theo những thông tin từ Văn phòng Chính phủ, đầu tháng 3/2016 vừa qua Chính phủ đã có Công văn 1315/VPCP-KTTH đồng ý để Bộ Công Thương nhanh chóng soạn thảo nghị định thay thế Nghị định 23/2007 vào tháng 7 năm nay.

Hy vọng rằng Bộ Công Thương với tinh thần đổi mới và tiếp thu sẽ giải quyết các vấn đề nói trên trong Nghị định mới. Từ đó làm cơ sở để đồng nhất các quy định pháp lý liên quan đến thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho các DN Việt Nam mở rộng hợp tác với các NĐT nước ngoài nhằm tăng vốn, đổi mới sản xuất kinh doanh.

Hà Minh

Tags: #tăng vốn
Tin đọc nhiều