Nhà đầu tư nước ngoài lạc quan về kết quả kinh doanh

14:00 | 26/07/2019

Niềm tin cũng như sự lạc quan của DN vào tình hình sản xuất kinh doanh tăng mạnh chính là kết quả tích cực của công tác cải cách hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh không cần thiết, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện, thúc đẩy phát triển DN. 

Việt Nam sẽ liên tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh
Doanh nghiệp đăng ký thành lập qua mạng: Tiết kiệm thời gian và chi phí
Minh bạch để nâng cao năng lực cạnh tranh

Báo cáo trình Chính phủ về kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của DN mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra những con số đầy lạc quan khi kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý II/2019 cho thấy đa số các DN đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn quý I/2018, DN lạc quan với tình hình sản xuất kinh doanh trong quý III/2019 sẽ ổn định và tốt hơn.

nha dau tu nuoc ngoai lac quan ve ket qua kinh doanh
Nền kinh tế mang đến nhiều sự lạc quan cho DN

Cụ thể, có 45,2% số DN đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý II năm nay tốt hơn quý trước; 16,5% số DN đánh giá gặp khó khăn và 38,3% số DN cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định. Dự kiến quý III/2019 có 52% số DN đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; 11,4% số DN dự báo khó khăn hơn và 36,6% số DN cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định. Trong đó, khu vực DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục đánh giá lạc quan nhất khi có tới 91,3% số DN dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý III/2019 tốt hơn và giữ ổn định; tỷ lệ này ở khu vực DNNN và ngoài Nhà nước lần lượt là 86,5% và 87,8%.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, làn sóng khởi nghiệp tiếp tục là kênh huy động vốn và nâng cao năng lực sản xuất cho nền kinh tế. Trong 6 tháng đầu năm 2019 có gần 67 nghìn DN đăng ký thành lập mới, số lượng DN đăng ký cao nhất trong 5 năm qua. Nếu tính chung cả vốn đăng ký mới và vốn đăng ký tăng thêm, trong 6 tháng đầu năm nay ước tính các DN bổ sung vốn đăng ký cho nền kinh tế gần 2,2 triệu tỷ đồng.

Còn theo phân tích của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN, niềm tin cũng như sự lạc quan của DN vào tình hình sản xuất kinh doanh tăng mạnh chính là kết quả tích cực của công tác cải cách hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh không cần thiết, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện, thúc đẩy phát triển DN.

Từ năm 2018 đến nay, các bộ, cơ quan đã trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền hơn 50 văn bản quy phạm pháp luật để cắt giảm khoảng 3.425/6.191 điều kiện kinh doanh (đạt khoảng 110,6%), 6.776/9.926 dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành (đạt khoảng 136,5%), giúp tiết kiệm gần 18 triệu ngày công/năm, tương đương gần 6.300 tỷ đồng/năm. Trong 5 năm qua, môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 25 bậc, xếp thứ 69/190 quốc gia; năng lực cạnh tranh toàn cấp xếp 77/140 nền kinh tế; chỉ số đổi mới sáng tạo tăng 26 bậc so với năm 2014, xếp thứ 45/126 quốc gia.

Ban Chỉ đạo này cũng nhận xét, thực tế diễn biến của nền kinh tế 6 tháng qua cũng mang đến nhiều sự lạc quan của DN. Nền kinh tế đất nước đã đi qua những tháng đầu năm 2019 trong bối cảnh tình hình thế giới trì trệ có nhiều bất trắc, biến động nhanh, phức tạp, khó lường. Nhiều tổ chức quốc tế hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu 2019 xuống khoảng 2,6-3,2% (mức thấp nhất kể từ sau khủng hoảng 2008-2009). Dự báo Mỹ tăng trưởng 2,5% năm 2019 và 1,7% năm 2020; EU tăng trưởng 1,2%; Nhật Bản tăng trưởng 0,8% năm 2019 và 0,6% năm 2020; Trung Quốc tiếp tục giảm còn 6,2% năm 2019 và 6,1% năm 2020…

Trong khi đó, từ đầu năm 2019 đến nay, ngoại trừ Mỹ, các nền kinh tế lớn khác đều giảm tốc (EU chỉ tăng 0,4% trong quý I/2019 và tiếp tục giảm trong quý II/2019; Nhật Bản không tăng trưởng trong quý II/2019; Hàn Quốc tăng trưởng âm; Trung Quốc tiếp tục xu hướng giảm tốc; Ấn Độ tăng trưởng giảm mạnh chỉ tăng 5,8% trong quý I/2019... Chiến tranh thương mại - công nghệ đang leo thang, ảnh hưởng đến thương mại toàn cầu, xuất khẩu từ Mỹ sang Trung Quốc giảm 26,3%, chiều ngược lại giảm 13,2%; nhiều chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu bị tác động mạnh, bắt đầu chuyển dịch ra khỏi Trung Quốc. Nên thương mại toàn cầu năm 2019 dự báo chỉ tăng khoảng 2,6%, mức tăng thấp nhất trong 10 năm qua.

Với Việt Nam, các tổ chức quốc tế vẫn nhận định tuy còn có một số khó khăn trước mắt, nhưng nước ta vẫn tiếp tục có tốc độ tăng trưởng cao trong ngắn hạn, cũng như trung hạn. ADB dự báo Việt Nam tăng trưởng 6,8% năm 2019; WB dự báo tăng trưởng 6,6%; còn IMF dự báo tăng trưởng khoảng 6,5%. Trong khi đó, HSBC dự báo Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,6%, còn Fitch dự báo tăng trưởng 6,7%...

Tuấn Minh

Tin đọc nhiều