Nhập máy cũ: Tranh cãi gay gắt ở chất lượng, niên hạn

10:10 | 19/03/2015

Lý lẽ của DN và biện luận của cơ quan quản lý đều chính đáng và không thể bác bỏ ý kiến từ phía nào xung quanh dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 20/2014/TT/BKHCN quy định về nhập khẩu máy móc, dây chuyền thiết bị đã qua sử dụng.  “Việc xây dựng và hoàn thiện Thông tư này chắc chắn sẽ còn là một hành trình dài”.

“Tôi đã có 13 năm làm việc tại Việt Nam và cũng là 13 năm tập hợp ý kiến đóng góp của DN đối với các văn bản pháp quy. Nhưng đây là lần đầu tiên tôi thấy cộng đồng DN nhất trí cao như vậy về sự không cần thiết của văn bản này”. Ông Fred Burke, Trưởng nhóm Công tác Thương mại và Đầu tư của Diễn đàn DN Việt Nam (VBF) chen ngang phần phát biểu ý kiến của các DN xung quanh dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 20/2014/TT/BKHCN quy định về nhập khẩu máy móc, dây chuyền thiết bị đã qua sử dụng, được đưa ra bàn thảo tại một hội thảo tổ chức mới đây.

nhap may cu tranh cai gay gat o chat luong nien han
Nhiều thiết bị đã qua sử dụng nhập khẩu vẫn chạy tốt

Không “đếm xỉa” đến thông tin từ vị đồng chủ trì của mình, bà Trần Tuyết Nhung, Phó vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), rằng dự thảo nhận được sự nhất trí cao từ các bộ, ngành được lấy ý kiến, cũng như sự đồng thuận của các cơ quan này về kiểm soát nhập khẩu máy móc cũ là cần thiết và có thể thực hiện được, ông Fred Burke lên tiếng nhiều lần rằng, cần xem xét lại một cách toàn diện về tính khả thi của dự thảo nói trên.

Các ý kiến phản đối chủ yếu tập trung vào quy định điều kiện nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng phải có thời gian sử dụng không quá 10 năm (tăng thêm 5 năm so với Thông tư 20); có chất lượng còn lại từ 70% trở lên (giảm 10% so với Thông tư 20).

Ông Nguyễn Công Tuấn, đại diện của Hiệp hội In Việt Nam cho biết, dây chuyền thiết bị in vô cùng đắt đỏ và việc nhập khẩu máy móc đã qua sử dụng là không thể khác được. Theo ông Tuấn, khoảng 80 - 85% thiết bị ngành in hiện nay là máy móc cũ, đã hoạt động khoảng 20 - 25 năm. Mặc dù là thiết bị cũ, song đầu tư một dây chuyền này tốn kém tới 15 - 20 tỷ đồng.

Tuy nhiên đây đều là thiết bị nhập từ châu Âu, nên ít nhất phải thêm 10 năm nữa vẫn hoạt động tốt. “Nếu Thông tư này được áp dụng thì một lượng lớn thiết bị đang sử dụng sẽ bị xếp xó, ngành in chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nặng nề”, ông Tuấn lo ngại.

Ông Vũ Ngọc Bảo, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam cũng nêu lên thực trạng của ngành này là có dây chuyền được sản xuất từ những năm 50, hoặc “trẻ” hơn cũng đã ngót 50 năm. Do đặc thù của ngành sản xuất giấy nên một dây chuyền rất khổng lồ, máy cũ nhập về đã trị giá hàng trăm triệu USD.

Theo ông Bảo, các DN ngành giấy không dại gì đi nhập đồ đồng nát về rồi vứt xó. “Nếu Bộ KH&CN cần đi khảo sát thì xin mời đến tận nhà máy để xem dây chuyền 50 năm vẫn chạy ro ro, hiệu quả kinh tế cao, đảm bảo quy định của Nhà nước về các điều kiện môi trường, an toàn lao động…”, ông Bảo quả quyết.

Băn khoăn của các DN ngành in và ngành giấy cũng là nỗi lo chung của cộng đồng DN. Đa số ý kiến bày tỏ sự hoài nghi về tính chính xác của các con số về chỉ tiêu kỹ thuật mà cơ quan thẩm định đưa ra.

Theo họ, tỷ lệ 70% chất lượng còn lại là con số đưa ra tùy tiện. Bởi tỷ lệ 70% phải căn cứ trên từng loại máy móc, thiết bị của từng ngành khác nhau. “Nếu phải kiểm soát chất lượng thì nên chăng quy định các chỉ tiêu cụ thể về thế nào là an toàn lao động, đảm bảo môi trường…”, ông Bảo đề xuất.

TS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài cũng khuyến cáo, quy định này nếu được ban hành sẽ trở thành một rào cản rất lớn trong thu hút FDI thời gian tới. Ông phân tích, các dự báo gần đây cho thấy sẽ có khoảng 34 tỷ USD vốn FDI chuyển khỏi Trung Quốc và Việt Nam là một trong những nước có khả năng tiếp nhận nguồn vốn này nhiều nhất.

“Họ chẳng dại gì chuyển nhà máy cũ vào đây để mà không hoạt động được. Để kiểm soát chất lượng thiết bị, theo tôi cần căn cứ trên 3 tiêu chí ảnh hưởng tới môi trường, tiết kiệm năng lượng, an toàn cho người lao động”, ông Mại khuyến nghị.

Thừa nhận sự phản đối của cộng đồng DN là rất có cơ sở, ông Đậu Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (VCCI) nêu thực tế là có những dây chuyền máy móc của châu Âu đã sử dụng hàng chục năm vẫn tốt hơn nhiều so với máy Trung Quốc mới 100%. Nhưng, nếu quy định theo nguồn gốc xuất xứ là vi phạm quy tắc quốc tế về phân biệt đối xử. Đây cũng là một vấn đề hết sức nan giải mà dự thảo Thông tư chưa giải quyết được.

Ở phía ủng hộ dự thảo, ông Nguyễn Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Tư vấn phát triển cơ khí, Hiệp hội Cơ khí Việt Nam đưa ra lập luận rằng, trong khi ngành cơ khí trong nước còn kém phát triển thì rất cần những quy định này làm “bà đỡ”. Ông chia sẻ, các DN nội rất vất vả với việc cạnh tranh với thiết bị đã qua sử dụng mà giá chỉ bằng 1/4 máy mới, nên sản xuất trong nước không thể phát triển. Vì vậy, phải tìm điểm chung để cân bằng lợi ích giữa nhu cầu của DN với sự phát triển của ngành cơ khí.

Từ phía cơ quan soạn thảo, bà Trần Tuyết Nhung cũng cương quyết bảo vệ quan điểm: “Chúng ta không thể nói là hạn chế nhập khẩu máy móc cũ làm giảm khả năng cạnh tranh, vì mục tiêu của Chính phủ khi đưa ra quy định này là để hạn chế công nghệ lạc hậu, tránh biến Việt Nam thành bãi rác công nghệ của thế giới...”.

Với những luồng quan điểm trái chiều như vậy, theo ông Đoàn Năng, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ KH&CN đánh giá, lý lẽ của DN và biện luận của cơ quan quản lý đều chính đáng và không thể bác bỏ ý kiến từ phía nào. Do đó, ông Năng kiến nghị không nên loại bỏ văn bản tạo ra hàng rào kỹ thuật này. Song, vấn đề là phải quy định như thế nào mới hợp lý? “Việc xây dựng và hoàn thiện Thông tư này chắc chắn sẽ còn là một hành trình dài”, ông Đậu Anh Tuấn kết luận hội thảo.

Ngọc Khanh

Tin đọc nhiều