Nhật Bản hỗ trợ tiếp cận chuỗi cung ứng

14:05 | 17/10/2018

DN CNHT Việt vẫn còn phải thay đổi nhiều nếu muốn trở thành đối tác của các DN Nhật Bản.

Để doanh nghiệp tham gia hiệu quả chuỗi cung ứng toàn cầu
DN Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu

Ông Trần Quang Hà, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công thương cho biết, hiện có khoảng 1.800 DN hoạt động trong ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT), sản xuất phụ tùng, linh kiện… Mặc dù các DN này đã đạt được những thành tựu nhất định nhưng mức độ tham gia vào chuỗi cung ứng của các DN FDI và chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn còn rất hạn chế.

nhat ban ho tro tiep can chuoi cung ung
Đại diện các DN nước ngoài đến xem quy trình cũng như sản phẩm CNHT của DN Việt

Phần lớn các DN trong nước chỉ là nhà cung ứng cấp 3, cấp 4, chỉ một số ít trở thành nhà cung ứng cấp 1, cấp 2. Sản phẩm chủ yếu là linh kiện, chi tiết đơn giản, có hàm lượng công nghệ và giá trị thấp. CNHT ngành ô tô phục vụ cho khoảng 20 nhà sản xuất, lắp ráp ô tô đang hoạt động tại Việt Nam. Mạng lưới các DN CNHT gồm 84 DN cấp 1 và 145 DN cấp 2, 3 nhưng phần lớn là DN FDI. Chỉ có một số ít DN cung ứng trong nước cung cấp linh kiện, phụ tùng ô tô đơn giản như chi tiết cấu thành khung gầm xe, thùng xe, vỏ ca bin, cửa xe, săm lốp...

Tương tự, CNHT ngành điện tử của Việt Nam xếp thứ 12 thế giới và thứ 3 ASEAN về xuất khẩu với kim ngạch đạt khoảng 75 tỷ USD trong năm 2017. Tuy nhiên, 95% kim ngạch xuất khẩu điện tử đến từ khu vực FDI. Các nhà cung ứng cấp 1 cho ngành cũng chủ yếu là DN FDI, các DN trong nước phần lớn tham gia vào cấp 2, 3 với số lượng không nhiều, chủ yếu là linh kiện cơ khí, nhựa, cao su có giá trị thấp và một số linh kiện vật tư khác (bao bì, khuôn, đồ gá).

Trong số khoảng 200 nhà cung ứng cho Samsung, hiện nay mới có 35 DN Việt Nam là nhà cung ứng cấp 1, còn lại phần lớn là DN nước ngoài. Các DN Việt Nam chủ yếu là cung cấp bao bì và chi tiết đơn giản.

Với Canon Việt Nam thì các nhà cung ứng trong nước (kể cả DN Việt Nam và FDI) mới chỉ tập trung vào các linh kiện nhựa - cao su. Trong số khoảng 40 nhà cung ứng cho Panasonic Việt Nam, chỉ có 3 DN thuần Việt và giá trị đơn hàng cung ứng chiếm chưa đến 10% tổng giá trị linh kiện đầu vào.

Trên thực tế, tỷ lệ cung ứng linh kiện nguyên vật liệu nội địa tại Việt Nam khoảng 33,2% là thấp so với các nước khác. Hơn thế, tỷ lệ cung ứng linh kiện, nguyên vật liệu nội địa từ các DN nội địa chỉ 13,1%, thấp dưới mức tiêu chuẩn. Đại diện Tổ chức Xúc tiến mậu dịch Nhật Bản (JETRO) cho rằng, trong thời gian tới, Việt Nam phải tăng tỷ lệ cung ứng nội địa lên 79%. Thậm chí, tỷ lệ cung ứng nội địa phải ở mức 84% thì mới giảm được chi phí.

Thực hiện kế hoạch hỗ trợ đào tạo ngành CNHT ở Việt Nam, JETRO đã lập danh sách 158 DN cung cấp của Việt Nam và đăng tải lên trang web, trang thông tin tìm kiếm cho các DN Nhật tìm hiểu. Đây là các DN gia công kim loại, khuôn đúc, khuôn nhựa, linh kiện điện và điện tử, xử lý bề mặt... Ngoài ra JETRO cũng tổ chức các buổi đàm phán kinh doanh và triển lãm trong lĩnh vực CNHT như Supporting Industry Show 2018.

Ông Lê Dương Quang, Chủ tịch Hiệp Hội CNHT Việt Nam cho rằng, để trở thành nhà cung ứng, trước hết DN mới đôi khi phải chấp nhận làm nhà cung ứng (vendor) thứ cấp như là bước đầu tham gia chuỗi cung ứng. Sau đó, sẽ đẩy mạnh sự hợp tác - liên kết giữa các DN.

Hiện tại, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA đã có dự án thí điểm hỗ trợ DN CNHT Việt. Theo đó, các DN được lựa chọn là những DN có thành công trong hợp tác kinh doanh với DN FDI (bao gồm cả DN FDI Nhật Bản) và đang có mục tiêu mở rộng kinh doanh hơn nữa. Dự án này sẽ giúp các DN quản lý sản xuất, quản lý bán hàng và tiếp thị, đào tạo nguồn nhân lực, lập dữ liệu về tài chính chi phí giá thành, kế toán quản lý...

“Bước vào CMCN 4.0, điều đáng mừng là ngày càng có nhiều DN Việt Nam nâng cao nhận thức, năng lực và tính chủ động; nhiều DN đã xây dựng được chiến lược phát triển dài hạn, dám chấp nhận cuộc chơi, chú trọng đầu tư cả cho công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực, biết tận dụng nhiều kênh phát triển thị trường, áp dụng rộng rãi IT, bước đầu tiếp cận AI... Hiện nay, Việt Nam đã có hàng chục công ty chuyên sản xuất các chi tiết, linh kiện, bộ phận máy móc, thiết bị, phần mềm… cung cấp cho các DN FDI và xuất khẩu sang các nước”, ông Quang tự tin về hướng phát triển của DN Việt.

Bài và ảnh Minh Lâm

Tin đọc nhiều