Nhiều khoản phí “ngáng chân” doanh nghiệp

08:32 | 09/03/2016

Với đa số DN sản xuất, trong bối cảnh hội nhập, sự cạnh tranh trên thị trường ngày càng khốc liệt hơn, nếu các loại chi phí tại DN tăng cao, họ có thể phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động... 

Các DN gặp nhiều khó khăn

Nghị định số 122/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định từ ngày 1/1/2016, mức lương tối thiểu vùng tăng thêm trung bình 12,4%. Bên cạnh đó, theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội từ 1/1/2016 đến hết năm 2017, việc đóng bảo hiểm xã hội sẽ dựa trên mức lương và phụ cấp ghi trong hợp đồng.

Nghĩa là, việc tăng lương tối thiểu vùng và phụ cấp kéo theo việc tăng chi phí bảo hiểm. Chính điều này đã khiến các DN bối rối, không kịp xử lý, và hệ quả là, chỉ tính riêng 2 tháng đầu năm 2016, đã có gần 50 cuộc đình công (theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH), tranh chấp lao động, trong đó có cuộc đình công với số lượng tới gần 20.000 công nhân Công ty Pouchen Việt Nam ở Đồng Nai vừa mới diễn ra.

nhieu khoan phi ngang chan doanh nghiep
Các DN đau đầu vì bài toán thuế phí

Khi các khoản phí nêu trên tăng, chịu thiệt thòi nhất đương nhiên là các DN thâm dụng lao động như dệt may, da giày, chế biến gỗ...

Theo lời lãnh đạo một DN dệt may có nhà máy đặt tại Bình Dương, hiện công ty ông đang chịu phí đóng bảo hiểm xã hội 18%, bảo hiểm y tế 3%, phí công đoàn 2%, bảo hiểm thất nghiệp 1%. Tổng cộng, chi phí lên đến 24%, chiếm một phần tư tổng chi phí của cả DN. Đó là chưa kể khoản thuế thu nhập DN lên đến 22%.

Ông Trần Quốc Mạnh, Tổng Giám đốc Công ty Sadaco, Ủy viên Ban chấp hành Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh (HAWA) cho biết, tất cả các chi phí như lương, bảo hiểm đều tăng ngay từ đầu năm 2016, khiến cho chỉ những DN lớn mới đủ sức chống đỡ, còn các DN nhỏ rất khó khăn.

“Các DN nhỏ chủ yếu là DN tư nhân, họ thường giữ “sĩ diện” nên ít kêu ca, chúng ta cũng chưa có điều tra chính xác hiện trạng DN, nhưng thực ra họ đang rất khó khăn, bằng chứng là số DN đóng cửa, giải thể tăng hơn so với đầu năm 2015”, ông Mạnh nói.

Nhìn ở chiều ngược lại cũng thấy số DN mới tham gia thị trường đang ngày càng giảm. Báo cáo tình hình đăng ký DN tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2016 vừa được Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố cho thấy, trong tháng 2/2016, số DN được thành lập mới là 5.584 DN với số vốn đăng ký là 53.756 tỷ đồng, giảm 32,9% về số DN và giảm 9,3% về số vốn đăng ký so với tháng 1/2016.

Số DN đăng ký thành lập mới giảm 32,9% trong những tháng đầu năm đã phần nào nói nên sự dè chừng của những DN mới lần đầu tham gia thị trường. Họ lo ngại khi phải đối mặt với quá nhiều khoản chi phí.

Hệ lụy của “cõng” phí

Bình luận về vấn đề này, chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan cho hay, DN đang phải đóng 40,8% lợi nhuận cho Nhà nước thông qua thuế phí. Con số này đã được Bộ Tài chính xác nhận. Điều đó cũng đồng nghĩa DN khó có thể cạnh tranh nổi khi không có nguồn lực để đầu tư, phát triển, đào tạo nguồn nhân lực.

Trên thực tế, không chỉ DN sản xuất thâm dụng lao động gặp khó trước các khoản chi phí nêu trên, mà ngay cả DN dịch vụ cũng đã bị ảnh hưởng. Ông Trương Võ Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Mua bán nhanh cho biết, DN thương mại điện tử trong nước đang chịu cạnh tranh khốc liệt từ các công ty đa quốc gia. Vậy nên, khi phải “cõng” các khoản thuế, phí... DN Việt Nam khó mà cạnh tranh được.

Theo lời ông Tuấn, bản thân ông đã tìm hiểu và có thể sẽ tính đến việc phải dời văn phòng công ty sang Singapore, việc chuyển trụ sở sang Singapore giúp DN ông không phải chịu áp lực đến từ các khoản chi phí nêu trên, mà vẫn có thể đảm bảo được hoạt động kinh doanh ở thị trường Việt Nam.

“Một số bạn bè tôi là doanh nhân cũng đang có ý định tương tự”, ông Tuấn cho biết.

Trong bối cảnh Nhà nước bằng cách này hay cách khác đang khuyến khích phong trào Startup (khởi nghiệp), thì việc thuế, phí... cứ “đến hẹn lại tăng” đã vô tình làn nản lòng những người muốn khởi nghiệp.

Còn với đa số DN sản xuất, trong bối cảnh hội nhập, sự cạnh tranh trên thị trường ngày càng khốc liệt hơn, nếu các loại chi phí tại DN tăng cao, họ có thể phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động. Và như vậy, việc tăng lương, tăng phí bảo hiểm... với mục đích cuối cùng là cải thiện thu nhập và đời sống cho người lao động có vẻ sẽ khó đạt được.

Thanh Vũ

Tin đọc nhiều