Nhóm chính sách hoá giải rủi ro PPP

15:45 | 27/06/2018

Nếu như 2 Nghị định điều chỉnh hoạt động đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) chưa tháo gỡ được rủi ro và tạo sức hấp dẫn để thu hút vốn tư nhân, thì Luật Đầu tư theo hình thức PPP đã được thiết kế để giải quyết vấn đề này.

Kỳ vọng khung pháp lý PPP
Nhà đầu tư ngóng luật về PPP
nhom chinh sach hoa giai rui ro ppp
Ảnh minh họa

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) – cơ quan chủ trì nghiên cứu, xây dựng hồ sơ dự án luật, Luật PPP dành nhiều nội dung để quy định các ưu đãi, chính sách hỗ trợ phù hợp, đồng thời tập trung vào các chính sách nhằm đẩy nhanh quá trình thực hiện dự án như giải phóng mặt bằng, cơ chế huy động vốn cho dự án, vốn đầu tư nhà nước tham gia thực hiện dự án, chia sẻ rủi ro...

Dù đang trong quá trình xây dựng và chưa có nội dung chi tiết, song có thể thấy 3 nhóm chính sách cụ thể đang được cơ quan soạn thảo rốt ráo lấy ý kiến và hoàn thiện.

Nhóm chính sách thứ nhất định hình cụ thể nguồn vốn Nhà nước tham gia trong dự án PPP. Bộ KH&ĐT đề xuất ban hành quy định mới tại Luật PPP, trong đó xem xét 3 phương án định hình phần vốn Nhà nước dưới dạng chương trình mục tiêu; dòng ngân sách riêng nằm trong kế hoạch đầu tư công, kế hoạch tài chính trung hạn, hàng năm; hoặc thành lập Quỹ hỗ trợ phần vốn Nhà nước trong các dự án PPP.

Mỗi phương án đều có các ưu nhược điểm riêng. Ví dụ, việc xây dựng chương trình mục tiêu có thể tạo tính linh hoạt cho các dự án thuộc chương trình nhưng tổng thể vẫn phụ thuộc rất lớn vào kế hoạch đầu tư công trung hạn; hay việc xây dựng quỹ sẽ là cơ chế linh hoạt nhất vì huy động được nhiều nguồn vốn như ODA của nhiều nhà tài trợ, ngân sách nhà nước, nhưng song hành với cơ chế này là bộ máy tổ chức để vận hành quỹ.

Nhóm chính sách thứ 2 về các cơ chế bảo lãnh của Chính phủ. Hiện nay, nhiệm vụ nghiên cứu các cơ chế bảo lãnh để áp dụng thí điểm cho một số dự án PPP giao thông quan trọng đã được Chính phủ tập trung chỉ đạo thực hiện. Tuy nhiên, Bộ Tài chính (cơ quan đầu mối được giao thực hiện) nhận định việc áp dụng còn nhiều khó khăn, do đó để đảm bảo xây dựng và áp dụng hiệu quả các công cụ bảo lãnh thí điểm cho các dự án quan trọng của ngành giao thông, hiện Bộ Tài chính đang xin Thủ tướng Chính phủ cho phép lùi thời gian nghiên cứu sang quý II/2018.

Nhóm chính sách thứ 3 tập trung vào luật áp dụng và giải quyết tranh chấp. Ban soạn thảo luật đặt vấn đề, dự án PPP thực hiện trong thời gian dài (thường 20-25 năm) với nhiều rủi ro phát sinh. Do đó, sẽ không tránh khỏi các tình huống tranh chấp, kiện tụng từ hai phía Nhà nước hoặc NĐT. Những quy định hiện nay vẫn chưa tạo được sân chơi bình đẳng cho các NĐT trong và ngoài nước khi tham gia dự án PPP nếu có vấn đề tranh chấp phát sinh.

Cụ thể, những quy định hiện tại trong Nghị định về PPP vẫn phải tham chiếu tới Luật Đầu tư, Bộ Luật Dân sự hiện hành, trong khi những văn bản luật này chưa làm yên tâm các NĐT, tổ chức tài chính quốc tế khi đầu tư một nguồn vốn lớn trong thời gian dài cho các dự án PPP tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, hiện nay còn tồn tại nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề lựa chọn luật áp dụng đối với hợp đồng PPP. Cụ thể, rất nhiều NĐT mong muốn áp dụng một số quy định của luật nước ngoài nhằm định nghĩa một số nội dung mà Luật Việt Nam chưa quy định hoặc chưa đáp ứng được yêu cầu của NĐT.

Trong khi đó, theo Bộ Tư pháp, việc áp dụng pháp luật nước ngoài cũng dẫn tới rất nhiều rủi ro cho phía Việt Nam như cách giải thích, cách áp dụng quy định của pháp luật nước ngoài có sự khác biệt so với Việt Nam; bị phụ thuộc vào việc thay đổi, điều chỉnh của pháp luật nước ngoài... Từ thực tiễn nêu trên, giải pháp được đưa ra là ban hành quy định mới tại Luật PPP, trong đó thống nhất cách áp dụng pháp luật đối với riêng dự án PPP.

Lan Hương

Tin đọc nhiều