Nhu cầu người tiêu dùng đang thay đổi

09:03 | 06/10/2016

Giới chuyên môn khuyên các DN nên thay đổi để nắm bắt kịp xu hướng của người tiêu dùng.

Doanh nghiệp trước thách thức bắt kịp xu hướng người tiêu dùng
Lo quyền lợi người tiêu dùng không được đảm bảo
Niềm tin của người tiêu dùng Việt lên cao nhất từ trước tới nay

Mới đây, Khối NH Doanh nghiệp HSBC tung ra một báo cáo gợi ý các doanh nghiệp nên bắt đầu chuẩn bị ngay từ bây giờ để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong tương lai khi tăng trưởng kinh tế thúc đẩy 90% dân số thế giới trở thành tầng lớp người tiêu dùng hiện đại vào năm 2020.

Cụ thể, theo Báo cáo Tương lai nhu cầu người tiêu dùng của HSBC, thay đổi về đặc điểm nhân khẩu học và hành vi người tiêu dùng sẽ tạo nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp trong vài thập kỷ tới, đồng thời đặt ra nhiều thách thức cho một số chiến lược tiếp thị kiểu cũ trước đây.

nhu cau nguoi tieu dung dang thay doi
Ảnh minh họa

Trong đó, Công ty tư vấn Trajectory thông qua một số phỏng vấn chi tiết với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, và khảo sát trên 90.000 người tiêu dùng, bản báo cáo thảo luận bốn xu hướng chính hình thành nên cách tiếp cận thị trường của các doanh nghiệp.

Báo cáo nêu rõ, tốc độ tăng nhanh của tầng lớp người tiêu dùng có thu nhập trung bình trên thế giới, cụ thể tại các thị trường mới nổi. Ngoài ra, sự phát triển của công nghệ số đang thay đổi hoàn toàn cách người tiêu dùng tìm kiếm, chọn lựa và thanh toán cho hàng hóa và dịch vụ. Hay các thế hệ khác nhau thể hiện các hành vi tiêu dùng khác nhau và sức mua hàng của phụ nữ tăng cao khi ngày càng nhiều phụ nữ tham gia thị trường lao động.

Nói theo quan điểm của Noel Quinn, Giám đốc Toàn cầu Khối NH Doanh nghiệp của HSBC, các doanh nghiệp, cho dù họ hoạt động ở đâu trên thế giới cần hiểu thị hiếu và kỳ vọng của người tiêu dùng thay đổi như thế nào, để từ đó có sự thay đổi phù hợp. Những thị hiếu và kỳ vọng này luôn thay đổi, do đó, các doanh nghiệp cần cho khách hàng và các nhà đầu tư thấy rằng họ luôn sẵn sàng để có sự nhận biết và sáng tạo phù hợp.

Mặt khác, nhiều tổ chức bao gồm WB xem thu nhập 2 đô la Mỹ một ngày là mức cơ bản để phân biệt một người có mức thu nhập chỉ đủ đáp ứng nhu cầu tồn tại với một người là người tiêu dùng có khả năng mua sắm hàng hóa và dịch vụ. Dựa trên số liệu dân số của Liên Hợp Quốc, Trajectory ước tính số người tiêu dùng trên toàn cầu sẽ tăng từ ít hơn 5 tỷ người vào năm 2001 đến hơn 7 tỷ vào năm 2020.

Điều này cho thấy, sự tăng trưởng của tầng lớp người tiêu dùng thu nhập trung bình, là những người có thu nhập 10-20 đô la Mỹ một ngày - hiện tại chiếm 1/7 dân số thế giới. Đến năm 2020 con số này dự báo sẽ tăng đạt mức 3,2 tỷ người, và 4,9 tỷ người một thập kỷ sau đó. Với con số này, sức mua của người tiêu dùng sẽ tác động mạnh lên chiến lược của các doanh nghiệp, đặc biệt tại châu Á, nơi sinh sống của đại bộ phận người tiêu dùng.

Điều này buộc các doanh nghiệp phải tìm giải pháp chuyển đổi, hướng sự tập trung đến đối tượng người tiêu dùng này sẽ cần phải xem xét ảnh hưởng của khác biệt văn hóa lên sở thích mua hàng của người tiêu dùng nếu thật sự muốn phát triển trong tương lai.

Một yếu tố nữa mà giới DN cũng cần phải lưu ý đó là tốc độ tăng trưởng nhanh của số người dùng internet, đặc biệt là những người sử dụng thiết bị di động, đồng nghĩa với việc người mua hàng đang có nhiều lựa chọn hơn và có nhiều thông tin mua hàng hơn bao giờ hết. Được biết, đến năm 2020 khoảng 6,1 tỉ người sẽ sử dụng điện thoại thông minh. Thế hệ Z, những người sinh giữa thập niên 1990 và 2000 sẽ lớn lên là những người sử dụng thành thạo công nghệ số, từ đó hình thành kỳ vọng của thế hệ này về tính đơn giản và khả năng tiếp cận nhanh.

Như đã nói ở trên, sức mạnh kinh tế của phụ nữ trên thế giới đang gia tăng đáng kể. Thu nhập toàn cầu của họ tăng từ 12.000 tỷ năm 2010 lên 18.000 tỷ đô la Mỹ vào năm 2018. Các doanh nghiệp muốn nhắm đến phân khúc khách hàng này cần phải hiểu rõ phong cách sống tập trung vào sự nghiệp của phụ nữ.

Khảo sát cho thấy nam giới và phụ nữ thể hiện thái độ và giá trị sống giống nhau – họ muốn mua hàng từ các nhãn hiệu uy tín và đáng tin cậy (70% và 68%) và họ cùng xem trọng các hoạt động thư giãn ngoài giờ làm việc (91%). Hơn nữa, hơn hai phần ba (67%) cả nam giới và nữ giới quan tâm đến đạo đức tiêu dùng, cho thấy hình thái tiêu dùng bền vững sẽ ngày càng chi phối các lựa chọn mua hàng.

Cuối cùng, bản báo cáo cũng tìm hiểu hành vi tiêu dùng qua các thế hệ khác nhau, từ thế hệ trước chiến tranh, thế hệ “baby boomer” đến thế hệ Z. Báo cáo cho thấy sức mua của những người trên 60 tuổi ngày càng tăng và đến năm 2020 nhóm độ tuổi này sẽ lần đầu tiên trong lịch sử loài người đông hơn nhóm độ tuổi dưới 5. Thế hệ thiên niên kỷ có thể ít hài lòng với tình trạng tài chính của mình nhưng họ đang tiến vào thời kỳ hoàng kim của những năm làm việc hiệu quả nhất và thể hiện các hành vi tương đối đặc trưng như ưu tiên trải nghiệm hơn là sở hữu.

Lam Anh

Tin đọc nhiều