Nỗ lực tạo niềm tin với người tiêu dùng

08:54 | 29/12/2017

Hiện tại các DN trong nước đang cung cấp cho người tiêu dùng những sản phẩm có chất lượng ngày càng được cải tiến cùng với mức giá cạnh tranh trên thị trường...

Hàng tiêu dùng nhanh khởi sắc
Áp lực đối với hàng nội

Môi trường kinh doanh có nhiều cải thiện

Trước bối cảnh hàng hoá nước ngoài đang tràn vào Việt Nam, nhất là khi thuế suất cắt giảm theo Hiệp định thương mại, các DN sản xuất trong nước đã rất nỗ lực đưa ra hàng hoá chất lượng tốt, giá thành hạ để cạnh tranh ngay chính tại sân nhà.

Đặc biệt, các cuộc vận động người Việt ưu tiên dùng hàng Việt và nhiều chương trình quảng bá đã giúp hàng Việt chiếm lĩnh lòng tin người tiêu dùng. Trong dịp cuối năm, nhất là để phục vụ Tết Nguyên đán, các DN Việt càng nỗ lực đem đến những sản phẩm chất lượng cao, phục vụ tốt nhất người tiêu dùng.

no luc tao niem tin voi nguoi tieu dung
Nhiều sản phẩm chất lượng cao đến tay người tiêu dùng

Theo số liệu thống kê của Cục Quản lý Đăng ký Kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), số DN thành lập mới trong 11 tháng đầu năm 2017 tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2016. Cụ thể, có 116.045 DN thành lập mới với số vốn đăng ký là 1.131.819 tỷ đồng tăng 41,9% so với cùng kỳ năm 2016. Trong 11 tháng đầu năm 2017, tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một DN đạt 9,8 tỷ đồng, tăng 24,3% so với cùng kỳ năm 2016.

Từ số liệu trên có thể thấy môi trường kinh doanh đã có sự cải thiện rõ rệt. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, môi trường kinh doanh tại Việt Nam cũng đã được cải thiện đáng kể sau một loạt các chính sách cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ và các bộ, ngành địa phương. Đặc biệt là cải cách về thủ tục hành chính và những chính sách hỗ trợ DN.

Theo đó, Bộ Công Thương đã công bố cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh, chiếm hơn 50% điều kiện kinh doanh do Bộ quản lý. Đồng thời, Bộ TN&MT cũng có văn bản kiến nghị Chính phủ bãi bỏ 36 điều kiện đầu tư kinh doanh, đồng thời sửa đổi 15 điều kiện yêu cầu đối với cá nhân trong DN, chiếm gần 45% điều kiện kinh doanh thuộc Bộ này quản lý.

Có thể thấy, Việt Nam đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, nên các sản phẩm được sản xuất trong nước phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của các sản phẩm nhập khẩu. Đặc biệt nhóm DNNVV tại Việt Nam đang đứng trước thách thức rất lớn về khả năng cạnh tranh khi mà năng lực và quy mô còn hạn chế.

Bởi vậy nâng cao năng lực cạnh tranh, đổi mới công nghệ… không chỉ là nhu cầu cấp thiết, liên tục và lâu dài mà còn là nội dung sống còn của DN và nền kinh tế. Nếu không có sự thay đổi để phù hợp với thị trường, nguy cơ thua trên sân nhà của DN Việt là rất cao.

Phát triển bằng chính nội lực

Cùng với những hỗ trợ từ Chính phủ, các DN cũng đang từng bước khẳng định được thương hiệu cũng như uy tín trên thị trường. Các sản phẩm và thương hiệu nội địa đã trở nên gần gũi hơn với người tiêu dùng. Các DN trong nước đang trên đà định vị thương hiệu, khẳng định vị trí của mình nhờ phát triển toàn diện về hình thức, chất lượng và giá cả của sản phẩm để cạnh tranh với các sản phẩm nước ngoài.

Đặc biệt Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được triển khai năm 2009 đến nay đã hỗ trợ và nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt, mang lại niềm tin cho người tiêu dùng trong nước. Nhiều DN Việt đã có tầm ảnh hưởng và chiếm lĩnh được thị phần lớn, như Vinamilk, VinGroup, Vinacafe, TH true Milk, Việt Tiến, Hữu Nghị…

Ông Nguyễn Anh Dũng, Trưởng Bộ phận Dịch vụ Đo lường Bán lẻ Nielsen Việt Nam cho rằng, hiện tại các DN trong nước đang cung cấp cho người tiêu dùng những sản phẩm có chất lượng ngày càng được cải tiến cùng với mức giá cạnh tranh trên thị trường. Bên cạnh đó, nhờ hệ thống phân phối rộng khắp và được duy trì liên tục trong thời gian dài, sản phẩm của họ luôn sẵn sàng để tiếp cận người tiêu dùng không chỉ ở các thành phố lớn mà còn ở cả các khu vực vùng sâu vùng xa để thúc đẩy sự tăng trưởng.

Để hỗ trợ DN quảng bá cũng như đẩy mạnh việc bán hàng, TP. Hà Nội thời gian qua đã tổ chức các chương trình kết nối hàng Việt nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng hàng Việt.

Theo đó, từ đầu năm 2017 đến nay, nhiều chương trình hưởng ứng cuộc vận động đã được TP. Hà Nội phát động giúp lan tỏa sâu sắc quyền lợi, nghĩa vụ và ưu tiên của người tiêu dùng Việt Nam khi sử dụng hàng Việt Nam như cuộc bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng Thủ đô yêu thích” năm 2017; Hội chợ hàng Việt; Hội nghị giao thương…

Thành phố đã tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cho các DN, hỗ trợ khâu kết nối cung - cầu hàng hóa giữa người tiêu dùng và DN thông qua các hội nghị, tổ chức các hội chợ để DN mở rộng thị trường, tiếp cận thị trường mới…

Ông Nguyễn Tiến Hưng - Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm sạch BigGreen (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ, chương trình kết nối cung - cầu mà TP. Hà Nội thường xuyên tổ chức đã đóng góp quan trọng cho DN có thể hợp tác với các đối tác trong nước, đồng thời kết nối giữa DN và người tiêu dùng. Thông qua đó DN không những đem những sản phẩm tốt đến người tiêu dùng mà còn có thể mở rộng thị trường, khẳng định được thương hiệu và chiếm lĩnh lòng tin người tiêu dùng.

Theo ông Nguyễn Doãn Toản, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, để Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ngày càng thiết thực, đáp ứng các yêu cầu trong thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục triển khai công tác tuyên truyền theo hướng đổi mới; thực hiện mạnh mẽ hơn các chương trình xúc tiến thương mại; hỗ trợ DN tại thị trường trong nước và quốc tế; đẩy mạnh công tác quản lý thị trường, đặc biệt là trên đường bộ, đường sông, đường hàng không. Ngoài ra, thành phố cũng sẽ cải cách thủ tục hành chính, có cơ chế, chính sách để hỗ trợ DN trong vấn đề chi phí, thủ tục hành chính…

Nguyễn Minh

Tin đọc nhiều