Nới lỏng luật, lo vốn chảy ra ngoài

10:18 | 03/01/2018

Trong bối cảnh nhu cầu vốn trong nước còn hạn chế, thì để nguồn lực chảy ra ngoài là điều đáng quan ngại

Chính phủ hành động là trên hết
Cần chính sách ổn định để đầu tư
Tiếp tục tháo rào cho môi trường đầu tư

Cùng với việc tháo gỡ rào cản cho NĐT nước ngoài vào Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đang xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp. Cơ quan này đã đề xuất bỏ thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài, thay bằng cơ chế đăng ký hoạt động chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài tại cơ quan nhà nước quản lý ngoại hối.

Thủ tục liên tục được nới lỏng

Cần phải nhắc lại rằng, việc đơn giản hoá thủ tục đầu tư ra nước ngoài đã được tiến hành liên tục trong các năm qua. Nghị định số 83/2015/NĐ-CP quy định về đầu tư ra nước ngoài đã gộp 2 loại giấy phép này thành một giấy phép duy nhất là Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài.

Bên cạnh đó, sự thay đổi lớn nhất của Nghị định 83 chính là việc bỏ thủ tục thẩm tra đối với các dự án không thuộc lĩnh vực đặc biệt (gồm ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, báo chí, phát thanh, truyền hình, viễn thông) có vốn đầu tư dưới 800 tỷ đồng và dự án đặc biệt có vốn đầu tư dưới 400 tỷ đồng. Quy định này được xem là thông thoáng, đơn giản, minh bạch hơn rất nhiều và tạo thuận lợi cho NĐT trong việc đăng ký đầu tư ra nước ngoài.

noi long luat lo von chay ra ngoai
Viễn thông là một trong các lĩnh vực đầu tư thành công ở nước ngoài

Ông Vũ Văn Chung, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH&ĐT khẳng định, việc liên tục sửa đổi và đơn giản hoá các chính sách quản lý đầu tư ra nước ngoài xuất phát từ quan điểm tôn trọng quyền tự do kinh doanh của NĐT theo hướng nhà nước chỉ xác nhận hoạt động đầu tư mà không can thiệp sâu vào công việc của NĐT.

Tại tờ trình đề nghị xây dựng luật, Bộ KH&ĐT cũng cho biết, việc bỏ thủ tục cấp Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài không phải là giải pháp nhằm tự do hóa dòng vốn đầu tư ra nước ngoài, đồng thời cũng không đồng nghĩa với việc từ bỏ hay nới lỏng quản lý nhà nước đối với hoạt động này mà chỉ nhằm thay đổi phương thức quản lý nhà nước.

Cơ quan này phân tích, với cơ chế quản lý mới, người đứng đầu DN sẽ quyết định và chịu trách nhiệm về hiệu quả hoạt động đầu tư ở nước ngoài; cơ quan quản lý ngoại hối chịu trách nhiệm quản lý, kiểm soát nguồn vốn chuyển ra nước ngoài nhằm đảm bảo NĐT sử dụng đúng mục đích và tuân thủ quy định của pháp luật ngoại hối. Ngoài ra, theo chức năng, thẩm quyền, Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan tham gia quản lý nguồn vốn và tài sản nhà nước chuyển ra nước ngoài để thực hiện hoạt động đầu tư.

Bên cạnh đó, hiện nay hầu hết các nước trên thế giới đều chỉ thực hiện chế độ kiểm soát dòng tiền chuyển ra nước ngoài để thực hiện hoạt động đầu tư và có chính sách cấm, hạn chế chuyển tiền ra nước ngoài trong một số trường hợp nhất định để đảm bảo cân đối vĩ mô cũng như tính hợp pháp của nguồn tiền. Thực tế là những hoạt động đầu tư của DN Việt Nam được thực hiện tại nước tiếp nhận đầu tư và phải tuân thủ pháp luật của nước đó, cơ quan trong nước không thể quản lý toàn bộ hoạt động đầu tư ở nước ngoài của DN.

Đã đánh giá tác động đầy đủ?!

Mặc dù hoan nghênh tinh thần sửa đổi của luật, song vẫn có không ít ý kiến lo ngại rằng việc bỏ thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài là chưa phù hợp với điều kiện quản lý của Việt Nam, gây khó khăn trong cân đối vĩ mô và kiểm soát dòng vốn.

Chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành nêu quan điểm, trước hết cần khẳng định rằng việc lựa chọn địa điểm, hình thức để đầu tư là quyền tự do kinh doanh của DN. Theo ông Thành, NĐT thấy ở đâu có lợi nhuận thì sẽ rót vốn vào đó, bất kể đó là đầu tư trong nước hay nước ngoài. Tuy nhiên, trong điều kiện đất nước còn kém phát triển, nhu cầu vốn cần nhiều, nguồn lực lại chảy ra ngoài thì rõ ràng là việc cần cân nhắc. Vì vậy, các thủ tục hành chính liên quan đến quản lý hoạt động đầu tư ra nước ngoài được đơn giản hoá quá nhanh cũng là nguy cơ khiến dòng vốn từ Việt Nam vươn ra nước ngoài quá dễ dãi.

Một vấn đề khác được các chuyên gia về đầu tư nước ngoài lưu ý, đó là tốc độ giải ngân dòng vốn hiện nay còn rất chậm chạp và hiệu quả chưa cao. Theo thống kê của Bộ KH&ĐT, tính đến hết tháng 1/2017, tổng vốn đầu tư ra nước ngoài lũy kế của các DN Việt Nam khoảng 21,4 tỷ USD, nhưng vốn thực hiện chỉ đạt khoảng 7 tỷ USD; lợi nhuận đã chuyển về nước đạt khoảng 1,5 tỷ USD.

TS. Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài phân tích, nguyên nhân gây ra tình trạng này là hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư của các quốc gia tiếp nhận vốn đang trong quá trình sửa đổi, hoàn thiện nên có nhiều thay đổi, chưa thống nhất và khó tiếp cận; trong khi NĐT cũng chưa quan tâm đúng mức tới việc tìm hiểu môi trường đầu tư trước khi chính thức rót vốn.

Điều này dẫn đến tình trạng một số dự án vốn tư nhân không triển khai được hoặc chấm dứt trước hạn, một số dự án sử dụng vốn nhà nước chậm tiến độ, tình trạng không tuân thủ các quy định về báo cáo tình hình triển khai dự án đầu tư vẫn còn tồn tại ở nhiều dự án…

Vì vậy, đối với các dự án đầu tư ra nước ngoài, vấn đề cần giải quyết hiện nay hoàn thiện chính sách để nguồn vốn được giải ngân hiệu quả và mang lại lợi ích thiết thực, thay vì tiếp tục nới lỏng việc cấp phép.

Còn theo một chuyên gia từ Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, mức lợi nhuận đã chuyển về nước còn rất hạn chế, chưa thể hiện được hiệu quả thực sự của hoạt động đầu tư ra nước ngoài.

Vị này cho rằng, để “thúc ép” cơ quan lập pháp thông qua đề nghị sửa luật, Bộ KH&ĐT cần có những đánh giá tác động sâu hơn về hiệu quả của hoạt động này. Nếu chứng minh được các DN đầu tư ra nước ngoài mang lại nhiều lợi ích cho đất nước, đồng thời hoạt động này đang bị tắc nghẽn do thủ tục trong nước quá chặt chẽ, mới đủ cơ sở để tiếp tục tháo gỡ chính sách quản lý đầu tư ra nước ngoài.

Khanh Đoàn

Tin đọc nhiều