Nông dân - doanh nghiệp liên kết cùng thắng

08:48 | 12/07/2017

Nền kinh tế nông nghiệp muốn phát triển bền vững thì phải có sự phối hợp nhịp nhàng giữa nông dân - DN.

“Cầu nối” nông dân với thị trường
“Vị ngọt” của liên kết nông dân - doanh nghiệp

Phá vỡ hợp đồng như cơm bữa

Ông Trần Mạnh Báo, Tổng giám đốc Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình (ThaiBinh Seed) cho rằng, Việt Nam có 3 thế mạnh là nông nghiệp, du lịch và nguồn nhân lực. Tuy nhiên trong đó, nông nghiệp là lợi thế cạnh tranh khi hội nhập nhưng hiện chưa được khai thác hiệu quả. Một trong những nguyên nhân là mối liên kết giữa “các nhà” chưa hiệu quả, trong đó có mối liên kết giữa nông dân (ND) và DN.

nong dan doanh nghiep lien ket cung thang
Nông dân - doanh nghiệp chưa thực sự có mối liên kết hiệu quả

“DN khó có thể đi ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh với từng hộ ND nhỏ lẻ, cá thể. Mối liên kết ND-DN thời gian qua rất lỏng lẻo. Để mối liên kết này chặt chẽ thì DN cần thông qua 1 pháp nhân đại diện, đó là HTX. Mặc dù đã có sự chuyển đổi HTX theo luật mới năm 2012, nhưng hầu hết vẫn là “bình mới rượu cũ”. Các HTX vẫn hoạt động èo uột, thiếu vốn, trình độ quản lý thấp...”, ông Báo cho biết thêm.

Lý giải về việc vì sao hô hào rất nhiều, nhưng hiện nay mối liên kết ND-DN vẫn rất yếu, ông Võ Quan Huy - Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An cho rằng, lâu nay Nhà nước có không ít chính sách đầu tư vào nông nghiệp nhưng hiệu quả thì còn rất hạn chế. Thực tế hiện nay là có những chính sách cho nông nghiệp thường nhằm mục đích quản lý nhiều hơn là mang lại lợi ích trực tiếp cho các đối tượng được điều chỉnh. Người làm chính sách chưa sâu sát thực tế nông nghiệp, ND, nông thôn.

Đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc mặc dù nhà nước ban hành nhiều chính sách phục vụ phát triển nông nghiệp, ND, nhưng hầu hết ít có hiệu quả. Muốn gắn kết ND-DN một cách bền vững, thì cần có những lựa chọn đem đến lợi ích cho các bên.

“Lâu nay, câu chuyện gắn kết giữa ND - DN đã được nói đi nói lại rất nhiều, được đẩy lên thành phong trào “nóng” ở nhiều địa phương, nhưng thực sự chưa có nhiều mối liên kết hiệu quả. Hiện tôi đang làm chuỗi sản xuất tôm ở Bạc Liêu, Sóc Trăng. Nhưng những DN có vốn, chủ động được nguồn thức ăn thì gần như không muốn tham gia...”, ông Huy bày tỏ.

Ở nông thôn, hiện nay khó nhất vẫn là vốn đầu tư cho sản xuất (thường đến từ 3 nguồn: vốn tự có; vay ngân hàng; vay đại lý theo hình thức nợ vật tư, giống nông sản). Một số nơi đang có thêm dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật đầu vào cho người nuôi tôm, cũng rất thuận lợi và loại hình dịch vụ này đang phát triển khá tốt.

Không nên đổ lỗi cho ND

Bà Trần Kim Liên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Giống cây trồng TW lại cho rằng, không nên đổ hết lỗi cho ND, mà vấn đề nằm ở chỗ DN có đầu ra, có ai chia sẻ với ND không?

Một câu chuyện thực tế, khi công ty làm lúa ở ĐBSCL, ban đầu ND không tin tưởng nhưng công ty vẫn ký giá sàn. Khi giá xuống công ty không hạ giá, giá lên công ty cùng ND chia đôi. Vì công ty có đầu ra bền vững, gạo bán được giá ổn định. Như thế, để ND tham gia vào chuỗi, cần có sự chia sẻ lợi ích một cách thỏa đáng, giữ chữ tín với người ND. Bởi ND rất cần DN, vấn đề chỉ là cách ứng xử của DN như thế nào.

Không có nguồn vốn thì không thể làm nông nghiệp công nghệ cao. CTCP giống cây trồng TW đã đầu tư 270 tỷ (gần 11 triệu USD) cho sản xuất nông nghiệp, trong đó nông nghiệp công nghệ cao là 4 triệu USD. Sản phẩm đầu tiên đã ra mắt thị trường, ước tính doanh thu từ 4 - 5 tỷ/ha. Công ty hy vọng với cách làm này sẽ trở thành DN lõi để liên kết người ND ở Hà Nam và vùng đồng bằng sông Hồng.

Để DN đóng vai trò chủ đạo trong mối liên kết với ND, nhà nước cần ban hành các cơ chế chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các DN đầu tư vào nông nghiệp, đặc biệt là các DNNVV.

Các DN nông nghiệp khác với các DN nói chung là cần có đất đai. Luật Đất đai cũ với chính sách hạn điền đã không còn phù hợp. Với chính sách hiện nay, CTCP giống cây trồng TW chỉ tích tụ 20 ha của hơn 400 hộ và phải trả tiền thuê 20 năm. “Nhưng hiện tại, chúng tôi chưa thể mang tài sản trên đất đai như nhà kính, công nghệ, máy móc để thế chấp vay ngân hàng khi vay vốn. Do vậy cần điều chỉnh sửa đổi hành lang pháp lý để có thể tạo điều kiện thuận lợi cho DN...”, bà Liên cho biết thêm.

Ông Lại Xuân Môn, Chủ tịch Trung ương Hội ND Việt Nam nhấn mạnh, ND và doanh nhân nông nghiệp chính là “2 chân” của nền kinh tế nông nghiệp nước ta. Muốn cho nền kinh tế nông nghiệp nước ta phát triển bền vững thì “2 chân” phải vững, phải chắc, phải đi đều và phải có sự phối hợp nhịp nhàng, ăn khớp với nhau.

Do đó, cần phải có sự liên kết chặt chẽ giữa ND - ND và ND - DN để xây dựng các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị. Đồng thời, loại bỏ bớt tác nhân trung gian giữa người sản xuất và DN, rút ngắn độ dài của kênh tiêu thụ, mang lại hiệu quả kinh tế cho cả ND, DN và người tiêu dùng, mục tiêu là bảo đảm cho người ND có thể đổi đời trên mảnh đất của mình.

“Để giải quyết điểm nghẽn trong sản xuất nông nghiệp, quan trọng nhất là xử lý tốt mối liên kết ND - DN. Trong đó, DN sẽ giúp người ND sản xuất theo chuỗi giá trị. Có vậy mới tránh được tình trạng được mùa mất giá”, ông Lại Xuân Môn nhấn mạnh.

Cần phải có sự liên kết chặt chẽ giữa ND - ND và ND - DN để xây dựng các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị. Đồng thời, loại bỏ bớt tác nhân trung gian giữa người sản xuất và DN, rút ngắn độ dài của kênh tiêu thụ, mang lại hiệu quả kinh tế cho cả ND, DN và người tiêu dùng

Bài và ảnh Hà Sơn

Tin đọc nhiều