Nông sản khó xây dựng thương hiệu, vì sao?

15:20 | 12/10/2018

Xuất khẩu nông sản Việt Nam không ngừng tăng trưởng  qua các năm song rất ít người tiêu dùng thế giới biết tới.

Nông sản sẽ rộng mở nếu vượt qua cửa ải Hoa Kỳ?
Phát triển thị trường nông sản sạch: Nhiều nút thắt cần tháo gỡ

Bộ NN&PTNT cho biết, 9 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu (XK) toàn ngành nông nghiệp đạt 29,54 tỷ USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước, bằng 73% kế hoạch năm và vượt 1,3% mục tiêu quý III. Trong cả năm 2018, toàn ngành đặt mục tiêu XK nông, thủy sản đạt 40 tỷ USD.

nong san kho xay dung thuong hieu vi sao
Một số siêu thị tìm cách ẩn đi xuất xứ “made in Việt Nam” trên sản phẩm của Việt Nam

Có thể thấy nếu xét về lượng, XK nông sản của Việt Nam không thua kém bất kỳ quốc gia sản xuất nông nghiệp nào. Việt Nam luôn đứng top đầu thế giới về XK gạo, chè, hồ tiêu, điều, cao su... nhưng do chưa xây dựng được thương hiệu nên ít người tiêu dùng biết đến, dẫn tới giá trị thu về thấp. Một trong những nguyên nhân là do 90% nông sản Việt xuất dưới dạng thô cho DN ngoại, từ đó được chế biến và đóng gói dưới nhãn hiệu của họ. Đồng thời DN Việt còn lúng túng trong việc đăng ký bảo hộ thương hiệu.

Đơn cử như mặt hàng gạo, XK gạo liên tục tăng nhanh trong những năm gần đây. Đến nay, Việt Nam chiếm khoảng 15% tổng lượng gạo XK toàn thế giới. Gạo Việt Nam có mặt tại 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, đặc biệt là nước XK gạo lớn thứ 3 thế giới. Mặc dù vậy, Bộ Công thương cho biết, các sản phẩm gạo Việt Nam vẫn chưa được phần lớn người tiêu dùng cuối cùng tại các nước biết đến. Trong khi đó, Thái Lan nổi tiếng với thương hiệu gạo thơm Hom Mali, Campuchia dù đi sau nhưng thương hiệu gạo Phka Romdoul của nước này đã được nhiều nước trên thế giới biết đến.

Tương tự đối với mặt hàng chè, nhiều năm qua XK mặt hàng này luôn nằm trong top 5 thế giới. Tuy nhiên, các DN xuất khẩu cho biết, phần lớn chè vẫn xuất dưới dạng thô hoặc mang thương hiệu nước ngoài. Theo ông Đoàn Anh Tuân, Giám đốc công ty TNHH Thế Hệ Mới (trà Cozy), DN này đang XK chè tới hơn 60 nước trên thế giới nhưng chủ yếu vẫn XK nguyên liệu thô hoặc dưới thương hiệu nước ngoài, còn dưới thương hiệu trà Cozy chỉ chiếm 5%.

Hay ông Trần Ngọc Quân, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công thương), cho biết hiện nay, đang xảy ra tình trạng nhiều siêu thị tìm cách ẩn đi tên “made in Việt Nam” trên sản phẩm của Việt Nam, thay vào đó là tên các siêu thị của họ. Đôi khi người dân châu Âu chỉ biết tới sản phẩm có chất lượng, giá hợp lý thì mua chứ không biết sản phẩm đó có nguồn gốc từ Việt Nam.

Nghiêm trọng hơn, do thiếu chỉ dẫn địa lý, gần đây nhiều thương hiệu Việt đang bị đăng ký sở hữu trí tuệ của các DN nước ngoài. Câu chuyện cà phê Buôn Ma Thuột nhưng nhãn hiệu lại bị đăng ký bởi DN Quảng Châu (Trung Quốc), nước mắm Phú Quốc nhưng nhà sản xuất lại từ Hong Kong (Trung Quốc) hay phở Việt Nam hiện bán rất chạy ở Mỹ nhưng lại "made in Thái Lan”.

Trước thực trạng trên, các chuyên gia cho rằng, việc làm cần thiết là nông sản Việt Nam phải tập trung nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu, đăng ký chỉ dẫn địa lý.

Đi cụ thể vào mặt hàng gạo theo ông Martin Albani, chuyên gia Tập đoàn Tài chính quốc tế, ở Thái Lan, các loại gạo XK của họ luôn luôn có chỉ dẫn địa lý, điều này không chỉ giúp người tiêu dùng thế giới tin tưởng mà còn được bán với mức giá cao hơn nhiều so với gạo thông thường. Người tiêu dùng sẵn sàng trả thêm tiền nếu nhận được gạo có nguồn gốc rõ ràng.

Hay tại Campuchia, ngành lúa gạo nước này bắt đầu gần như từ “tay trắng” đi lên, tuy nhiên nhờ việc luôn chú trọng nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu, Campuchia đã khiến người tiêu dùng biết tới gạo của họ. “Việt Nam cũng nên học tập cách làm như vậy. Việc xây dựng thương hiệu không chỉ là khẳng định chất lượng sản phẩm với người tiêu dùng mà còn khẳng định chất lượng nhà cung cấp, chất lượng chỉ dẫn địa lý”, ông Martin Albani chia sẻ.

Nói về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, việc sử dụng chỉ dẫn địa lý là yếu tố có thể đảm bảo nguồn gốc xuất xứ và nâng cao thương hiệu cho hàng Việt. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 80 chỉ dẫn địa lý đã được đưa ra nhưng các DN chưa tận dụng được tốt để xây dựng thành những thương hiệu riêng, sản phẩm đặc thù của Việt Nam.

Trong khi đó, theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu, xây dựng thương hiệu nông sản nên tập trung xây dựng thương hiệu quốc gia, sau đó là thương hiệu vùng như Brazil - đất nước số một thế giới về cà phê nhưng không có thương hiệu nào của một DN cà phê.

Hải Yến

Tin đọc nhiều