Nông sản Việt vẫn “loay hoay” với chuyện thương hiệu

12:00 | 20/07/2018

Nông sản Việt vẫn chủ yếu xuất khẩu thô, thiếu thương hiệu nên giá trị thu về rất thấp.

Tái cơ cấu để nâng giá trị nông sản
Xuất khẩu nông sản: Dồn lực để cán đích

Yếu về thương hiệu

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch XK nông - lâm -thủy sản tháng 6/2018 ước đạt 3,45 tỷ USD, đưa tổng giá trị XK 6 tháng đầu năm 2018 đạt 19,4 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, giá trị XK các mặt hàng nông sản chính ước đạt 10,3 tỷ USD, tăng 9,7%; giá trị XK thủy sản ước đạt 3,94 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2017.

nong san viet van loay hoay voi chuyen thuong hieu
Nông sản Việt vẫn chủ yếu xuất thô

Mặc dù kim ngạch XK nhiều loại mặt hàng nông sản tăng cao, tuy nhiên, theo GS.VS Trần Đình Long – Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam, nông sản Việt đang chịu cạnh tranh gay gắt với nông sản của nhiều nước trong khu vực, nhất là Thái Lan và Đài Loan… Hiện nay, một số mặt hàng thủy sản đông lạnh của Việt Nam đã XK sang Philippines.

Tuy nhiên, qua khảo sát, các DN tại Philippines hiện nay hầu như không biết các sản phẩm phi lê đông lạnh có nguồn gốc từ Việt Nam. Hay đối với trái cây, hiện nay, rất nhiều mặt hàng của Việt Nam XK sang Nhật tiêu thụ khá tốt, tuy nhiên, xoài lại là mặt hàng đang có xu hướng giảm tiêu thụ, mặc dù xoài Việt có chất lượng thơm ngon hơn hẳn.

Nguyên nhân khiến xoài Việt không thể cạnh tranh được tại Nhật đó là khâu bảo quản chưa thể kéo dài, phí vận chuyển còn quá cao dẫn đến giá bán bị đẩy lên cao. Cà phê - một trong những mặt hàng nông sản XK chủ lực của Việt Nam. Hiện cà phê Việt Nam chiếm đến 90% kim ngạch nhập khẩu của Hàn Quốc, thế nhưng người tiêu dùng Hàn Quốc lại nhầm tưởng là cà phê… Brazil!

Bà Nguyễn Thị Mai Anh - Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư -Thương mại - Du lịch Hà Nội chia sẻ, câu chuyện thực tế khi tham gia các kỳ hội chợ quốc tế tổ chức tại các thị trường nhập khẩu hàng nông Việt Nam cho thấy, mặc dù Việt Nam có hàng trăm mặt hàng thực phẩm, nông sản chế biến đã tham gia vào thị trường XK, thế nhưng người tiêu dùng trên thế giới chỉ mới biết đến một vài thương hiệu như cà phê Trung Nguyên, Vinamit, mì Acecook…

Những người biết đến ngành hàng nông sản, thực phẩm Việt chủ yếu là tầng lớp thương nhân trực tiếp giao thương. Còn người tiêu dùng các nước nhập khẩu lại không biết đó là hàng Việt mà nhầm tưởng đó là sản phẩm của DN các nước khác.

Lãnh đạo Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam cũng thừa nhận, nhược điểm của cà phê Việt là mặc dù đã có tiêu chuẩn XK nhưng các DN chỉ bán theo thỏa thuận về độ ẩm, hạt vỡ… là chính, số tuân thủ theo quy chuẩn chỉ 1%. Điều này khiến và phê Việt bị trả giá thấp.

Nông sản XK thô, không thương hiệu đã khiến giá trị hàng hóa không cao. Ông Bùi Xuân Hoàng - Công ty Hoàn Vũ Lab cho biết, chè, cà phê Việt chỉ cần xuất cảng, qua bên nước bạn giá đã tăng vài lần, thậm chí mấy chục lần. Do vậy, cần đẩy mạnh chế biến, xây dựng thương hiệu thì mới có thể tăng được giá trị nông sản Việt Nam.

Hướng đi tất yếu

Việt Nam là nước cung cấp hàng đầu nhiều loại nông sản, thực phẩm cho thế giới khi kim ngạch XK nông sản hàng năm khoảng 20 tỷ USD/năm. Thế nhưng thế giới chưa biết đến điều này. Không những thế, các DN Việt Nam mới dừng lại ở mức tạo dựng thương hiệu riêng, thiếu liên kết trong việc xây dựng thương hiệu chung toàn ngành, điều này khiến ngành thực phẩm khó có được một thương hiệu chung.

DN Việt Nam cần xây dựng thương hiệu và truyền thông thương hiệu mạnh mẽ là việc cần phải làm. Ông Leon Trujilo - chuyên gia thương hiệu của Tổ chức Hỗ trợ Nhập khẩu từ các nước đang phát triển của Hà Lan (CBI) khẳng định: Thương hiệu sẽ mang lại cho nông sản Việt Nam những lợi ích như: làm cho khách hàng nhận biết được sản phẩm, phân biệt được thực phẩm Việt Nam với các nước khác, từ đó nhà sản xuất sẽ tìm tới Việt Nam nhiều hơn

Theo TS. Lục Thị Thu Hường - Trường Đại học Thương mại, bên cạnh một thương hiệu chung, Việt Nam cũng cần một chiến lượng riêng cho ngành thực phẩm nhằm thúc đẩy XK và bổ sung giá trị gia tăng vào sản phẩm nông nghiệp có nguồn gốc hoặc chế biến trong nước.

Ông Nguyễn Quốc Toản – Quyền Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) nhận định, trong thời gian tới rau quả XK Việt dự kiến phải cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại tại các thị trường truyền thống.

Để đẩy mạnh XK các DN XK cần tổ chức liên kết sản xuất theo nhu cầu và bám sát được vào các tiêu chuẩn, yêu cầu chất lượng, an toàn thực phẩm của các thị trường XK. Đặc biệt, cần tiếp tục chú trọng phát triển, ứng dụng các quy trình công nghệ bảo quản trái cây sau thu hoạch và đẩy mạnh chế biến sâu để duy trì và đẩy mạnh XK sang các thị trường bậc cao như Mỹ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc.

XK thủy sản vào các thị trường truyền thống như EU, Mỹ đang gặp rất nhiều khó khăn liên quan đến hàng rào thuế quan và kiểm dịch an toàn thực phẩm. Để nâng cao giá trị và phát triển bền vững các sản phẩm XK chủ lực là tôm và cá tra, trong thời gian tới, cần quan tâm hơn nữa đến xây dựng thương hiệu cho 2 sản phẩm này. Hiện Tổng cục Thủy sản đang được Bộ NN&PTNT giao chủ trì xây dựng thương hiệu tôm và cá tra theo Đề án “Nâng cao năng lực cạnh tranh ngành thủy sản trong bối cảnh Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế”.

Chính phủ cũng giao Bộ Công thương chủ trì hỗ trợ DN trong hoạt động xây dựng bảo vệ thương hiệu tôm Việt Nam tại Quyết định số 79/QĐ-TTg ngày 18/1/2019, ông Nguyễn Quốc Toản cho hay.

Nhằm hỗ trợ DN nông sản, chế biến thực phẩm xây dựng thương hiệu, Bộ Công thương đã xây dựng Chiến lược thương hiệu ngành thực phẩm Việt Nam. Theo đó từ nay đến 2020, chương trình sẽ thực hiện các chiến dịch truyền thông, quảng bá hình ảnh ngành hàng thực phẩm của Việt Nam vươn ra thế giới.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, bên cạnh sự hỗ trợ của cơ quan chức năng còn đòi hỏi chính bản thân DN trong quá trình xây dựng thương hiệu cần xác định đối tượng mục tiêu, xu hướng, nhu cầu, kể cả việc nghiên cứu đối thủ cạnh tranh... Có như vậy việc phát triển thương hiệu nông sản, thực phẩm Việt trên thị trường thế giới mới thành công.

Hải Yến

Tin đọc nhiều