Phải chú trọng chất lượng gạo xuất khẩu

08:57 | 23/05/2019

Các DN Việt cần phải chú trọng chất lượng gạo để có thể tìm kiếm mở rộng thị trường

Agribank sẵn sàng đáp ứng vốn cho lúa gạo
Ưu đãi lãi suất cho vay thu mua lúa gạo
Ngân hàng cam kết đáp ứng đủ vốn thu mua lúa gạo

Theo thống kê, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam (chiếm 22% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam) và Việt Nam cũng là nước cung cấp gạo lớn nhất cho Trung Quốc (chiếm 46,2% tổng giá trị nhập khẩu gạo của Trung Quốc). Đáng chú ý, nếu như từ năm 2018 trở về trước, Trung Quốc luôn đứng ở vị trí thứ nhất trong số các thị trường nhập khẩu gạo chính của Việt Nam thì những tháng đầu năm nay, Philippines vươn lên đứng đầu với 40,2% thị phần xuất khẩu gạo của Việt Nam. Tuy nhiên cho đến thời điểm này, Trung Quốc cũng đã bắt đầu nhập khẩu gạo nhiều hơn từ Việt Nam.

phai chu trong chat luong gao xuat khau
Xuất khẩu gạo đang có dấu hiệu tốt lên

Nguyên nhân của việc sụt giảm gạo nhập khẩu vào Trung Quốc thời gian gần đây được Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định là do từ năm 2018, Trung Quốc đã áp dụng nhiều hàng rào như tăng thuế nhập khẩu gạo nếp từ 5% lên 50%, hay kiểm soát chặt nhập khẩu gạo tấm. Hơn thế, cũng theo cục này, quý I hàng năm là thời điểm nghỉ Tết Nguyên đán nên khó tránh khỏi tình trạng ảm đạm, các đơn hàng chưa được triển khai, trong đó có lúa gạo.

Không những vậy, đầu năm 2019, một số DN xuất khẩu gạo đã vi phạm quy định nên phía Trung Quốc đã thông báo ngừng giấy phép của 2 DN là Công ty T.G và Công ty T.T.A. Nguyên nhân là do DN xuất khẩu gạo sang đây với số lượng vượt xa năng lực sản xuất, chế biến của nhà máy. Như vậy, hiện chỉ có 20 DN Việt được phép xuất khẩu sang Trung Quốc, trong tổng số hơn 150 DN có chức năng xuất khẩu gạo. Các chuyên gia cho rằng việc vi phạm của vài DN không chỉ ảnh hưởng đến DN mà còn làm mất uy tín cả ngành gạo Việt.

Để tăng lượng gạo xuất khẩu sang Trung Quốc, thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, thời gian qua, Bộ Công thương đã triển khai nhiều chương trình xúc tiến thương mại gạo theo hướng đổi mới, đa dạng hóa hình thức thực hiện. Trung tuần tháng 5, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương đã mời đoàn DN nhập khẩu gạo Trung Quốc sang Việt Nam kết nối, giao thương và tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại. Đoàn Trung Quốc có khoảng 20 DN nhập khẩu gạo do đại diện Hiệp hội Lương thực Trung Quốc làm trưởng đoàn, đã tìm kiếm và ký thỏa thuận hợp tác với một số cơ sở xay xát, chế biến gạo của các DN tại An Giang, Long An, Đồng Tháp.

Làm việc tại tỉnh Đồng Tháp, góp ý với các DN xuất khẩu gạo, ông Lưu Anh, Ủy viên Hiệp hội Lương thực Trung Quốc cho rằng DN hai bên cần có thêm nhiều cuộc kết nối giao thương, xúc tiến thương mại để gỡ bỏ những khúc mắc. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh xuất khẩu qua thương mại điện tử bởi đây là xu thế chung. Hơn thế, để thuận lợi hơn trong đưa sản phẩm tiếp cận với người dân, DN Việt nên chú ý xuất khẩu gạo đóng gói hút chân không với trọng lượng từ 5-25 kg.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), các chương trình xúc tiến thương mại là cơ hội để tuyên truyền những tiến bộ về chất lượng gạo Việt Nam, tiềm năng về sản xuất cũng như giới thiệu cơ sở vật chất, khả năng đáp ứng nhu cầu của các DN Việt, qua đó, giúp nâng cao nhận thức, đánh giá của các DN Trung Quốc về hoạt động sản xuất, chế biến gạo của Việt Nam.

Tuy vậy, nhiều chuyên gia kinh tế cũng cảnh báo các DN Việt cần phải chú trọng chất lượng gạo để có thể tìm kiếm mở rộng thị trường, không lệ thuộc vào thị trường truyền thống Trung Quốc. Có thể xem một ví dụ điển hình là Campuchia. Mặc dù đi sau Việt Nam về sản xuất và xuất khẩu gạo, nhưng nước này đã có gạo thơm Phka Romdoul nổi tiếng, thâm nhập tốt vào các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Nhật. Còn Việt Nam vẫn chưa chọn ra được giống lúa tốt làm chủ lực nên đang xuất khẩu rất nhiều loại gạo khác nhau, dẫn đến hạn chế về mặt thương hiệu và khả năng cạnh tranh.

Ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết trong thời gian tới, Trung Quốc sẽ lại tăng cường nhập khẩu gạo của Việt Nam. Xuất khẩu gạo đang có dấu hiệu tốt lên. “Tuy vậy, nguồn cung gạo trên thế giới vẫn nhiều, trong khi nhu cầu lại ít cho nên các DN phải thay đổi và chú trọng về chất lượng sản phẩm hơn”, ông Kiên nói.

Minh Lâm

Tin đọc nhiều