Phải đảm bảo công bằng và hợp lý

13:00 | 12/07/2019

Việc thực thi đầy đủ chính sách BHXH nhằm đảm bảo công bằng giữa lao động trong nước và nước ngoài

Phấn đấu hết 2019 đạt 450.000 người tham gia BHXH tự nguyện
Doanh nghiệp nợ BHXH: Có thể khởi kiện nhưng vẫn… vướng!

Nghị định số 143/2018/NĐ-CP quy định chi tiết về Bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc dành cho người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam đã được ban hành vào ngày 15/10/2018 và có hiệu lực kể từ ngày 1/12/2018. Ngay từ khi lấy ý kiến đóng góp, các NĐT nước ngoài đã cho rằng việc áp dụng Nghị định 143 sẽ khiến chi phí lao động tăng nhanh, làm giảm sức hút của Việt Nam như là một điểm đến đầu tư hấp dẫn. Đến nay sau một thời gian thực hiện, nhiều NĐT nước ngoài vẫn giữ nguyên quan điểm rằng cần điều chỉnh một số nội dung trong chính sách chung để phù hợp với tình hình thực tế.

phai dam bao cong bang va hop ly
Chính sách đón đầu xu hướng dịch chuyển lao động quốc tế vào Việt Nam ngày càng đông

Chi phí tăng, nặng thủ tục

Ông Brian OReilly, Trưởng nhóm công tác Giáo dục và Đào tạo, Diễn đàn DN Việt Nam (VBF) cho biết, hiện mức đóng BHXH của lao động nước ngoài đang bằng với mức của lao động Việt Nam và VBF kiến nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) điều chỉnh mức đóng sao cho phù hợp. Bởi trên thực tế, ở các công ty nước ngoài, ngoài việc đóng BHXH thì người sử dụng lao động còn đóng bảo hiểm sức khoẻ riêng cho nhân viên. Trong trường hợp các công ty nước ngoài mua bảo hiểm sức khoẻ cho nhân viên để đảm bảo chế độ ưu đãi ở mức cao nhất vì BHXH hay BHYT chỉ chi trả một mức nhất định theo quy định của Nhà nước, thì đề nghị Bộ cân nhắc nhân viên đã có bảo hiểm tự nguyện của công ty sẽ được miễn trừ để tránh lãng phí.

Ngoài ra nhóm công tác của VBF cũng cho rằng, quy định miễn trừ này nên được áp dụng cho người lao động cả trong nước và nước ngoài. Trong trường hợp đó, trách nhiệm thuộc về DN, họ sẽ phải đưa ra chứng từ thể hiện việc đã mua bảo hiểm y tế tự nguyện cho người lao động.

Bà Nguyễn Kim Dung, Giám đốc Pháp chế, Tuân thủ và đối ngoại của Apollo nêu thực tế là việc sử dụng bảo hiểm y tế của lao động nước ngoài là hầu như không xảy ra trong khi DN vẫn phải đóng bảo hiểm này cho người lao động. Vì vậy bà nhấn mạnh, quy định này không đáp ứng được mục tiêu ban đầu khi ban hành bảo hiểm y tế áp dụng cho lao động nước ngoài, chưa kể còn gia tăng thêm chi phí tuân thủ cho DN.

Bên cạnh đó, bà còn đặt ra lo ngại về gánh nặng thủ tục hành chính để hưởng chế độ theo BHXH. Cụ thể là người lao động và người sử dụng lao động phải hoàn thành bộ hồ sơ đầy đủ bao gồm nhiều chứng từ như chứng nhận về việc nghỉ việc tại cơ quan, đơn vị có thẩm quyền. Khi cấp chứng từ y tế, nếu ở bệnh viện công sẽ chỉ có giấy chứng nhận bằng tiếng Việt. Như vậy trong trường hợp người lao động vào cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền và yêu cầu cung cấp dịch vụ bằng tiếng Anh sẽ phải trả mức phí cao hơn. Còn trường hợp người lao động đến các cơ sở có giấy chứng nhận bằng tiếng Anh thì việc dịch sang tiếng Việt sẽ tốn thêm chi phí bởi các cơ quan bảo hiểm không chấp nhận giấy tờ bằng tiếng Anh. Sở dĩ các NĐT nước ngoài lo ngại vấn đề thủ tục hành chính sẽ tạo vướng mắc bởi họ cho rằng có tới 70% bệnh viện, cơ sở y tế được quyền khám chữa bệnh ban đầu không thể cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh bằng tiếng Anh.

Ông Kenji Hachiya, Giám đốc Công ty Tư vấn quản lý quốc tế nêu lên một thực tế khác là trường hợp NĐT cá nhân vào Việt Nam vẫn chưa được quy định rõ ràng trong nghị định. Ông đặt vấn đề nếu NĐT này tự thuê mình coi như người lao động thì cần làm rõ người lao động này có phải đóng BHXH hay không. Nếu không làm rõ vấn đề trên, sau này sẽ xuất hiện vướng mắc khi NĐT cá nhân thực hiện các chính sách, nghĩa vụ khác đối với nhà nước.

Vẫn phải thực thi để đảm bảo công bằng

Hiện nay, việc áp dụng 5 chế độ BHXH đối với lao động nước ngoài đang được tiến hành theo lộ trình từng bước để đảm bảo cho người sử dụng lao động tiếp cận dần và tránh việc gia tăng chi phí lao động một cách đột ngột. Tuy nhiên theo các NĐT, khi đã áp dụng đầy đủ thì tổng chi phí phải đóng đối với người lao động nước ngoài ở Việt Nam sẽ thuộc nhóm cao nhất trong khu vực khi tính đến số lượng các khoản phải đóng, mức đóng cao và phạm vi áp dụng rộng khi không chỉ tính đối với tiền lương mà còn các loại phúc lợi khác.

Tuy nhiên từ phía cơ quan quản lý, ông Trần Hải Nam, Vụ phó Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ LĐ-TB&XH vẫn bảo lưu quan điểm việc thực thi đầy đủ chính sách BHXH nhằm đảm bảo công bằng giữa lao động trong nước và nước ngoài. Xuất phát điểm của chính sách này là từ xu hướng dịch chuyển lao động quốc tế vào Việt Nam ngày càng đông, đồng thời số lượng lao động Việt Nam làm việc tại nước ngoài ngày một tăng, đòi hỏi phải tuân thủ các công ước, hiệp ước quốc tế.

Trả lời ý kiến của VBF về việc nên trao cho người lao động quyền được lựa chọn tham gia BHXH thay vì là nghĩa vụ phải tham gia, ông Nam cho biết, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã khẳng định đây là vấn đề có tính chất bắt buộc. Trong nghĩa vụ tham gia bao gồm quyền và nghĩa vụ của 2 phía người lao động và quỹ bảo hiểm. Theo chính sách áp dụng với lao động Việt Nam là khi phát sinh quan hệ lao động theo hợp đồng thì nghĩa vụ của người sử dụng lao động cũng như người lao động là tham gia BHXH. Vì vậy để đảm bảo tính thống nhất giữa lao động Việt Nam và lao động nước ngoài, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị nên tham gia với tính chất là nghĩa vụ để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

“Khi đưa ra chính sách này, chúng tôi dựa trên nguyên tắc không phân biệt đối xử giữa lao động Việt Nam và nước ngoài. Do đó không thể giảm mức đóng BHXH cho người nước ngoài trong khi lao động người Việt Nam vẫn đóng mức như vậy”, ông nhấn mạnh. Đồng thời ông Nam cũng cho biết, quỹ bảo hiểm Việt Nam là đơn vị hạch toán độc lập, khi quỹ có kết dư, Chính phủ sẽ xem xét giảm mức phí. Ngoài ra, bộ cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu vấn đề liên quan đến mức đóng góp cao làm tăng chi phí cho DN, nếu có điều chỉnh sẽ áp dụng cho cả lao động Việt Nam và nước ngoài.

Ngoài ra, đồng ý với đề xuất của các NĐT nước ngoài, ông Nam cho biết sẽ không có thông tư hướng dẫn vì trong Nghị định 143 không giao quyền cho Bộ ban hành Thông tư. Điều này sẽ đảm bảo cho chính sách được thực hiện thuận lợi, tránh trường hợp phải dẫn chiếu sang nhiều văn bản khác nhau.

Ngọc Khanh

Tin đọc nhiều