Phải liên kết thành chuỗi để phát triển

07:00 | 05/09/2019

“Việc hình thành chuỗi liên kết chặt chẽ sẽ giúp các DN nâng cao năng lực sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước cũng như xuất khẩu”, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khẳng định tại Đại hội lần thứ 2, nhiệm kỳ 2019 - 2024 của Hội đồng DN và Nhà đầu tư tại TP.HCM (HBC).

Doanh nghiệp Việt tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu
Phát triển chuỗi: Yêu cầu tất yếu để Việt Nam thành công
“Khoảng trống” trong chuỗi cung ứng toàn cầu

Theo ông Lộc, kinh tế thế giới đang có những biến động khó lường với các xu hướng thương mại trái ngược nhau. Bên cạnh những quốc gia tích cực mở cửa thị trường, thúc đẩy tự do hóa thương mại, cũng có những nước theo xu hướng bảo hộ, tạo rào cản thương mại để bảo vệ ngành sản xuất trong nước. Do đó, 2-3 năm tới sẽ là giai đoạn khó khăn, đòi hỏi DN phải phát triển từ nội lực và phải có sự chuyển biến.

Trên thực tế, hiện các DN Việt đa phần là quy mô nhỏ, sản xuất manh mún, ít DN có thể tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu và thường gặp bất lợi trong nền kinh tế mở hiện nay, nhất là khi phải cạnh tranh với DN FDI. Chính vì vậy, các DN, nhất là DN thành viên của HBC cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với VCCI để góp ý, hiến kế thúc đẩy thay đổi thể chế để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn nữa cho DN.

phai lien ket thanh chuoi de phat trien
Chỉ có liên kết qua các hiệp hội, cộng đồng DN mới tạo ra sức mạnh tổng hợp

“Chỉ có liên kết qua các hiệp hội, cộng đồng DN mới tạo ra sức mạnh tổng hợp, cùng chia sẻ cơ hội và hỗ trợ nhau vượt qua khó khăn để vươn ra thị trường khu vực và thế giới”, ông Lộc khẳng định.

Cũng về thực trạng hiện nay, ông Trần Bảy, Chủ tịch HBC cho biết, phần lớn các DN quy mô nhỏ thường gặp khó khăn khi cần tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng cho phát triển các dự án sản xuất kinh doanh. Vì vậy trong nhiệm kỳ tới, HBC sẽ chủ động phối hợp với ngân hàng để hỗ trợ tốt hơn nữa các DN hội viên tiếp cận, lựa chọn các nguồn tín dụng phù hợp; tích cực liên kết, hợp tác với các chuyên gia có kinh nghiệm tổ chức tập huấn cho DN nhỏ kỹ năng lập dự án đầu tư và các thủ tục cần thiết khi vay vốn..

Để phát triển lớn mạnh, đại diện các DN cũng cho rằng cần phải có những hỗ trợ về cải cách thể chế. Qua đó có thể tháo gỡ các rào cản gây trở ngại hoạt động kinh doanh để có thể tận dụng cơ hội, giảm thiểu rủi ro.

Dẫn chứng những “rào cản” khiến DN khó phát triển, ông Phạm Ngọc Hưng - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM đưa ra vấn đề mà nhiều người vẫn nhắc đi nhắc lại đó là việc thanh tra, kiểm tra DN. Theo Nghị quyết 35 năm 2016 của Chính phủ quy định, thì mỗi năm các cơ quan chức năng chỉ được thanh, kiểm tra DN một lần nhưng thực tế, trong 2 tháng qua, một DN sản xuất bánh trung thu nổi tiếng tại TP.HCM đã phải tiếp đến 3 đoàn kiểm tra, khiến họ rất bức xúc. Cũng như vậy, ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương, bày tỏ quan ngại về thực trạng chồng chéo văn bản luật vốn tồn tại nhiều năm nay.

Trong khi đó, ông Lê Quốc Phong, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết, mặc dù các chính sách, hay luật trước khi ban hành đều lấy ý kiến và DN cũng có góp ý, nhưng khi ra đời, hầu như những “bất hợp lý” mà DN góp ý vẫn còn. Chính điều này sẽ khiến DN e ngại khi phản hồi đóng góp ý kiến vào chính sách.

Ngọc Hậu

Tin đọc nhiều