Phải nỗ lực đổi mới để phát triển

09:12 | 19/06/2019

Mức độ năng động của DN phụ thuộc vào chất lượng môi trường pháp lý

Cơ hội luôn mở với DN mạnh dạn đổi mới
Cần tăng cường đổi mới công nghệ
Sản phẩm công nghiệp chủ lực: Đổi mới khoa học, công nghệ để thúc đẩy sản xuất

Hòa mình trong xu thế thời đại

Phát biểu tại Diễn đàn Đổi mới và Phát triển DN do Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh (BCSI) tổ chức ngày 18/6, PGS.TS. Nguyễn Văn Nam-Chủ tịch Hội đồng BCSI nhấn mạnh: “Phát triển DN là yếu tố quyết định để phát triển kinh tế đất nước. Đây là điểm “không thể khác được” và nước nào cũng phải vậy. Cùng với đó, muốn đi tắt, đón đầu hay đuổi kịp thì dứt khoát phải đổi mới sáng tạo và tận dụng thời cơ đó để vượt lên”.

phai no luc doi moi de phat trien
Quang cảnh hội thảo

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Hoa Cương – Phó Cục trưởng Cục Phát triển DN – Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, phát triển DN là yếu tố sống còn đối với hiệu quả hoạt động, tạo công ăn việc làm và thịnh vượng trong mỗi nền kinh tế. “Mức độ năng động của khu vực DN phụ thuộc vào chất lượng môi trường pháp lý. Các quy định thực sự có chất lượng, hiệu quả sẽ giúp DN tiết kiệm chi phí, giúp DN tham gia thị trường một cách công bằng. Như vậy, chắc chắn sẽ góp phần đáng kể vào tiềm năng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam”, ông Cương nói.

Trong chặng đường phát triển, Nhà nước và Chính phủ đã rất quan tâm và không ngừng cải thiện môi trường pháp lý. Quốc hội, Chính phủ đã ban hành rất nhiều chính sách nhằm hỗ trợ phát triển DN. Luật DN năm 2000 là một dấu mốc quan trọng trong quá trình này, nhờ đó mà các DN đã phát triển nhanh chóng với số DN hoạt động đã tăng hơn 13,3 lần trong giai đoạn 2000-2015.

Tính đến năm 2018, tổng số DN đã đạt hơn 700.000, đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP, tạo ra nhiều của cải, vật chất, việc làm. Lực lượng DN đã có vị trí và đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2018 cũng ghi nhận là năm có số lượng DN thành lập mới và số vốn đạt cao nhất trong lịch sử (với 131.000 DN thành lập mới và số vốn đăng ký đạt trên 1.478 tỷ đồng) và con số này sẽ tiếp tục tăng cao trong năm 2019. Đây là những tín hiệu cho thấy niềm tin ngày càng lớn vào môi trường đầu tư kinh doanh.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng phải thừa nhận rằng còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác hết. Hầu hết các DN trong nước còn có quy mô nhỏ, năng lực sản xuất, cạnh tranh trong môi trường toàn cầu, khu vực và trong nước còn hạn chế. Hoạt động cải cách chính sách vì thế cần phải được thực hiện mạnh mẽ hơn nữa để khu vực DN tư nhân trở thành động lực chính nhằm tăng năng suất lao động và tăng trưởng kinh tế.

Điều này đòi hỏi phải tiếp tục nỗ lực để loại bỏ những trở ngại cho DN tư nhân. Song song với đó, cải cách DNNN cần tập trung vào việc áp dụng thông lệ quốc tế tốt nhất trong quản trị DN, đồng thời thúc đẩy cổ phần hoá và thoái vốn. Thu hút vốn FDI cũng cần chuyển từ số lượng sang chất lượng, tập trung vào đầu tư công nghệ cao và giá trị gia tăng lớn hơn, chú ý thắt chặt hơn mối liên kết giữa các DN trong và ngoài nước. Điều này cũng sẽ giúp khu vực tư nhân trong nước tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Việt Nam đang được đánh giá là một trong những quốc gia có tiềm năng lớn để phát triển nền kinh tế số khi nhìn vào quy mô dân số, số người người dùng internet, thuê bao di động, sự phát triển của các DN đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số... Nhưng bên cạnh các cơ hội, thuận lợi, thì nền kinh tế số cũng tạo ra những thách thức không nhỏ với các DN.

Trong đó đáng lưu ý là về thị trường, do nhiều DN nước ngoài lớn đã có mặt trong nền kinh tế Việt Nam nên tầm ảnh hưởng trong xã hội hiện nay rất lớn. Nếu không thể nắm bắt được và hòa mình vào xu thế thời đại này, DN Việt Nam có khả năng thua cuộc trên chính sân nhà. Bên cạnh đó, khả năng thích ứng với nền kinh tế số của DN Việt Nam nói chung còn hạn chế, nhất là DNNVV.

Làn sóng thứ nhất của khởi nghiệp

Khả năng đổi mới sáng tạo, sự am hiểu về tính an toàn và bảo mật thông tin cá nhân, khả năng đầu tư cải tiến công nghệ và giải quyết các vấn đề liên quan an toàn mạng, yếu kém trong dịch vụ kho vận… đang là những thách thức trực diện đặt ra với các DN.

TS. Nguyễn Quân – nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, hiện là Chủ tịch Hiệp hội Tự động hóa Việt Nam cho rằng: “Cách mạng công nghệ hiện nay tác động mạnh mẽ, toàn diện đến kinh tế - xã hội, và tất cả các ngành, lĩnh vực với tốc độ, công nghệ đột phá chưa từng có. Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới nên tất nhiên không nằm ngoài quá trình đó. Bởi vậy, Nhà nước cần quan tâm hơn nữa để thúc đẩy thương mại hóa công nghệ và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”.

Đề cập cụ thể hơn đến vấn đề này, TS. Nguyễn Quân nêu ra vấn đề cần quan tâm, gồm: Phát triển DN khởi nguồn (DN spin-off) của các viện nghiên cứu, trường đại học; Đầu tư mạo hiểm và quỹ đầu tư khởi nghiệp; Tổ chức dịch vụ trong hệ sinh thái khởi nghiệp. DN spin-off do các nhà khoa học, sinh viên ở các viện, nhà trường trong quá trình nghiên cứu, đào tạo có thể tạo ra công nghệ mới, giải pháp mới và thành lập DN để gọi vốn, hoàn thiện công nghệ và sản phẩm, sau đó chuyển nhượng cho tổ chức, cá nhân có nguồn lực đầu tư lớn kinh doanh phát triển sản phẩm.

Nói cách khác, phát triển DN spin-off là “làn sóng thứ nhất” của trào lưu khởi nghiệp và là nguồn chủ yếu của DN start-up. Để thúc đẩy phát triển các DN loại này, cần có chính sách phù hợp khuyến khích các viện nghiên cứu, trường đại học thương mại hóa kết quả nghiên cứu và tạo nguồn DN start-up cho thị trường, cũng như nhận đặt hàng từ các DN công nghiệp.

Về đầu tư mạo hiểm, mặc dù đã có các luật và nghị định liên quan như Luật Công nghệ cao 2008; Luật Hỗ trợ DNNVV 2017; Nghị định 38/2018/NĐ-CP; Đề án 844… nhưng như vậy vẫn chưa đầy đủ. Để thúc đẩy hoạt động này, TS. Nguyễn Quân cho rằng Nhà nước cần thí điểm thành lập và vận hành quỹ đầu tư mạo hiểm công nghệ cao theo quy định của Luật Công nghệ cao 2008 và theo mô hình thành công của nước ngoài. Sau đó, tổ chức tổng kết, đánh giá và xây dựng Nghị định về đầu tư mạo hiểm và quỹ đầu tư khởi nghiệp (thay thế Nghị định 38/2018/NĐ-CP) và có thể thoái vốn nhà nước ra khỏi Quỹ thí điểm. Đồng thời, hỗ trợ tư nhân đầu tư thiên thần và thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm, cũng như có quy định tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư và quỹ đầu tư nước ngoài đầu tư vào các DN start-up Việt Nam.

Đỗ Lê

Tin đọc nhiều