Phân bón tìm đường cạnh tranh

08:55 | 16/06/2017

Kỳ vọng phát triển của các công ty phân bón thêm tích cực với việc Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đưa sản phẩm vào diện chịu thuế GTGT 0% để tạo điều kiện cho các DN trong nước phát triển. 

Triển vọng ngành phân bón năm 2017
Chính sách thuế đối với ngành phân bón: Nhiều chuyển động
Siết lại thị trường phân bón

Tính đến cuối năm 2016, 100% phân kali tiêu thụ trong nước phải nhập khẩu; phân DAP trong nước chỉ đáp ứng 30-35% nhu cầu thị trường; riêng NPK các DN trong nước đáp ứng được 92% nhu cầu. Những con số này đã phản ánh phần nào sức ép cạnh tranh của ngành phân bón hiện nay.

Năm ngoái, Trung Quốc tiếp tục là thị trường chủ lực cung cấp tới gần một nửa tổng lượng phân bón nhập khẩu cho Việt Nam (chiếm tới 1,9 triệu tấn trị giá 467,7 triệu USD trong năm 2016). Trong khi đó, các “đối thủ” từ Philippines, Nhật Bản và các nước Trung Đông với lợi thế giá nguyên liệu thấp đang gia tăng sức ép. Nhưng sang năm 2017, đối thủ cạnh tranh có thể không chỉ là các nước kể trên.

phan bon tim duong canh tranh
Ảnh minh họa

Theo các chuyên gia, năm 2017, khi thực thi các điều khoản của FTA đã ký giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu (gồm các nước Armenia, Belarus, Kazakhstan, Nga, và Kyrgyzstan), Việt Nam sẽ phải xóa bỏ ngay thuế nhập khẩu phân DAP, Ure, SA và một số loại khác. Riêng đối với phân NPK sẽ theo lộ trình 10 năm, song đây là mặt hàng chịu tác động mạnh nhất do mức thuế theo hiệp định thấp hơn mức áp dụng trước đây. Với mức thuế này, sản lượng nhập khẩu NPK có thể gia tăng và tác động tiêu cực đến các DN sản xuất trong nước, khi tỷ trọng nhập khẩu từ khu vực này từng đạt 25-26% trong năm 2015.

Thử thách là thế, song các chuyên gia vẫn chỉ ra những cơ hội của ngành từ diễn biến giá và các chuyển động mới về chính sách, kỳ vọng sẽ giúp bức tranh ngành có những thay đổi tích cực hơn. Ngay với NPK là mặt hàng chịu nhiều áp lực, đặc biệt là từ nhiều dự án được đưa vào sản xuất trong năm 2017, song trong các năm gần đây, nhờ tính tiện lợi của sản phẩm, phân bón NPK được ưa chuộng rộng rãi trong việc chăm bón cho cây trồng. Ngoài ra, việc giá các nguyên liệu đầu vào như Ure, DAP, SA và Kali giảm mạnh trong khi giá NPK biến động ít hơn giúp các DN sản xuất NPK ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan.

Báo cáo của Agrimonitor cho thấy, tuần giao dịch từ 10-16/6/2017, thị trường phân bón Việt Nam vẫn tiếp tục sôi động tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên do nhu cầu gia tăng và đang xảy ra tình trạng khan hàng. Còn tại TP. Hồ Chí Minh, Tây Nam bộ và một số tỉnh, nhu cầu cũng gia tăng nhẹ do lúa vụ 3 bắt đầu xuống giống. Giá Ure sản xuất trong nước nhích nhẹ.

Dự báo hồi đầu năm của Agrimonitor cho thấy thời tiết thuận lợi sẽ giúp nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng phân bón chính (NPK và Ure) tăng 2-5% trong năm 2017. Cùng với đó là tiềm năng thị trường từ hoạt động trồng trọt cả nước đã bắt đầu ghi nhận những tín hiệu tích cực. Dự báo đất canh tác sẽ tăng lên từng năm và có khả năng đạt 15,5 triệu ha vào năm 2018.

Kỳ vọng phát triển của các công ty phân bón thêm tích cực với việc Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đưa sản phẩm vào diện chịu thuế GTGT 0% để tạo điều kiện cho các DN trong nước phát triển. Theo tính toán của CTCK Mê Kông, nếu chính sách được áp dụng trong năm 2017 sẽ góp phần tác động lớn đến lợi nhuận sau thuế của các công ty phân bón.

Ví như lợi nhuận sau thuế do thay đổi thuế VAT của VAF có thể lên đến 22%, SFG là 30%, DPM là 15%, đặc biệt LAS có thể tăng tới 74%. Với BFC, lợi thế đến từ quy mô khi DN này đang thực hiện dự án nâng công suất từ xưởng sản xuất NH3 thêm 90.000 tấn và nhà máy sản xuất NPK công suất 250.000 tấn dự kiến hoàn thành trong quý II này tăng công suất lên 400.000 tấn/năm...

Trong khi đó, trước những ý kiến của các DN phân bón về việc sản phẩm phân bón ngoại gây thiệt hại cho tình hình sản xuất của các DN trong ngành, vào ngày 31/3 vừa qua, Cục Quản lý cạnh tranh đã tiếp nhận hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm phân bón nhập khẩu. Cùng với đó là dự thảo nghị định về quản lý phân bón được xây dựng nhằm thay thế Nghị định 202/NĐ - CP về quản lý phân bón; thay thế các quy định tại Chương IV của Nghị định số 77/2016/NĐ - CP đang được lấy ý kiến để sớm trình Chính phủ.

Nghị định này khi được thông qua và đưa vào thực thi sẽ không chỉ bảo đảm tính kế thừa mà còn hạn chế những tồn tại, giải quyết vướng mắc và đồng bộ với những quy định khác về quản lý phân bón tại Việt Nam, qua đó từng bước góp phần lập lại trật tự thị trường phân bón tránh tình trạng phân bón giả, kém chất lượng ồ ạt tiêu thụ trên thị trường như trong thời gian qua. Ngoài ra, các quy định về điều kiện kinh doanh cũng phải được quy định cụ thể hơn, một mặt để nâng cao chất lượng phân bón, mặt khác cải thiện năng lực cạnh tranh của phân bón sản xuất trong nước, hướng đến xuất khẩu phân bón sang các thị trường phát triển.

Nhất Thanh

Tin đọc nhiều