Phát triển bền vững là con đường duy nhất

12:00 | 11/10/2017

“Điều cần nhấn mạnh, kinh doanh bền vững không chỉ là yêu cầu đạo đức, là trách nhiệm xã hội cũng như không chỉ giúp cho DN trở nên nhân văn hơn, thân thiện hơn với xã hội và môi trường, mà còn mang lại những cơ hội phát triển mạnh mẽ cho chính các DN”.

Phát triển bền vững và cơ hội 12.000 tỷ USD
Giám đốc WB tại Việt Nam đề xuất 4 nguyên tắc để ĐBSCL phát triển bền vững

Phát triển xanh và bền vững

Chia sẻ tại Diễn đàn DN Phát triển bền vững (PTBV) Việt Nam (VCSF) lần thứ IV với chủ đề “Nhân rộng những mô hình kinh doanh giúp giải quyết các thách thức PTBV” do Hội đồng DN vì sự PTBV Việt Nam (VBCSD), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 10/10/2017, TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, để tăng trưởng kinh tế ngày hôm nay không để lại gánh nặng cho con cháu mai sau theo kiểu “đời cha ăn mặn, đời con khát nước”, thì mô thức PTBV, sáng tạo và bao trùm không phải là một lựa chọn mà là con đường duy nhất.

phat trien ben vung la con duong duy nhat
Các đại biểu trao đổi tại diễn đàn

Là một trong 193 quốc gia thành viên Liên Hợp quốc (LHQ) đã thông qua Chương trình Nghị sự 2030 bao gồm 17 Mục tiêu PTBV (SDGs) vào năm 2015, Việt Nam đã cho thế giới thấy tầm nhìn và quyết tâm theo đuổi con đường phát triển xanh vì sự lớn mạnh vững bền trong dài hạn của quốc gia, thay vì phát triển nóng và thiếu đồng bộ. Việt Nam đã và đang hiện thực hóa quyết tâm này bằng những hành động cụ thể.

Minh chứng là trong khuôn khổ Hội nghị các quan chức cấp cao APEC 2017, một trong những sáng kiến quan trọng của Việt Nam được đại biểu các quốc gia APEC đánh giá rất cao là “Diễn đàn phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội”. Phát triển bao trùm cũng là một trọng tâm của Chương trình nghị sự PTBV đến năm 2030 của LHQ, phản ánh nguyên tắc “sẽ không ai bị bỏ lại phía sau”.

Trong nước, năm 2017 đánh dấu năm thứ hai thực hiện Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020; năm thứ ba thực hiện Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Chính phủ, cùng với đó là hàng loạt các giải pháp tháo gỡ khó khăn, rào cản để tạo thuận lợi cho hoạt động của DN.

Hơn lúc nào hết, Chính phủ đang thể hiện rõ quyết tâm trở thành một “Chính phủ kiến tạo”, thực hiện đúng vai trò kiến trúc sư trưởng của nền kinh tế là tạo lập một hệ sinh thái kinh doanh minh bạch, thông thoáng, tạo điều kiện cho khởi sự kinh doanh, phát triển, lớn mạnh của DN.

Nhưng trên hành trình thực hiện, chỉ nỗ lực từ phía Nhà nước là không đủ, mà còn cần các “dấu chân xanh” của DN bởi rõ ràng, mỗi chiến lược, hoạt động kinh doanh của DN đều tạo ra những tác động nhất định đến mọi mặt của đời sống, trên các khía cạnh kinh tế - xã hội - môi trường. Ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú LHQ tại Việt Nam nhận định, Việt Nam là một trong những điển hình thành công về phát triển kinh tế trong giai đoạn vừa qua.

Tuy nhiên, cũng đang phải đối diện với những thách thức đến từ việc tăng trưởng có xu hướng ít bao trùm hơn. Bên cạnh việc cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam thúc đẩy các nỗ lực chung hướng tới đích PTBV, đại diện LHQ cũng chỉ rõ vai trò cốt yếu của DN đối với việc thúc đẩy và nhân rộng các mô hình kinh doanh sáng tạo để thực hiện thành công các Mục tiêu PTBV.

Để đạt được các Mục tiêu đó, cần có sự tham gia tích cực của DN. Nhưng ngược lại, tham gia vào tiến trình này cũng giúp DN thu được những lợi ích không nhỏ. Theo Báo cáo “Kinh doanh tốt hơn, Thế giới tốt hơn – Những cơ hội kinh doanh bền vững tại châu Á” của Ủy ban Kinh doanh và PTBV của LHQ, đến năm 2030, bên cạnh các lợi ích về xã hội và môi trường, PTBV có thể tạo ra một thị trường kinh doanh trị giá 5 nghìn tỷ USD cho khu vực, đồng thời đem lại thêm 230 triệu việc làm mới cho thị trường lao động châu Á.

Và nếu cộng đồng DN tại Việt Nam có thể tận dụng những cơ hội này, sẽ xây dựng thành công nền kinh tế thịnh vượng, vững bền, đóng góp vào sự phát triển phồn vinh của quốc gia.

Động lực cho kinh doanh

Tại Diễn đàn VCSF lần này, đại diện các DN hàng đầu của Việt Nam và quốc tế như Bảo Việt, Heineken, Unilever, Coca-Cola, SCG, Pepsico, Vingroup… đã mang đến những kinh nghiệm, bài học thực tế cũng như các thông lệ tốt tại DN trong việc thực hiện các sáng kiến, triển khai những mô hình kinh doanh mới hướng đến PTBV.

Ông Trần Vũ Hoài, Phó Chủ tịch phụ trách PTBV và Đối ngoại, Công ty Unilever Việt Nam cho biết từ năm 2010, Tập đoàn Unilever đã triển khai “Kế hoạch PTBV” và được xác định là trọng tâm và kim chỉ nam trong mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.

Kết quả cho thấy, phương thức này mang lại hiệu quả với bằng chứng là 18 Nhãn hàng Bền vững đã có mức tăng trưởng nhanh hơn 50% so với các nhãn hàng còn lại, và chiếm tới 60% tổng doanh số của tập đoàn. Kể từ khi triển khai kế hoạch PTBV, Unilever đã giúp hàng trăm triệu người trên thế giới cải thiện về vệ sinh, sức khỏe và điều kiện sống.

Tại Việt Nam, Unilever cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2020 sẽ giúp cải thiện sức khỏe và điều kiện sống cho 20 triệu người; giảm một nửa các tác động đến môi trường (liên quan đến sản xuất và sử dụng các sản phẩm của Unilever) thông qua các trọng tâm như phát triển ngày các nhiều các Nhãn hàng Bền vững; áp dụng các mô hình kinh doanh mới để tạo điều kiện cho phụ nữ; hướng đến không có chất thải ra tự nhiên và giảm thiểu tác động khác đến môi trường…

“Các kết quả tích cực mà mô hình tích hợp này đạt được ở Unilever đã cho thấy, hướng đến các mục tiêu PTBV chính là động lực cho tăng trưởng”, ông Hoài nhấn mạnh.

Theo ông Leo Evers, Tổng giám đốc Điều hành Heineken Việt Nam, DN này đã áp dụng thành công mô hình kinh tế tuần hoàn, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo cũng như tăng tỷ lệ tái chế và tái sử dụng hướng tới hoạt động không thải trong tương lai gần. Hiện 4/6 nhà máy của Heineken Việt Nam đã nấu bia bằng 100% năng lượng sinh khối, và tới 99% phụ phẩm và phế liệu của Heineken Việt Nam được tái chế hoặc tái sử dụng.

Heineken Việt Nam cũng không ngừng giảm thiểu lượng nước tiêu thụ trong sản xuất và quản lý nước thải. Năm 2016, Heineken Việt Nam đã giảm được gần một nửa lượng nước tiêu thụ so với năm 2008. Nước thải tại các nhà máy luôn đảm bảo tuân thủ và vượt trên các quy định hiện hành, có thể tái sử dụng để trồng cây và nuôi cá.

Theo TS. Vũ Tiến Lộc, nếu có một đội ngũ doanh nhân biết làm giàu bằng cách phụng sự xã hội, một lực lượng kinh doanh sáng tạo, nhân văn, sẽ có được sự phát triển bền vững. Và điều này đặc biệt cần trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập, nền kinh tế số và cuộc CMCN 4.0 hiện nay, khi một DN siêu nhỏ, hay bất cứ một hộ gia đình kinh doanh ở Việt Nam nào cũng có thể dễ dàng kết nối nối với thị trường người tiêu dùng toàn cầu nhờ công nghệ.

“Điều cần nhấn mạnh, kinh doanh bền vững không chỉ là yêu cầu đạo đức, là trách nhiệm xã hội cũng như không chỉ giúp cho DN trở nên nhân văn hơn, thân thiện hơn với xã hội và môi trường, mà còn mang lại những cơ hội phát triển mạnh mẽ cho chính các DN”.

Đỗ Lê

Tin đọc nhiều