Phát triển công nghiệp hỗ trợ Hà Nội: Cần một điểm tựa

16:03 | 21/03/2018

Theo số liệu Hiệp hội DN ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội, Việt Nam hiện chỉ có khoảng 0,3% trong tổng số gần 500 nghìn DN tham gia vào sản xuất chế tạo cho ngành công nghiệp hỗ trợ, và cũng chỉ dừng ở gia công chế tạo các sản phẩm đơn giản, giá trị gia tăng thấp... 

Doanh nghiệp điện tử tìm cơ hội vào chuỗi
Đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ

Chính sách chưa sát thực tế

Đến nay, tỷ lệ nội địa hóa của ngành chế tạo ô tô chỉ đạt 5-20%; ngành điện tử 5-10%; ngành da giày khoảng 30%... Đây thực sự là con số đáng báo động khi so sánh với cộng đồng DN công nghiệp hỗ trợ tại một số nước ngay trong khối ASEAN.

phat trien cong nghiep ho tro ha noi can mot diem tua
Cần có chính sách hỗ trợ các DN để tham gia sâu hơn vào ngành công nghiệp hỗ trợ

Khi nói về ngành công nghiệp này, nhiều ý kiến cho rằng, sự phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ hiện vẫn nặng về khai thác tài nguyên, gia công sản phẩm cho đối tác nước ngoài. Ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc CTCP Sản xuất nhãn mác và phụ liệu dệt may Thanh Hà (quận Tây Hồ) cho biết, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng điện thoại, điện tử, máy tính, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, hàng dệt may... hàng năm đem về cả trăm tỷ USD, nhưng giá trị gia tăng rất thấp do công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển.

Ông Bùi Văn Chí – Giám đốc đại diện CTCP Kỹ Thuật Temas cho hay, khó khăn của DN Việt Nam trong việc phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ thì rất nhiều. Trong đó, phải kể đến việc thiếu chủ trương, chính sách cụ thể cho việc phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ của nhà nước cho các DN đặc biệt là DN trách nhiệm hữu hạn. Mặt khác, DN Việt cũng thiếu nhiều thông tin về thị trường, đối tác, đặc biệt là thiếu vốn để đầu tư trang thiết bị phục vụ cho phát triển từ ý tưởng đến sản xuất.

Theo các chuyên gia, các chính sách hiện hành cho phát triển công nghiệp hỗ trợ mới chỉ tập trung hỗ trợ tiền thuê đất, giảm thuế thu nhập DN, hướng dẫn DN tiếp cận nguồn vốn... Những quy định tạo sự gắn kết giữa DN và cơ quan nhà nước còn thiếu. Chính sách, mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp sản xuất nguyên liệu, vật liệu, linh kiện và phụ tùng để cung cấp cho sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh chưa rõ ràng, chưa có trọng tâm, trọng điểm. Ngoài ra, dù chính sách về đất đai đã cởi mở, thông thoáng hơn nhưng thủ tục hành chính còn phức tạp, nhiêu khê.

Một vấn đề nữa phải kể đến đối với ngành công nghiệp hỗ trợ đó là nguồn nhân lực có trình độ và kỹ năng chuyên môn, đây là điều quyết định nhưng ở Việt Nam vấn đề này lại đang bị bỏ ngỏ.

Tạo lực đẩy cho DN

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng - Chủ tịch Hiệp hội DN ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội cho biết, DN trong nước cần chú trọng đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh, tìm hướng tiếp cận các DN, tập đoàn đa quốc gia để tìm hiểu yêu cầu của đối tác và “đầu ra” cho sản phẩm. Để làm được việc này, rất cần có các chương trình xúc tiến, trong đó chính quyền vừa là cầu nối, vừa là cơ quan giám sát việc thực hiện quá trình kết nối...

Để thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội phát triển, UBND TP. Hà Nội cũng đã phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2017-2020, định hướng 2025. Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2020, sẽ có 900 DN chuyên sâu trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, trong đó, 40% DN có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt chuẩn quốc tế, đủ năng lực cung ứng tham gia vào mạng sản xuất toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia.

Trong đó, UBND thành phố sẽ tập trung hỗ trợ các DN, kết nối DN Việt Nam với DN nước ngoài; thu hút, kêu gọi DN quốc tế đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ, qua đó hỗ trợ DN Việt Nam trong việc quản lý, quản trị, phát triển nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ.

Đồng thời, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư để tạo điều kiện phát triển cho các DN công nghiệp hỗ trợ. UBND thành phố cũng sẽ kiến nghị với Chính phủ cho phép ban hành những chính sách đặc thù phù hợp, tận dụng được tiềm năng phát triển của Thủ đô.

Ông Lê Hồng Thăng - Giám đốc Sở Công thương Hà Nội chia sẻ, ngành Công thương sẽ tiếp tục đồng hành cùng DN trong đổi mới công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất, chủ động tham gia và tận dụng thành quả của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để nâng cao năng suất lao động, phát triển các ngành công nghiệp mới có lợi thế.

Còn theo ông Nguyễn Hoàng, để công nghiệp hỗ trợ Hà Nội đủ sức tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, rất cần có các chương trình xúc tiến, trong đó chính quyền vừa là cầu nối hỗ trợ, vừa làm nhiệm vụ giám sát DN tiếp cận công nghiệp hỗ trợ quốc tế.

Hải Yến

Tin đọc nhiều