Quản chặt hơn với bán hàng đa cấp

09:16 | 02/01/2019

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) vừa thông tin, sau ngày 1/2/2019, các DN hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh đa cấp trên lãnh thổ Việt Nam, nếu không đáp ứng được các điều kiện kinh doanh như ký quỹ, công bố thông tin… (theo các quy định của Nghị định 40/2018/NĐ-CP của Chính phủ) sẽ bị xem xét thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Công ty Khang Lợi Thái chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp
Cảnh báo huy động vốn theo phương thức đa cấp của Dự án Hoàng Gia
Quản lý chặt hơn kinh doanh đa cấp

Thống kê của Bộ Công thương cho thấy, đến thời điểm giữa tháng 12/2018 mặc dù hầu hết các DN bán hàng đa cấp đã khá chủ động trong việc cập nhật, bổ sung các điều kiện kinh doanh theo những quy định mới tại Nghị định 40, nhưng vẫn còn 6 DN chưa cập nhật các điều kiện đăng ký hoạt động, 14 DN chưa hoàn thành các điều kiện về ký quỹ, về hệ thống công nghệ thông tin quản lý người tham gia, về trang thông tin điện tử và đầu mối liên lạc tiếp nhận thắc mắc, khiếu nại.

quan chat hon voi ban hang da cap
Ảnh minh họa

Nếu những tuyên bố cứng rắn của Bộ Công thương như kể trên được thực hiện nghiêm túc thì trong vòng 2 tháng tới vài chục DN kinh doanh trong lĩnh vực kinh doanh đa cấp, trong đó có những tên tuổi khá nổi tiếng trong dư luận như: CTCP Sen Việt Group, Công ty Homeway, Total Swiss Việt Nam, Yotofo Việt Nam… sẽ vào tầm ngắm bị xem xét cho ngừng hoạt động.

Ghi nhận từ thị trường cho thấy, năm 2018 vừa qua là một năm hoạt động kinh doanh đa cấp tại Việt Nam diễn biến rất sôi động. Tuy nhiên, đi kèm với sự phát triển này, cũng có không ít DN đã cố tình sử dụng các chiêu trò biến tướng để trục lợi phạm pháp và lừa đảo có tổ chức. Đơn cử chỉ trong vòng 9 tháng đầu năm, các cơ quan chức năng của Bộ Công thương và Bộ Công an đã điều tra, xử phạt hàng chục DN trong lĩnh vực bán hàng đa cấp. Trong đó có những vụ tiêu biểu thu hút sự tham gia của hàng triệu người dân trên địa bàn cả nước như: vụ lừa đảo tiền tỷ của các DN đa cấp liên quan đến tiền ảo, tiền điện tử (iFan, Vncoins, Sky Mining), vụ thu hồi giấy phép kinh doanh và phạt 510 triệu đồng với CTCP Greenlife, vụ xử phạt hàng trăm triệu đồng với các công ty Herbalife Việt Nam, Unicity Marketing Việt Nam, Thường Xuân, Thiên Ngọc Minh Uy…

Chính vì những biến tướng của hoạt động kinh doanh đa cấp diễn ra phức tạp nên việc kiểm soát kỹ lưỡng và siết chặt các điều kiện kinh doanh đối với lĩnh vực này nhận được sự đồng tình mạnh mẽ của các bộ, ngành và địa phương.

Từ phía ngành Ngân hàng, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 40, cơ quan quản lý Nhà nước về tiền tệ - hoạt động ngân hàng đã soạn thảo và ban hành Thông tư 29/2018/TT-NHNN hướng dẫn chi tiết về việc xác nhận, quản lý tiền ký quỹ của các DN bán hàng đa cấp. Theo đó, các DN kinh doanh đa cấp bắt buộc phải ký quỹ 5% vốn điều lệ với lượng tiền tối thiểu 10 tỷ đồng. Khoản tiền này được ký quỹ tại các TCTD trong nước để đảm bảo rằng một khi có những rủi ro trong hoạt động DN sẽ có cơ sở xử lý và hạn chế thiệt hại cho khách hàng của mình.

Trong khi đó, đại diện Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) cho biết, trong thời gian tới để thực thi những quy định mới của Nghị định 40, bộ này sẽ thay đổi về quy định cấp giấy phép kinh doanh đối với loại hình bán hàng đa cấp. Cụ thể, giấy phép kinh doanh của các DN sẽ trực tiếp được Bộ Công thương cung cấp và quản lý thay vì giao cho địa phương cấp phép như hiện nay. Ngoài ra, để hạn chế những trường hợp biến tướng, lừa đảo thông qua hình thức kinh doanh đa cấp để huy động, chiếm dụng vốn, Bộ Công thương sẽ nghiêm cấm loại hình kinh doanh đa cấp theo “mô hình kim tự tháp” - vốn là mô hình hàng hóa không đến tay người tiêu dùng, không xuất phát từ sản phẩm mà chủ yếu từ việc đóng phí của người tham gia được yêu cầu phát triển của hệ thống.

Thạch Bình

Tin đọc nhiều