Quản trị tốt để cải cách hiệu quả hơn

08:43 | 02/08/2017

Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường (KTTT) định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) được xem là một trong những đột phá chiến lược nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam. 

Nghị quyết Trung ương 5 về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN
Kinh tế thị trường: Nhìn lại để bước tới

“Luật chơi” tốt

Mặc dù trong khoảng 10 năm trở lại đây, chúng ta nói nhiều đến yêu cầu phải chuyển mạnh sang nền KTTT hơn nữa, song trên thực tế theo đánh giá của Heritage Foundation, chỉ số tự do kinh tế của Việt Nam dù có cải thiện nhưng vẫn hầu như không thay đổi. Việt Nam vẫn chưa thiết lập được một môi trường quản trị quốc gia phù hợp và hiện đại, giúp các nỗ lực cải cách thể chế kinh tế có thể tiến xa hơn, bắt kịp với chuẩn mực thế giới. Do vậy, cải cách thể chế kinh tế sẽ khó thể sâu, rộng và thành công nếu không đi kèm với những nỗ lực cải thiện mạnh mẽ nền quản trị đất nước.

quan tri tot de cai cach hieu qua hon
Cải cách thể chế không chỉ dừng ở việc thiết lập “luật chơi” tốt mà cần quan tâm đến khả năng giám sát thực thi

Theo GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, điều đó cho thấy, “luật chơi” tốt trên giấy tờ tuy cần thiết nhưng không đủ, mà kết quả phát triển thực tế còn phụ thuộc rất nhiều vào quản trị quá trình thực thi. Nói cách khác, tiếp cận quản trị cho thấy, cải cách thể chế không chỉ dừng ở việc thiết lập những tập quán, quy tắc hay “luật chơi” tốt nhất, mà cần quan tâm đến hiệu lực, khả năng thực thi thông qua việc giám sát, phản hồi và điều chỉnh hữu hiệu hành vi (cách chơi) của những chủ thể (người chơi) trong một bối cảnh nhiều rủi ro và thay đổi không ngừng.

Cần “người chơi” và “cách chơi” phù hợp

Liên quan đến “người chơi” là khu vực FDI, khu vực DN trong nước, là nhóm trung lưu đang ngày một nhiều hơn... Sự hiện diện của những “người chơi” này đã, đang và sẽ có những đóng góp tích cực cho nền kinh tế, cho xã hội, nhưng cũng mang lại những “tác dụng phụ” không mong muốn.

Trong khu vực FDI thì đã có những trường hợp chuyển giá (ở một số DN lớn), hiện tượng DN ngừng hoạt động, chủ DN biến mất để lại nhiều khoản nợ không nhỏ. Khu vực tư nhân trong nước cũng đã có sự cạnh tranh không bình đẳng. Đã có hiện tượng các tập đoàn bất động sản lớn hiện là những “người chơi” lớn trong nền kinh tế có ảnh hưởng đến chính sách. DNNVV và hàng triệu hộ kinh doanh… đông về số lượng, chiếm tới 90% số DN cả nước nhưng lại “bé tiếng nói” trong quá trình hình thành “luật chơi”.

Nhóm trung lưu ở Việt Nam đã xuất hiện và đang mở rộng nhanh chóng, cùng đó là khá nhiều bức xúc liên quan đến chất lượng việc làm, thu nhập, chất lượng giáo dục, y tế…. Họ có nhiều mối quan tâm hơn cũng như có nhiều kỹ năng hơn để thể hiện những bức xúc của mình. Sự tương tác của nhóm trung lưu và mạng truyền thông xã hội đã tạo nên những ảnh hưởng ngày một gia tăng đến quá trình tạo ra “luật chơi” cũng như “cách chơi” theo hướng công khai, minh bạch.

Liên quan đến “cách chơi”, việc thiết lập những thể chế KTTT nền tảng là cần thiết song không đủ, Việt Nam cần có những thể chế bổ sung, đặc biệt là những thể chế mang tính vượt trội để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng, rút ngắn khoảng cách phát triển với những nước đi trước.

Mô hình tăng trưởng cũ không đủ giúp nền kinh tế vượt qua “bẫy thu nhập trung bình” và tiến xa hơn bởi các nguồn lực chỉ có hạn. Việc tiếp tục khai thác các dư địa còn lại của mô hình tăng trưởng cũ có thể khiến kinh tế mắc vào “bẫy gia công, lắp ráp” – một nấc thấp hơn “bẫy thu nhập trung bình”.

Việt Nam cần thực hiện một nghị trình “kép”: Vừa hoàn thiện thể chế cơ bản của nền KTTT; vừa thiết lập những thể chế đặc thù cho mô hình tăng trưởng mới, khuyến khích áp dụng công nghệ, nuôi dưỡng đổi mới sáng tạo để không bị tụt lại phía sau trước những thay đổi nhanh chóng của thế giới và quá trình hội nhập.

Trước yêu cầu mới đó, sự phân công và phối hợp giữa các chủ thể ngày càng trở nên quan trọng. Phải làm sao tạo được sự liên kết, phối hợp, hợp tác chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các DN trong các mạng sản xuất, giữa các DN với các trường đại học, viện nghiên cứu và Nhà nước, giữa các DN có năng lực về tài chính và công nghệ với người nông dân và Nhà nước… để những “người chơi”cùng đạt được lợi ích trong dài hạn thay vì lợi dụng nhau để thu ích lợi trong ngắn hạn. Các thể chế cũng cần mang tính dung nạp, tức là không loại trừ một ai, cũng như không ưu ái bất cứ ai trong quá trình xây dựng và thực thi “luật chơi”.

Thực hiện cam kết một cách nhất quán là yêu cầu trọng yếu đối với “cách chơi” của Nhà nước với tư cách vừa là người đặt ra “luật chơi”, vừa là một trong những “người chơi” để đảm bảo tính hiệu lực của thể chế và chính sách. Chính sách hay thay đổi do chất lượng thấp hoặc do “tư duy nhiệm kỳ” làm giảm niềm tin và tính hiệu lực của thể chế. Thúc đẩy một môi trường kinh doanh bình đẳng, tuân thủ kỷ luật thị trường cũng là một phần của yêu cầu thực hiện cam kết nhất quán từ phía Nhà nước, qua đó giúp củng cố lòng tin của thị trường.

Đảm bảo niềm tin của các chủ thể (người chơi) là yếu tố quan trọng để các “luật chơi” có thể được tuân thủ hữu hiệu với sự công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình. Chính sự thiếu minh bạch, thiếu công khai của các quá trình hoạch định và thực thi chính sách, phân bổ nguồn lực quốc gia và trách nhiệm giải trình đã làm suy giảm niềm tin và khiến dư luận ít quan tâm đến những thành công mà chỉ chú ý nhiều đến những hạn chế của quá trình phát triển hiện nay.

"Nâng cao tính minh bạch là chìa khóa giúp Việt Nam nâng cao chất lượng quản trị quốc gia, là điều kiện giúp thực hiện nghiêm túc trách nhiệm giải trình và đảm bảo sự tham gia của người dân vào quá trình thực thi chính sách", GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn nhấn mạnh.

Ông cho rằng, Việt Nam đang có những điều kiện thuận lợi để thực hiện được điều này nhờ chúng ta đã và đang đẩy mạnh hội nhập quốc tế (qua đó có thêm động lực để tiếp tục thúc đẩy cải cách, hoàn thiện thể chế thị trường trong nước theo hướng hiện đại), cùng với đó là những nỗ lực xây dựng và chỉnh đốn Đảng, xây dựng mô hình Nhà nước, Chính phủ theo các chuẩn mực tiến bộ như: liêm chính, kiến tạo phát triển và hành động phục vụ người dân và DN…

Đỗ phạm

Tin đọc nhiều