Ra mắt Tổng công ty Dịch vụ số Viettel: Mục tiêu đạt 26 triệu khách hàng vào 2025

15:18 | 26/06/2019

Ngày 26/6/2019, Tổng công ty Dịch vụ số Viettel - tổng công ty thành viên thứ 8 của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội chính thức được ra mắt. Sự ra đời của Tổng công ty nhằm tạo nền móng cho quá trình chuyển dịch số, thực hiện chiến lược phát triển của Viettel trong giai đoạn mới - giai đoạn Kiến tạo xã hội số.

ra mat tong cong ty dich vu so viettel muc tieu dat 26 trieu khach hang vao 2025

Phát biểu tại lễ ra mắt, ông Lê Đăng Dũng, quyền Chủ tịch Viettel chia sẻ, việc công bố thành lập Tổng công ty Dịch vụ số Viettel thêm một lần nữa khẳng định bước đi mạnh mẽ của Viettel trong chiến lược chuyển đổi số, quyết tâm chuyển mình từ một nhà khai thác viễn thông truyền thống trở thành một nhà cung cấp dịch vụ số. Đồng thời, đây tiếp tục là hành động nhằm hiện thực hoá tầm nhìn mà Viettel đã đặt ra là đưa viễn thông, công nghệ thông tin, ứng dụng số len lỏi vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Tổng công ty Dịch vụ số Viettel được thành lập nhằm cung cấp các giải pháp quan trọng nhất cho toàn bộ hệ sinh thái số, đó là thanh toán số và các dịch vụ tài chính số, tiến tới thương mại điện tử trên nền thanh toán số. Thanh toán số, với hạt nhân là mobile money, được coi là nền tảng quyết định để kiến trúc nền kinh tế số, là cơ sở để bùng nổ các dịch vụ số khác.

“Tổng công ty Dịch vụ số Viettel là mảnh ghép hoàn thiện cho hệ sinh thái số của Viettel, đóng vai trò then chốt trong chiến lược chuyển đổi số Viettel cũng như công cuộc xây dựng kinh tế số Việt Nam”, ông Lê Đăng Dũng cho hay.

Trên thực tế, vai trò của thanh toán số đã được Viettel đánh giá đặc biệt quan trọng và nghiên cứu từ 10 năm trước. Năm 2009, Viettel đã có một đội ngũ nghiên cứu giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt qua mạng di động.

Sản phẩm thanh toán số của Viettel là BankPlus và Viettel Pay liên tục được cải tiến và giành được các giải thưởng trong nước và quốc tế như Giải thưởng Sao Khuê 2011, 2014, 2018 cho lĩnh vực tài chính, ngân hàng và giải pháp thương mại điện tử tiêu biểu; Giải thưởng Dịch vụ ngân hàng tốt nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Banking Innovation Awards 2014; Giải vàng của Giải thưởng Công nghệ thông tin thế giới IT World Awards 2016; Giải thưởng của Liên minh Công nghệ thông tin viễn thông châu Á - Apicta 2018 trong lĩnh vực dịch vụ tài chính và marketing.

Sau 10 năm nghiên cứu, triển khai thử nghiệm hợp tác với các ngân hàng tại Việt Nam, Viettel đã triển khai kinh doanh dịch vụ ví điện tử tại 9 quốc gia trên thế giới. Đến thời điểm này, Viettel tự tin vào năng lực và kinh nghiệm cung cấp những công cụ nền tảng thanh toán hiện đại hàng đầu trên thế giới.

Theo ông Lê Đăng Dũng, nếu lưu thông tiền tệ là mạch máu của nền kinh tế, thì thanh toán số là mạch máu của nền kinh tế số. Với số lượng điện thoại di động ở Việt Nam hiện đã tương đương hơn 100% dân số thì việc triển khai Mobile money có thể thực hiện nhanh chóng trên phạm vi cả nước, tránh được nguy cơ thị trường bị công ty nước ngoài chiếm lĩnh, sớm thực hiện được mục tiêu mà Chính phủ đã đề ra.

Với mục tiêu “Khởi nguồn cuộc sống số”, Tổng công ty Dịch vụ số Viettel được xác định là một công ty công nghệ tập trung trong ba lĩnh vực chính, bao gồm lĩnh vực Tài chính số - kiện toàn hệ sinh thái và ngân hàng số ViettelPay, triển khai thí điểm Mobile Money; lĩnh vực Dịch vụ dữ liệu - tập trung các lĩnh vực tín dụng, bảo hiểm, quảng cáo; Lĩnh vực Thương mại điện tử.

Từ nay tới 2025, Tổng công ty đặt hai mục tiêu trọng tâm lớn: có 26 triệu khách hàng trên hệ sinh thái; phát triển 600.000 điểm chấp nhận thanh toán và cung cấp dịch vụ.

Ông Dũng chia sẻ thêm: Với phương châm ở đâu có sóng viễn thông thì ở đó có hạ tầng và dịch vụ số, chúng tôi sẽ len lỏi vào từng ngõ ngách của cuộc sống, mang tới cho người dân mọi miền Tổ quốc nhiều sinh kế mới, nhiều tiện ích mới trọn vẹn qua chiếc điện thoại di động.

Đặc biệt, phương thức Mobile Money - sử dụng tài khoản viễn thông để thanh toán hàng hóa/dịch vụ có giá trị thấp - sẽ phá bỏ mọi khoảng cách công nghệ, đưa Số là an toàn, là đơn giản tới người dân khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa vốn có ít điều kiện tiếp cận với các dịch vụ tài chính truyền thống. Đây sẽ là chất xúc tác làm bùng nổ cuộc cách mạng số tại Việt Nam.

HS

Tin đọc nhiều