Ra mắt Trung tâm Hòa giải Việt Nam

14:29 | 29/05/2018

Ngày 29/5/2018, tại Hà Nội, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) với sự hỗ trợ của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) tổ chức Lễ ra mắt Trung tâm Hòa giải Việt Nam và Công bố Quy tắc hòa giải.

Giải quyết tranh chấp thương mại bằng hòa giải
Thúc đẩy hoạt động trọng tài và hòa giải nhằm cải thiện môi trường kinh doanh
Tòa án quá tải, trọng tài vắng vẻ

Phát biểu tại buổi lễ, ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch VIAC cho biết, với tư cách là tổ chức giải quyết tranh chấp bên cạnh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cung cấp các dịch vụ giải quyết tranh chấp chất lượng và hiệu quả cho cộng đồng doanh nghiệp và luôn là đơn vị đi tiên phong trong việc quảng bá phương thức hòa giải, đã chủ động xây dựng mới Quy tắc Hoà giải đảm bảo tính tuân thủ Nghị định 22/2017/NĐ-CP và được Bộ Tư pháp bổ sung hoạt động hòa giải.

ra mat trung tam hoa giai viet nam

“Có thể nhận định rằng các doanh nghiệp Việt đang có xu hướng giảm lựa chọn sử dụng Tòa án để giải quyết các tranh chấp của mình và sử dụng các phương thức thay thế khác, trong đó lựa chọn được dùng nhiều là trọng tài thương mại”, ông Trần Hữu Huỳnh cho biết thêm.

Việc ban hành Bộ Luật tố tụng dân sự 2015 và Nghị định 22/2017/NĐ-CP về hòa giải thương mại đã thể chế hóa Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/06/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách ngành tư pháp đến năm 2020, trong đó nhấn mạnh “khuyến khích việc giải quyết một số tranh chấp thông qua thương lượng, hòa giải, trọng tài; tòa án hỗ trợ bằng quyết định công nhận việc giải quyết đó”.

Sau thời gian chuẩn bị với sự đồng hành và hỗ trợ quý báu của IFC và VCCI, Bộ Tư pháp đã ra mắt Trung tâm Hoà giải Việt Nam thuộc Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam và công bố Quy tắc Hoà giải, Quy chế tổ chức và họat động, Biểu phí hòa giải, Danh sách hòa giải viên đợt đầu của Trung tâm Hoà giải Việt Nam (VMC).

VMC sẽ là một trong vài tổ chức đầu tiên tại Việt Nam thực hiện chức năng cung cấp dịch vụ giải quyết tranh chấp thông qua hoà giải theo Quy tắc Hoà giải VMC trên cơ sở Nghị định 22/2017/NĐ-CP.

Cũng trong buổi Lễ, VMC đã công bố danh sách Ban giám đốc cùng với danh sách Hòa giải viên đợt 1 của VMC với nhiều chuyên gia hàng đầu tại Việt Nam trong các lĩnh vực pháp luật và kinh tế.

Ông Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - Giám đốc VMC chia sẻ: “Môi trường kinh doanh không thể nào tốt đẹp được nếu các tranh chấp không xử lý được. Chính vì vậy, việc thành lập Trung tâm hoà giải thương mại Việt Nam là một trong những đóng góp nhỏ bé vào việc cải thiện môi trường kinh doanh Việt Nam nhìn từ góc độ giải quyết tranh chấp thương mại. Tất nhiên giải quyết được đến đâu, hoà giải được đến đâu phụ thuộc rất nhiều vào năng lực và đạo đức của hoà giải viên, tín nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Chúng tôi coi trọng sự liêm chính như vàng, là những giá trị lớn nhất. Ngoài nền tảng đạo đức đó thì kỹ năng để hòa giải là một phần cấu thành rất quan trọng trong năng lực của chúng tôi”.

Theo ông Nguyễn Mạnh Dũng - Phó Giám đốc Trung tâm Hòa giải Việt Nam, bộ Quy tắc VMC được chắp bút bởi Tổ biên tập Quy tắc VMC với sự tham gia nhiệt tình của các chuyên gia hòa giải của IFC thuộc Nhóm Ngân hàng Thế giới giúp đảm bảo thủ tục hòa giải tại VMC sẽ đáp ứng đầy đủ các nguyên tắc của một thủ tục hòa giải điển hình trên thế giới.

Bộ Quy tắc cũng đã được góp ý chi tiết và kỹ lưỡng từ các chuyên gia về các thủ tục tố tụng tại Việt Nam để đảm bảo thủ tục hòa giải của VMC tuân thủ các khuôn khổ của Nghị định 22/2017/NĐ-CP về hòa giải thương mại và có thể vận hành tốt trong thực tiễn tại Việt Nam.

Bộ Quy tắc VMC bao gồm 15 điều, mô tả các trình tự, các bước tiến hành, các hướng dẫn cũng như các nguyên tắc bắt buộc của một thủ tục hòa giải tại VMC. Theo đó, bất cứ bên nào khi có tranh chấp, dù đã có hay chưa có một thỏa thuận hòa giải, nếu mong muốn giải quyết tranh chấp bằng hòa giải, đều có thể theo các hướng dẫn tại Điều 3: Bắt đầu hòa giải khi có thỏa thuận hòa giải và Điều 4: Bắt đầu hòa giải khi chưa có thỏa thuận hòa giải.

Ngoài ra, Quy tắc VMC cũng có quy định rõ về vai trò của VMC trong việc điều phối, hỗ trợ và thúc đẩy thủ tục hòa giải (Điều 4, Điều 8 Quy tắc VMC) để đảm bảo rằng các thủ tục hòa giải được vận hành tuân thủ pháp luật, linh hoạt, thân thiện, hiệu quả và mang lại sự hài lòng cho doanh nghiệp sử dụng dịch vụ hòa giải tại VMC.

PV

Tin đọc nhiều