Sản phẩm công nghiệp chủ lực: Đổi mới khoa học, công nghệ để thúc đẩy sản xuất

09:38 | 20/05/2019

TP.HCM đang triển khai chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực. Các chuyên gia cho rằng để làm được điều này, DN phải đổi mới về khoa học, công nghệ và chính quyền thành phố phải có những chính sách hỗ trợ nhất định để thúc đẩy.

Sở Công thương và Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cùng các nhà nghiên cứu vừa có buổi làm việc để đưa các giải pháp thúc đẩy phát triển nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực của thành phố.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc thành phố xây dựng được các nhóm sản phẩm chủ lực sẽ góp phần đưa nền kinh tế phát triển sâu rộng hơn, phát huy được tiềm năng sản xuất trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, để các sản phẩm chủ lực của thành phố có sức mạnh và “quyền lực” riêng, các DN và chính quyền thành phố cần định hướng phát triển các sản phẩm theo chiều sâu về chất lượng và tổ chức giao thương, mở rộng thị trường… một cách chuyên nghiệp.

san pham cong nghiep chu luc doi moi khoa hoc cong nghe de thuc day san xuat
Cần định hướng phát triển các sản phẩm theo chiều sâu về chất lượng và tổ chức giao thương, mở rộng thị trường một cách chuyên nghiệp

Hiện tại, TP.HCM đã xác định 7 nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực trong giai đoạn 2018 - 2020. Đó là các nhóm sản phẩm từ kim loại đúc sẵn; sản phẩm thiết bị điện; sản phẩm từ nhựa, cao su; sản phẩm thực phẩm chế biến; sản phẩm đồ uống; sản phẩm điện tử - công nghệ thông tin; sản phẩm trang phục may sẵn. Cùng với đó là nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng là sản phẩm thuốc, hóa dược và dược liệu.

Theo đánh giá của Sở Công thương TP.HCM, những sản phẩm chủ lực tiêu biểu này đều có tính ưu việt, có giá trị gia tăng cao, có thiết kế sáng tạo, với hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, được sản xuất bằng công nghệ tiên tiến, đáp ứng được nhu cầu thị trường trong và ngoài nước, đủ sức để cạnh tranh với các sản phẩm ngoại nhập.

Để thực hiện được điều này, TP.HCM đã tăng cường hoạt động đổi mới sáng tạo trong DN; chú trọng vào cơ chế xây dựng mối liên kết giữa DN và đơn vị nghiên cứu. Mục tiêu là đạt tiêu chuẩn chất lượng, đáp ứng nhu cầu hội nhập.

Ông Nguyễn Kỳ Phùng, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP. HCM cho biết, tính đến nay, thành phố đã có nhiều gói chính sách hỗ trợ chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực. Trong đó có thể kể đến các hỗ trợ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, thương mại hóa sản phẩm từ kết quả nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, ươm tạo dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo…

Lãnh đạo TP.HCM cho biết, sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính khi các DN thực hiện các dự án đầu tư, mở rộng sản xuất; trong đó ưu tiên bố trí quỹ đất công nghiệp cho DN đầu tư mở rộng sản xuất nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng. DN sẽ được hưởng chính sách ưu đãi trong các chương trình kích cầu đầu tư của thành phố; được hỗ trợ tham gia chương trình kết nối ngân hàng - DN trên địa bàn thành phố...

Hiện nay, UBND TP.HCM đang có nhiều chính sách hỗ trợ các DN về mặt bằng, cơ chế vốn, khoa học - công nghệ, đào tạo nhân lực, xúc tiến thương mại và phát triển thương hiệu; thủ tục hành chính về thuế, hải quan… Các DN được tham gia Chương trình hỗ trợ DNNVV đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn 2016 - 2020 và Chương trình thúc đẩy phát triển thị trường khoa học và công nghệ thành phố giai đoạn 2016 - 2020. Thành phố cũng tập trung hỗ trợ đào tạo, tư vấn giúp các DN nâng cao năng lực về quản lý chất lượng, đổi mới sáng tạo, quản lý năng lượng, sở hữu trí tuệ; hỗ trợ giải quyết tranh chấp và xác lập quyền nhãn hiệu của các nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng; hỗ trợ DN đáp ứng các điều kiện để được cấp giấy chứng nhận DN khoa học và công nghệ, DN công nghệ cao, DN ứng dụng công nghệ cao…

Góp ý thêm giải pháp để phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực, ông Phùng cho rằng các nhà quản lý, DN và nhà khoa học cần “ngồi lại với nhau” và chia sẻ thẳng thắn những quan điểm thiết thực để cùng tạo ra sự hợp tác mới. Cùng với đó, cần ký kết thỏa thuận hợp tác giữa các DN và đơn vị nghiên cứu nhằm hình thành và thực hiện chương trình nghiên cứu khoa học - công nghệ; Hỗ trợ hình thành các sản phẩm công nghiệp chủ lực và nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng của thành phố như: cơ khí, công nghệ thông tin, thực phẩm, hóa dược.

Tiên phong cho việc hợp tác này, Sở Khoa học Công nghệ và Sở Công thương TP. HCM đã kết nối với Trung tâm nghiên cứu thiết bị và Công nghệ cơ khí Bách khoa ký kết hợp tác với Công ty trách nhiệm hữu hạn Industrial Automation Advisor để phát triển sản phẩm máy móc thiết bị, dây chuyền chế biến thuỷ sản. Bên cạnh đó, Trung tâm hệ thống thông tin địa lý TP. HCM cũng đã ký kết với Công ty cổ phần công nghệ Nam Long, phát triển hệ thống IoT (Internet vạn vật) quan trắc ngập úng…

Hơn thế, để phát triển các sản phẩm công nghiệp chủ lực, Sở Công thương TP.HCM cũng sẽ thường xuyên gặp gỡ và tiếp xúc với DN có sản phẩm chủ lực để lắng nghe những khó khăn và tìm giải pháp tháo gỡ cho DN.

Thậm chí, Giám đốc Sở Công thương TP.HCM Phạm Thành Kiên đã cam kết sẽ hỗ trợ DN kết nối với các ngân hàng trong việc vay vốn mở rộng sản xuất. Đồng thời, sẽ hỗ trợ DN đào tạo nhân lực, xúc tiến thương mại cũng như giới thiệu sản phẩm của doanh nghiệp thông qua các buổi giới thiệu sản phẩm ở thị trường Hàn Quốc, Thái Lan...

Minh Lâm

Tin đọc nhiều