Sau Tết, DN “khát” công nhân

08:27 | 22/02/2016

Những ngày đầu năm mới, dạo một vòng qua các Khu công nghiệp ở Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, đi đến đâu cũng thấy bảng màu đỏ trước cổng công ty, xí nghiệp với nội dung khá giống nhau “tuyển gấp lao động phổ thông”. 

Có thể kể đến vài trường hợp như: Công ty thời trang D&Q (Quận Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh), tuyển gấp 100 công nhân may hàng thời trang; Công ty TNHH Dệt may Thái Dương BRO Việt Nam tuyển gấp công nhân may số lượng lớn; Công ty Xuất nhập khẩu Duy Phát tuyển 50 lao động phổ thông khuôn mẫu ngành nhựa….

sau tet dn khat cong nhan
Các DN phải coi người lao động là nguồn vốn quý giá nhất

Đại diện phòng kế toán Công ty Sung Hyun Vina (DN 100% vốn Hàn Quốc) đóng tại KCN Bình Đường (Dĩ An, Bình Dương) cho biết, do nhu cầu tuyển dụng lao động lên đến vài trăm công nhân, DN sẽ tặng ngay 100 ngàn đồng/công nhân để nhằm “giữ chân” công nhân cũ, cũng như lôi kéo thêm công nhân mới.

Trong khi đó, một số DN tại KCN Sóng Thần đang có chính sách “thưởng nóng” cho những công nhân đang làm việc ở công ty nếu như giới thiệu được công nhân mới vào làm việc.

Đối với DN trong nước, do khả năng chi trả lương cho công nhân không được cạnh tranh bằng các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), nên đã phải có kế hoạch tuyển dụng lao động từ trước Tết.

Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Giày Vinh Thông (DN có 2 nhà máy, một ở KCN Tân Bình với 400 công nhân và nhà máy ở Cần Thơ với 200 công nhân), cho biết, hiện Công ty Vinh Thông mới có khoảng 90% công nhân trở lại làm việc. Điều này phần nào ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất của công ty.

Nhìn lại các năm qua, ông Tuấn rút ra rằng, so với các năm, sự thiếu hụt công nhân sau Tết tương đương nhau. “Năm nào cũng xảy ra tình trạng này, nên chúng tôi phải có kế hoạch tuyển dụng từ trước Tết cả tháng, để sau đó là có thêm công nhân mới đi làm ngay”, ông Tuấn cho biết thêm.

Trao đổi nhanh với phóng viên qua điện thoại về tình hình lao động trở lại làm việc sau Tết, ông Phạm Xuân Hồng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, hiện nay, các DN dệt may ở các tỉnh miền Tây, như Long An, Tiền Giang… công nhân đã trở lại làm việc tương đối đầy đủ.

Tuy nhiên, ở các thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh, hay Bình Dương, chỉ những DN lớn mới có tương đối đủ công nhân đi làm (khoảng 80 – 90% lao động đi làm việc); còn những DN nhỏ và vừa chỉ có khoảng 70% lao động trở lại làm việc. Nguyên nhân chủ yếu là bởi công nhân ở các tỉnh thành phía Bắc, miền Trung xa xôi, gặp khó khăn về tàu xe nên trở lại muộn.

“Ít ngày nữa, hy vọng người lao động sẽ từ miền Bắc, miền Trung trở vào làm việc tương đối đầy đủ, hỗ trợ DN đáp ứng đơn hàng”, ông Hồng nói và cho biết thêm hiện nay, phần lớn DN dệt may đã có đơn hàng đến hết quý I/2016, đang đàm phán đơn hàng cho quý II/2016.

Trong khi đó, theo số liệu sơ lược trong khảo sát nhu cầu tuyển dụng nhân sự sau Tết của JobStreet.com tính đến ngày 17/2 cho thấy, trong 170 nhà tuyển dụng được khảo sát, có 70,6% nhà tuyển dụng cho biết họ thường tuyển dụng lao động trong giai đoạn quý I, quý II.

Trong đó, 25,4% nhà tuyển dụng cho rằng, thời điểm sau Tết là giai đoạn nóng nhất về lực lượng lao động trong cả năm, 44,4% nhà tuyển dụng cho rằng giai đoạn này, nhu cầu tuyển dụng lao động sẽ cao hơn những giai đoạn khác trong năm. Điều này khá tương đồng khi so sánh với một quốc gia trong khối ASEAN là Malaysia.

Còn theo thống kê từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam, thời điểm cuối năm ngoái, đa số các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thiếu hụt lao động phổ thông khoảng từ 5-10%. Điều này cộng với việc biến động lao động sau Tết nên cũng dễ hiểu khi gần như 100% DN FDI có dán bảng tuyển dụng lao động phổ thông.

“Đi đến đâu (trước cổng DN FDI) cũng thấy bảng đỏ tuyển dụng!”, ông Phạm Xuân Hồng nhấn mạnh.

Vẫn theo ông Hồng, các Hiệp định thương mại tự do quan trọng như TPP vừa được ký kết, sẽ là cú hích thu hút đầu tư FDI, như vậy nhiều khả năng thời gian tới đây cuộc cạnh tranh mới trong thu hút lao động phổ thông sẽ lại nóng lên. Điều này sẽ đặt ra thách thức không nhỏ đối với các DN quy mô nhỏ và vừa, tiềm lực tài chính hạn hẹp, không thể trả lương cao hơn để giữ người lao động.

Việc DN thiếu hụt lao động phổ thông sau Tết năm nào cũng diễn ra, nhưng đặt trong bối cảnh hội nhập hiện nay lại càng khiến các DN sản xuất phải thực sự lưu tâm nhiều hơn.

Thanh Vũ

Tin đọc nhiều