Số hóa: Mở cửa đón nhận hay cài then để tụt hậu?

16:00 | 29/03/2018

Tiếp nhận, chuyển đổi và khai thác thế mạnh của số hóa như thế nào sẽ quyết định đến tương lai phát triển của các DN kinh doanh truyền thống. Những công việc mang tính lặp lại chắc sẽ bị thay thế bởi máy móc nhưng những việc mang tính sáng tạo, linh hoạt thì vẫn sẽ ở lại với con người.

Tạo nguồn nhân lực chất lượng cao
Chủ động với cách mạng công nghiệp 4.0
Cơ hội và thách thức đối với ngân hàng bán lẻ trên con tàu cách mạng 4.0

Muốn tồn tại phải số hóa

Dù muốn hay không thì CMCN 4.0 cũng đã, đang và sẽ diễn ra một cách rất mạnh mẽ và mọi mô hình sản xuất, kinh doanh sẽ bị thay đổi. Điều kiện tiên quyết của cuộc CMCN 4.0 là phải đổi mới công nghệ thì doanh nghiệp Việt Nam phải số hóa sản xuất, nếu không thay đổi sẽ bị thay thế. Vậy việc chuyển dịch sang số hóa là một xu hướng tất yếu hiện nay mà DN nào muốn tồn tại và phát triển đều phải tính tới hơn nữa. Và một khi đã số hóa sản xuất kinh doanh cũng sẽ mang đến nguồn doanh thu không nhỏ cho DN.

so hoa mo cua don nhan hay cai then de tut hau
Chủ động chuyển dịch trong cách mạng số sẽ giúp DN thành công

Theo các chuyên gia, dù muốn hay không thì CMCN 4.0 cũng đã, đang và sẽ diễn ra một cách rất mạnh mẽ. Chia sẻ tại một hội thảo về chủ đề này do HSBC Việt Nam tổ chức gần đây, ông Phạm Hồng Sơn, Tổng giám đốc GE Việt Nam cho biết, theo đánh giá của các tổ chức quốc tế thì Việt Nam đang được đánh giá là 1 trong 5 quốc gia (gồm Việt Nam, Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan, Indonesia) có khả năng tận dụng lợi thế tốt nhất trong CMCN 4.0, đặc biệt trong nỗ lực nâng cao năng suất lao động (NSLĐ).

Ông Sơn cho rằng, dù là một DN mới khởi nghiệp hay một DN đã tồn tại lâu năm trên thị trường thì mục tiêu và cách tiếp cận với xu thế mới của cuộc cách mạng số này cũng không khác nhau nhiều. Đó là làm sao tận dụng được công nghệ để tăng sức cạnh tranh và nâng cao NSLĐ.

“Một điều tâm niệm trong 126 năm tồn tại và phát triển của GE là phải luôn thay đổi. Bởi cái đưa chúng tôi đến thành công hôm nay không đảm bảo sẽ tiếp tục đưa đến được đích thành công trong tương lai. Chính vì thế phải luôn sáng tạo, thay đổi để thích nghi với thị trường”, ông Sơn nói.

Cũng theo Tổng giám đốc GE Việt Nam, lĩnh vực sản xuất là lĩnh vực sẽ tận dụng được nhiều nhất những thế mạnh và lợi ích mà CMCN 4.0 mang lại. Là một tập đoàn sản xuất kinh doanh truyền thống và có từ lâu đời nhưng GE còn được biết đến là một trong những DN lớn đi đầu về công nghiệp kỹ thuật số.

Nhà máy GE Hải Phòng tại Việt Nam được lựa chọn là 1 trong 7 nhà máy đầu tiên của GE (trong số hơn 200 nhà máy của GE ở 100 quốc gia trên toàn cầu) áp dụng nền tảng Predix – được thiết kế để kết nối máy móc và nhà máy, cho phép tăng hiệu suất sản xuất. Nhờ đưa tự động hóa vào sản xuất, thiết kế lại quy trình sản xuất và áp dụng Predix nên GE Hải Phòng đã tăng được 20% NSLĐ và giảm được 10% lượng hàng tồn kho.

“Đó là những con số rất ấn tượng, bởi đích đến cuối cùng của các cuộc CMCN từ trước đến nay chính là cải thiện NSLĐ và tăng tính cạnh tranh”, ông Sơn nhận định.

Câu chuyện chủ động khai thác, tận dụng số hóa để tăng năng lực và hiệu quả sản xuất kinh doanh của GE thật đáng suy ngẫm. Bởi với các DN kinh doanh truyền thống, nhiều năm nay đã quen thuộc với khách hàng, có thị phần và có một “khu vực an toàn” mà hàng năm vẫn mang lại cho họ doanh thu, lợi nhuận thường hay tự hỏi: có cần thiết phải mạo hiểm chuyển đổi sang số hóa? Trong khi đó, với tốc độ chuyển dịch công nghệ trong những năm gần đây diễn ra rất nhanh, một năm có thể bằng nhiều năm trước đó cộng lại thì các DN mới, nhất là những DN khởi nghiệp công nghệ lại bắt nhịp rất nhanh, tạo ra nhiều mô hình kinh doanh mới, cung cấp các dịch vụ tiện lợi mà nhiều DN truyền thống không theo kịp.

Nâng cấp công nghệ mà suy nghĩ không đổi sẽ không đến thành công

Ông Đinh Bá Tiến - Phó Tổng giám đốc Công ty VietUnion nhận định: “Tốc độ chuyển dịch công nghệ nhanh là rất rõ ràng và nó đang ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động đời sống của mỗi người cũng như phương thức kinh doanh của các DN hiện nay. Và trong bối cảnh đó, các DN kinh doanh truyền thống cũng đã và đang thay đổi tư duy, như xem xét hợp tác với các công ty công nghệ để bắt kịp với xu hướng hiện nay”.

Theo chuyên gia này, công nghệ sẽ giúp các DN truyền thống quyết định rất nhiều trong việc nhận ra điểm mạnh, điểm yếu của mình cũng như có những điều chỉnh cho phù hợp để làm sao hòa nhập được trong một thị trường đang rất sôi động hiện nay.

Nhấn mạnh việc chuyển đổi sang số hóa là tất yếu để DN tồn tại và phát triển trong tương lai nhưng Tổng giám đốc HSBC Việt Nam Phạm Hồng Hải cũng cho rằng, việc lựa chọn mô hình, phương pháp công nghệ nào cho phù hợp lại là một trong những rủi ro đối với các ngành kinh doanh truyền thống hiện nay. Cùng với đó, việc DN chuyển sang mô hình mới thì có loại bỏ hoàn toàn công nghệ mà đang sử dụng hiện nay hay không cũng là bài toán phải đặt ra. Bên cạnh đó, một rủi ro nữa là về con người.

“Khi ta nói về công nghệ thì không nên hiểu đơn giản là bỏ tiền mua một chương trình phần mềm về hoặc mời một công ty công nghệ đến cung cấp giải pháp. Tôi nghĩ bản thân cách suy nghĩ của con người trong DN ấy có thay đổi theo để có thể tận dụng được công nghệ hay không mới là quan trọng. Vì nếu chỉ đơn giản đầu tư một hệ thống phần mềm, còn không có thay đổi trong suy nghĩ và cách làm thì nó cũng không giúp thay đổi cách thức kinh doanh của DN được”, ông Hải nói.

Ngoài ra còn các rủi ro khác như pháp lý có thể không theo kịp quá trình số hóa này. Đơn cử trong lĩnh vực NH, nếu trí tuệ nhân tạo đủ thông minh đến mức có thể tự ra quyết định cho vay nhưng một khi có vấn đề xảy ra thì người viết ra phần mềm sẽ chịu tội hay “phạt tù” cái máy trí tuệ nhân tạo đó?

Như một cách để các DN kinh doanh truyền thống có thể tham khảo, ông Hải cho biết, cách tiếp cận của HSBC là phải song song. Tức là vẫn duy trì mô hình kinh doanh cũ nhưng đồng thời hợp tác, đầu tư vào các công ty công nghệ để xem các giải pháp của họ có mang lại đúng lợi ích mà mình mong muốn hay không. Khi nhận thấy rằng các giải pháp này phát triển được thì bắt đầu mang vào áp dụng trong hệ thống của HSBC. Cách tiếp cận này cho phép DN dần chuyển đổi chứ không phá bỏ hoàn toàn những nền tảng mà đã xây dựng bấy lâu nay.

Ông Phạm Hồng Hải tin rằng, việc kết hợp các thế mạnh riêng có của DN truyền thống (như mạng lưới khách hàng rộng lớn, am hiểu khách hàng…) với các công ty công nghệ (có những mô hình mới, giải pháp mới) sẽ giúp các DN cùng phát triển, giữ được thị phần và lợi ích. Đơn cử như với HSBC Việt Nam, việc chỉ có 15 chi nhánh trên toàn quốc chắc chắn sẽ không thể cung cấp cho khách hàng sự tiện lợi như khi khách hàng muốn thanh toán hóa đơn tiền điện, tiền nước… Nhưng nhờ hợp tác với các đối tác công ty công nghệ thì việc cung cấp hàng nghìn điểm cung cấp cho khách hàng ngay lập tức trở nên hiện hữu.

Người máy không thể thắng trái tim con người

Trong môi trường số hóa diễn ra mạnh mẽ như vậy, một câu hỏi đặt ra là người lao động cần chuẩn bị gì để thích ứng được với xu hướng đó? Như trong lĩnh vực NH, hiện đã có một số NH tại Việt Nam bắt đầu đưa vào triển khai máy NH tự động không có nhân viên phục vụ, theo đó khách hàng tới các địa điểm này là giao dịch trực tiếp với máy móc. Đấy chỉ là một trong những ví dụ cho thấy trong tương lai rất nhiều công việc hiện nay sẽ được thay thế bằng máy móc.

Nếu so sánh với con người, máy móc mạnh hơn ở rất nhiều điểm, từ mặt cơ bắp, khả năng ghi nhớ, mức độ và tốc độ xử lý thông tin… nhưng có những điểm mà máy không bao giờ “thắng” con người là trái tim và kỹ năng giao tiếp.

Theo ông Phạm Hồng Hải, kỹ năng giao tiếp của con người vẫn luôn cần và không thể thay thế trong nhiều công việc. Nhưng trong tất cả các lĩnh vực hiện nay, người lao động cần tăng hiểu biết về công nghệ lên. Bởi một khi kết hợp được kiến thức về công nghệ với những kỹ năng nghề nghiệp và năng lực sẵn có sẽ tạo ra một kỹ năng mới rất đặc biệt và sức cạnh tranh mới riêng có của mỗi cá nhân chúng ta mà máy móc không thể thay thế được.

Từ góc nhìn của mình, ông Phạm Hồng Sơn cho rằng, những công việc mang tính lặp lại chắc sẽ bị thay thế bởi máy móc nhưng những việc mang tính sáng tạo, linh hoạt thì vẫn sẽ ở lại với con người. “Tất cả chúng ta khi tiếp cận với những cái mới, công nghệ mới thì không nên bài trừ nó mà phải tìm cách để sống chung, tiếp nhận và biến nó thành lợi thế của mình. Khả năng học hỏi, thích nghi với những lĩnh vực mới sẽ quyết định sự thành công của người lao động nào trong tương lai”, vị này nhấn mạnh.

Đỗ Lê

Tin đọc nhiều