Sở hữu trí tuệ: Chế tài nhiều nhưng xử lý chưa mạnh

16:58 | 23/05/2018

Theo quan điểm của không ít DN, cơ quan quản lý nhà nước cần nâng cao chế tài xử phạt, nâng cao tính răn đe bởi thực tế cho thấy có những đối tượng bị xử phạt nhiều lần nhưng vẫn tiếp tục tái diễn vi phạm vì mức xử phạt quá nhẹ trong khi lợi nhuận sản xuất hàng giả quá lớn...

Báo động vi phạm sở hữu trí tuệ
Vi phạm sở hữu trí tuệ: Đấu tranh mạnh, xử lý triệt để
so huu tri tue che tai nhieu nhung xu ly chua manh
Ảnh minh họa

Tại buổi làm việc về tận dụng ưu đãi và thực thi hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc, cơ quan Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Hàn Quốc (Kotra) yêu cầu cơ quan quản lý Việt Nam cần phải kiểm tra và tăng cường xử lý hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ (SHTT). Theo Kotra, thị trường Việt Nam hiện nay có hiện tượng làm giả, làm nhái sản phẩm của Hàn Quốc.

Bày tỏ tâm tư khi đầu tư vào Việt Nam, ông Hwang Hongkoo, Phó trưởng thương vụ Hàn Quốc, Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc tại TP. HCM chia sẻ, DN Hàn Quốc rất quan tâm đến vấn đề SHTT và tình trạng hàng giả trên trị trường Việt Nam. DN Hàn Quốc mong muốn Chính phủ Việt Nam quản lý chặt chẽ hơn về SHTT để DN yên tâm đầu tư tại Việt Nam. Hiện nay, nhiều DN Hàn Quốc muốn tạo được sức ảnh hưởng lớn tại thị trường Việt Nam, nhưng vẫn dè dặt.

Theo đánh giá của Bộ Công thương, công tác chống hàng giả, thực thi quyền SHTT vẫn còn nhiều khó khăn, phức tạp. Các nguyên nhân chủ yếu là: nguồn nhân lực hạn chế; thiếu kỹ năng, kinh nghiệm, trang thiết bị, kinh phí; cơ chế thực thi còn chồng chéo, thủ tục thực thi nhiều bất cập; nguồn lực DN Việt còn thiếu hụt; ý thức cộng đồng chưa cao…

Ông Vũ Xuân Bính, Phó trưởng phòng Chống hàng giả, Cục Quản lý thị trường - Bộ Công thương, cho biết: “Chúng tôi đã đề xuất xử lý hình sự hành vi này nhưng vẫn còn nhiều tranh cãi”. Chính vì vậy, ông Bính cho rằng "tự bảo vệ" vẫn là biện pháp quan trọng và hiệu quả nhất để nâng cao hiểu biết và khả năng nhận diện thương hiệu của người tiêu dùng đối với hàng hóa của DN.

Theo các chuyên gia, hiện nay, hệ thống cơ sở pháp lý về SHTT ở Việt Nam bao gồm Luật SHTT, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự; Luật Cạnh tranh… Tuy nhiên, các chế tài xử lý vi phạm hành chính lại được Chính phủ quy định ở các văn bản dưới Luật, ở cấp nghị định… Chính vì vậy, nhiều khi DN phát hiện sản phẩm của mình bị vi phạm SHTT hay làm giả, DN ko biết gửi đến cơ quan nào vì chồng chéo, điều này gây khó cho cả DN lẫn người thực thi vì không biết trách nhiệm chính thuộc về ai.

Trong khi đó, theo quan điểm của không ít DN, cơ quan quản lý nhà nước cần nâng cao chế tài xử phạt, nâng cao tính răn đe bởi thực tế cho thấy có những đối tượng bị xử phạt nhiều lần nhưng vẫn tiếp tục tái diễn vi phạm vì mức xử phạt quá nhẹ trong khi lợi nhuận sản xuất hàng giả quá lớn.

Tiến sĩ Yusun Park, chuyên gia thuộc Hiệp hội xúc tiến sáng chế Hàn Quốc (KIPA) nhận định, pháp luật Việt Nam quy định về SHTT khá rộng, vì thế nên thiết lập hệ thống đăng ký và xử lý trực tuyến các khiếu nại liên quan để giải quyết vấn đề SHTT hàng nhái hàng giả tốt hơn.

Ông Trần Hùng, Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường khẳng định "Quản lý thị trường xác định phải nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ, bảo vệ tốt các DN làm ăn uy tín, chân chính, tuân thủ pháp luật, đóng thuế đầy đủ, bằng cách xử lý nghiêm những DN trốn lậu thuế, làm hàng gian, hàng giả. Việc ra đời quyết định 334 cho thấy rằng Chính phủ Việt Nam luôn xác định rõ ràng nhiệm vụ chống hàng giả, vi phạm SHTT là hết sức quan trọng trong thời điểm hiện nay".

Theo ông Hùng, việc vi phạm SHTT, làm hàng nhái, hàng giả chính là đang phá hoại nền kinh tế, làm xấu môi trường đầu tư. Chính vì vậy, lực lượng quản lý thị trường Việt Nam cam kết xử lý nghiêm những DN vi phạm, tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư Hàn Quốc. Bên cạnh đó, các DN Hàn Quốc tăng cường chia sẻ thông tin, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thực thi pháp luật Việt Nam để công tác chống hàng giả, hàng nhái và vi phạm SHTT ngày càng hiệu quả.

Minh Lâm

Tin đọc nhiều