Sức ép tự động hoá với lao động

10:36 | 17/03/2017

Công nghệ hiện đại có thể tự động hóa tới 45% khối lượng công việc mà con người được trả lương để làm.

Tham tán giúp DN hiện đại hóa
Hiện đại hóa ngân hàng: Lực đẩy nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia
Việt Nam 2020 và tương lai: Hiện đại hóa cho bước phát triển kế tiếp

Viễn cảnh việc làm của con người bị thay thế bằng máy móc không còn là tương lai xa và đã thực sự hiện diện ở Việt Nam. Hiện một số DN trong các ngành sản xuất sử dụng nhiều lao động bậc thấp như dệt may, mỹ nghệ… đang đi đầu trong việc thay thế dây chuyền thủ công bằng tự động hoá.

Đơn cử như Công ty TNHH Minh Long đã vận hành 5 robot thay thế gần 100 công nhân làm việc ở khâu tạo hình sản phẩm gốm sứ. Cứ mỗi giờ, 1 robot sẽ được lập trình cho ra khoảng 500 sản phẩm, năng suất cao gấp 3 lần so với con người làm trước đây.

Đại diện DN này cho biết, trước sức ép của việc đơn hàng giảm 10% do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao khiến giá thành sản phẩm khó cạnh tranh hơn, DN đã phải tính đến việc áp dụng công nghệ. Dù chi phí đầu tư ban đầu cao nhưng khi trừ khấu hao, tính lại giá thành thì lợi nhuận nhận được cao hơn so với sản xuất thủ công. Đây là lý do mà đơn vị này bỏ vài trăm ngàn USD đầu tư cho hệ thống tự động hoá.

suc ep tu dong hoa voi lao dong
Ảnh minh họa

Cũng theo DN, trước đây khi chưa thay đổi công nghệ, có khoảng 400 người làm việc trong nhà máy. Nhưng tới nay chỉ còn 200 người thực hiện khối lượng công việc bằng 400 người. Sau khi áp dụng thành công hệ thống này, DN sẽ tiếp tục đầu tư nhiều hệ thống tự động hoá ở các khâu khác để vận hành cả những chi tiết phức tạp đòi hỏi chuyên môn cao. Theo dự tính, nếu tự động hoá toàn bộ dây chuyền sản xuất, DN chỉ cần 20 lao động.

Nhờ áp dụng công nghệ mới khiến giá thành hạ, chất lượng sản phẩm cải thiện hơn, nên đơn hàng của nhiều DN sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ cũng đang tăng lên. Tại các thị trường mới nổi như Thái Lan, Philippines, Indonesia… lượng hàng xuất khẩu đang tăng khoảng 15%, tỷ lệ thuận với tự động hoá. Vì vậy các DN trong ngành này cho rằng, con đường hiệu quả nhất để DN cạnh tranh là đổi mới công nghệ.

Hiện nay, giá bán bình quân của 1 robot là khoảng 20.000 USD, tương đương khoảng 440 triệu đồng. Với mức lương bình quân của 1 lao động khoảng 4.000- 5.000 USD/năm thì đầu tư 1 robot bằng khoảng 4-5 năm trả lương cho lao động, nhưng từ những năm sau DN lại hoàn toàn không mất chi phí này nữa. Với tính toán đơn giản này, nhiều DN đã nhận thấy được lợi ích của việc tự động hoá dây chuyền sản xuất và việc áp dụng công nghệ chắc chắn sẽ được thực hiện rộng rãi trong một tương lai không xa.

Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) mới đây cũng đã đưa ra kết quả nghiên cứu cho thấy, 86% người lao động Việt Nam trong ngành dệt may, da giày có thể phải đối mặt với nguy cơ mất việc do tự động hóa; 3/4 lao động làm công ăn lương trong ngành sản phẩm điện-điện tử có thể sẽ bị thay thế bởi robot. Không chỉ người lao động chân tay mới bị mất việc do tiến bộ công nghệ, ngay cả những người làm công việc văn phòng cũng đối mặt với nguy cơ bị sa thải khi máy vi tính đang nhanh chóng thực hiện một số công việc văn phòng và dịch vụ.

Hồi tháng 7/2016, Công ty tư vấn DN toàn cầu McKinsey đưa ra nhận định, công nghệ hiện đại có thể tự động hóa tới 45% khối lượng công việc mà con người được trả lương để làm. Chỉ có những ngành nghề liên quan tới sáng tạo, quản lý và chăm sóc sức khỏe con người là ít gặp rủi ro mất việc nhất.

Bà Nguyễn Phương Mai, Giám đốc điều hành Công ty Navigos Search, DN chuyên về tư vấn nhân sự nhận định, ngoài công nhân trong các dây chuyền sản xuất, rất nhiều vị trí khác có thể bị ảnh hưởng bởi sự phát triển công nghệ, đơn cử như thu ngân, nhân viên tại các trạm soát vé, các đại lý du lịch…

Song cũng có một số công việc luôn cần đến sự hiện diện của con người mà trước mắt máy móc khó có thể thay thế được, đặc biệt là những lĩnh vực liên quan công nghệ như kỹ sư công nghệ thông tin, kỹ sư điện - điện tử, kỹ sư thiết kế phần mềm, quản trị chuỗi cung ứng, hoặc các ngành phục vụ cuộc sống con người như điều dưỡng viên, bác sĩ, chuyên gia tư vấn nghề nghiệp…

Viễn cảnh này cho thấy, tự động hóa là xu hướng tất yếu vì nó nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động, giảm thiểu tối đa các chi phí đầu vào, nhân công… Song nó cũng cho thấy vấn đề đào tạo nhân lực đang tiếp tục cấp bách hơn bao giờ hết.

Không chỉ người lao động chân tay mới bị mất việc do tiến bộ công nghệ, ngay cả những người làm công việc văn phòng cũng đối mặt với nguy cơ bị sa thải khi máy vi tính đang nhanh chóng thực hiện một số công việc văn phòng và dịch vụ.

Lan Hương

Tin đọc nhiều