TÁI CẤU TRÚC KINH TẾ: Cơ hội đi cùng thách thức với DN ngoài NN

14:17 | 28/05/2012

Thực tiễn cũng cho thấy, các DN ngoài NN kém lợi thế hơn hẳn so với DNNN trong khả năng tiếp cận vốn tín dụng. Chỉ số nợ so với vốn chủ sở hữu của DNNN luôn ở mức cao, đạt trên 314% vào năm 2010. Trong khi đó, khu vực DN ngoài NN tương đối ổn định, chỉ ở mức khoảng 180%.

Thách thức từ bất lợi quy mô

“Cải cách doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là công cụ hữu hiệu nhất để khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân, vì nó sẽ chuyển dư địa, cơ hội, nguồn lực sang cho tư nhân”, TS. Nguyễn Đình Cung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương lưu ý về sự dịch chuyển này.

Tái cơ cấu là khuếch trương lại tinh thần kinh doanh, mở dư địa cho khu vực tư nhân phát triển.


TS.Nguyễn Đình Cung

Thu hẹp DNNN, môi trường kinh doanh bình đẳng, chính sách khuyến khích rõ ràng thì sẽ khuyến khích khu vực DN tư nhân, giải quyết được vấn đề lao động. Cho nên, có thể nói rằng, cải cách DNNN là công cụ hữu hiệu nhất để khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân, vì nó sẽ chuyển dư địa, cơ hội, nguồn lực sang cho tư nhân.

Tuy nhiên, một trong những quan điểm xuyên suốt là sử dụng thị trường để tái cơ cấu, và nhà nước có can thiệp phải trên nguyên lý vận hành của thị trường, không phải nhà nước làm tất cả. Một trong những định hướng tái cơ cấu là nhà nước chỉ thiết lập thể chế chính sách, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ… theo cơ chế thị trường. Còn việc triển khai cụ thể các hoạt động tái cơ cấu kinh tế là việc của nhà đầu tư và doanh nghiệp, dựa trên những tín hiệu của chính sách và tín hiệu của thị trường mà họ vận hành.

Trong khi đó, một số xu hướng chính trong hoạt động tái cấu trúc tại các DN khu vực ngoài NN đã được khởi động để đón nguồn lực mới, bao gồm sự chuyển đổi về đa dạng sở hữu, cổ phần và chào bán ra công chúng để tăng nguồn lực tài chính; hình thành các tập đoàn tư nhân quy mô lớn… Nhưng cơ hội cũng đến cùng thách thức, đặc biệt là từ khả năng đáp ứng kỳ vọng còn yếu của khối DN ngoài NN.

Trong tổng số DN đang hoạt động hiện nay, xét theo hình thức sở hữu, có đến trên 96% thuộc khu vực DN ngoài NN. Một điều dễ nhận thấy là trong thời gian qua, tỷ trọng của khu vực DN ngoài NN không ngừng tăng lên, một mặt là sự gia tăng các đơn vị DN mới, một mặt còn là sự “lấn sân” vào khoảng trống mà các DNNN để lại. Quá trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, sắp xếp lại DN công đã làm giảm đi số DNNN, để chuyển dần thành các DN ngoài NN. Theo các con số chính thức, tính đến cuối năm 2011, cả nước chỉ còn lại 1.309 doanh nghiệp có 100% vốn NN.

Nhưng thực tế là khối DN ngoài NN hiện nay quy mô còn quá nhỏ; khả năng tiếp cận nguồn vốn khó khăn, trong khi suất đầu tư lại cao ở một số ngành tiềm năng. Khối này cũng phải đối mặt nhiều rào cản trong việc tiếp cận công nghệ; năng suất lao động thấp… Theo số liệu thống kê, tuyệt đại đa số các DN nhỏ và siêu nhỏ ở Việt Nam thuộc khối DN ngoài NN. Cũng do khu vực DN ngoài NN mới phát triển hơn 10 năm, sự hạn chế về quy mô tài sản của DN ngoài NN so với các khu vực DN khác cũng là điều dễ hiểu.


Sẽ có nhiều cơ hội cho DN ngoài NN tái cấu trúc nền kinh tế (Ảnh: MH)

Thực tiễn cũng cho thấy, các DN ngoài NN kém lợi thế hơn hẳn so với DNNN trong khả năng tiếp cận vốn tín dụng. Chỉ số nợ so với vốn chủ sở hữu của DNNN luôn ở mức cao, đạt trên 314% vào năm 2010. Trong khi đó, khu vực DN ngoài NN tương đối ổn định, chỉ ở mức khoảng 180%. Hay khả năng tiếp cận đất đai, một nguồn lực đầu vào sản xuất quan trọng khác, khu vực DN ngoài NN cũng yếu thế.

Trong khi đó, nền kinh tế phát triển cũng kéo theo sự trỗi dậy của các ngành dịch vụ. Ngược lại, một số lĩnh vực đã đến mức bão hòa, sự hấp dẫn đang chuyển khỏi các lĩnh vực truyền thống, vốn đang chiếm tỷ trọng lớn như chế biến chế tạo, khai khoáng, xây dựng, vận tải kho bãi, lưu trú ăn uống. Đáng tiếc đây không phải là sự bão hòa về khả năng đáp ứng thị trường, hoặc trong chu trình kinh doanh sản phẩm cụ thể. Nói đúng hơn, đây có thể gọi là sự “bế tắc” trong quá trình phát triển của lĩnh vực đó. Khả năng sinh lời bị ảnh hưởng khi DN không thể chịu được sức ép cạnh tranh về giá. Do đó, số lượng DN ngoài NN trong nước rút lui hoặc không gia nhập thị trường được dự báo sẽ tăng lên trong thời gian tới.

Cơ hội để vươn lên

Theo các chuyên gia kinh tế, để tái cơ cấu kinh tế với mục tiêu đạt được trình độ phát triển trung bình, thu nhập đầu người khoảng 3000-3200 USD/người vào năm 2020, chính là phải tạo được môi trường và chính sách hỗ trợ thuận lợi để các DN ngoài NN vươn lên, thế chỗ các DNNN. “Nhà nước có thể sử dụng đòn bảy từ cải cách DNNN để phát triển khu vực DN ngoài NN. Khi những DNNN cạnh tranh với khu vực DN ngoài NN bị gạt bỏ thì kết quả là sẽ có một sân chơi mang tính cạnh tranh hơn”, bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam lưu ý.

Về bản chất, tái cấu trúc DN là việc định hướng lại chiến lược kinh doanh. Đối với khu vực DN ngoài NN, việc tái cấu trúc là nhu cầu tự thân của mỗi DN, do chính các DN tự xác định trong mối tương quan với định hướng tái cấu trúc nền kinh tế của nhà nước và tiến trình tái cấu trúc DNNN.


Bà Phạm Thị Thu Hằng

Sự chuyển dịch trong chiến lược kinh doanh của các DN khu vực ngoài NN trong bối cảnh hiện nay tất yếu sẽ có sự tác động trở lại tới việc tái cấu trúc khu vực DNNN và tái cấu trúc nềng kinh tế của Việt Nam. Ngược lại, việc tái cấu trúc DNNN đang tạo ra những cơ hội mới cho các DN ngoài NN trong việc tấp cận các nguồn lực kinh doanh như đất đai, vốn, công nghệ bình đẳng với khu vực DNNN...

Để tái cơ cấu kinh tế với mục tiêu đạt được trình độ phát triển trung bình, thu nhập đầu người khoảng 3000-3200 USD/người vào năm 2020, việc tái cấu trúc các DN ngoài NN chính là phải tạo được môi trường và chính sách hỗ trợ thuận lợi để các DN ngoài NN thoát khỏi điểm nghẽn hay “bế tắc”. Đó là quy mô DN quá nhỏ; tiếp cận nguồn vốn khó khăn trong khi suất đầu tư cho một số ngành tiềm năng cao; khó khăn trong tiếp cận công nghệ, năng suất lao động thấp… Ngoài ra, Nhà nước có thể sử dụng đòn bảy từ cải cách DNNN để phát triển khu vực DN ngoài NN. Khi những DNNN cạnh tranh với khu vực DN ngoài NN bị gạt bỏ thì kết quả là sẽ có một sân chơi mang tính cạnh tranh hơn.

Và đó cũng là góc nhìn của ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Theo vị này, sự vận động trong phát triển ngành nghề thông quá tái cấu trúc DNNN sẽ tạo ra những cơ hội mới cho phía các DNNVV. Nghĩa là ngoài những lĩnh vực mà NN tập trung làm theo mục tiêu, định hướng đề ra thì còn lại sẽ là cơ hội cho các DN ngoài NN. “Tái cơ cấu kinh tế phải tạo ra một môi trường kinh doanh không dành cụ thể cho DNNN hay DN ngoài NN, mà phải là một môi trường nói chung…, để mọi thành phần kinh tế có thể tiếp cận bình đẳng, đầy đủ các cơ hội kinh doanh”, ông Đông nói.

NN phải tạo dựng ngành nghề định hướng cho DN phát triển. Chẳng hạn, ở một số quốc gia, họ sử dụng chương trình mua sắm chính phủ để thực hiện điều này, bởi sản phẩm chính phủ sử dụng là rất lớn và ở góc độ kinh tế có thể coi mua sắm công là hướng ra cho sản xuất của nền kinh tế. Hơn lúc nào hết, trong bối cảnh toàn cầu hóa, gia nhập WTO, lộ trình hội nhập, cắt giảm thuế… thì mua sắm của chính phủ từ mua sắm công trình cho đến mua sắm thường xuyên, đều giúp cho DN.

Ông Đặng Huy Đông

Nhưng cần phải nhìn nhận rõ đây không phải là mua sắm như thời bao cấp. Mua sắm tập trung phải dựa trên quá trình đấu thầu công khai, minh bạch của những DN cùng trong lĩnh vực. Từ đơn đặt hàng qui mô lớn từ Chính phủ, DN tính toán được mình có thể làm được đến mức nào, bỏ đầu tư ra bao nhiêu và lãi thu về thế nào. Như vậy, DN mới mạnh dạn thay đổi qui mô, dây chuyền sản xuất nhằm đáp ứng đơn hàng lớn từ Chính phủ.

Chỉ riêng việc cung cấp hàng cho Chính phủ, DN đã có thể thu lãi và hoàn vốn đầu tư. Từ đó, cũng với dây chuyền ấy, DN có thể cung cấp hàng bán ra nước ngoài với giá cạnh tranh dựa trên nền tảng dây chuyển hiện đại đã được khấu hao. Đó là lý do vì sao hàng xuất khẩu của Trung Quốc lại có giá thành thấp tới như vậy, thậm chí thấp hơn giá thành sản xuất và vì sao hàng Trung Quốc có sức cạnh tranh lớn đến vậy. Đó chính là vai trò “bà đỡ” đầu ra ban đầu cho khu vực DN ngoài NN.

Về phần mình, các DN ngoài NN cũng đang dịch chuyển sang một tầm quản trị tiên tiến hơn để chuẩn bị điều kiện tiếp ứng khoảng trống mà các DNNN để lại. Xu hướng chuyển đổi mô hình sang quản trị công ty TNHH, công ty CP đang tỏ ra có nhiều ưu thế như tính khoa học trong quản trị, tính minh bạch... “Đây là một xu hướng rất đáng khích lệ, cho thấy doanh nhân Việt Nam đang cởi bỏ chiếc áo cũ quen thuộc là mô hình quản trị gia đình và quản trị theo thói quen, vốn không thể đem lại hiệu quả kinh doanh về dài hạn”, bà Hằng nhìn nhận.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang chuẩn bị nền tảng để thúc đẩy quá trình chuyển giao vai trò từ DNNN sang khối DN ngoài NN. Theo Thứ trưởng Đặng Huy Đông, Bộ này đang tính tới phương án xây dựng một đầu mối “gỡ rối” cho DNNVV, phát triển rộng hơn nữa mô hình đã áp dụng thành công tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. “Về lâu về dài, cần phải nâng cao năng lực, trình độ của khu vực DNNVV nhưng trước mắt cần phải tính tới một cơ quan đầu mối, có vai trò “bà đỡ” thực thụ giúp DN giải quyết bài toán vốn trước mắt và xa hơn là nâng cao khả năng cạnh tranh trong nền kinh tế”, ông Đông cho biết thêm.

Vũ Anh Quân

thoibaonganhang.vn

Tin đọc nhiều