Tái cơ cấu doanh nghiệp: Còn lắm gian nan

14:00 | 03/04/2015

Qua theo dõi, các bộ, ngành đang làm rất “ráo riết” với cổ phần hóa (CPH) DNNN, nhưng do tình hình thị trường không được tốt nên việc thực thi còn khó khăn. Nhiều DN “mang tiếng” CPH nhưng tỷ lệ bán vốn ra ngoài chỉ chiếm vài phần trăm, còn 80 - 90% vẫn do Nhà nước nắm giữ.

tai co cau doanh nghiep con lam gian nan
Ảnh minh họa

DN tư nhân lớn mà yếu

Bất chấp tăng trưởng kinh tế cải thiện, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, trong quý I/2015, cả nước có 2.565 DN hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động kinh doanh; 16.175 DN gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý là trong tổng số DN gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động, có tới 94,2% DN có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng.

Theo đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện nay các DN trong nước chỉ mạnh về số lượng, còn chất lượng thì cực kỳ yếu, không có hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng cho nên không thể tiếp cận được gì từ bên ngoài. Các DN chủ yếu hoạt động thương mại, sản xuất thì không đủ quy mô, máy móc thì lạc hậu…

Nhìn vào bức tranh xuất khẩu, có tới 70% DN thuộc khối có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Khu vực 100% vốn trong nước, trong đó có DNNN và DN ngoài quốc doanh, chỉ chiếm chưa tới 30%. Xuất khẩu trong nước hoàn toàn chỉ là những DN có quy mô nhỏ và vừa, khó tiếp cận được với thị trường xuất khẩu mà phải thông qua các đối tác nước ngoài...

Quy mô vốn của các DN, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ khoảng 5 - 6 tỷ đồng/DN. Tỷ lệ DN nhỏ đến siêu nhỏ chiếm tới 97%... Chính những yếu kém này dẫn đến không tiếp cận được thị trường xuất khẩu, trong khi thị trường trong nước đang chuẩn bị dỡ bỏ hết các rào cản để tham gia vào Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) khiến các DN trong nước gặp nhiều bất lợi.

Đại diện Hiệp hội DNNVV cho rằng, hiện nay các DN trong nước chẳng hiểu gì về hội nhập. Sắp sửa ký một loạt các hiệp định thương mại tự do nhưng công tác phổ biến, tuyên truyền cho các DN cũng như các cấp chính quyền hiểu rõ cái được và chưa được của các hiệp định, sự tác động như thế nào vẫn chưa được đến nơi đến chốn. Đề nghị Bộ Công Thương phổ biến cho DN hội nhập sẽ tác động đến từng ngành như thế nào, tác động đến DN ra sao.

DNNN “vấp” tái cơ cấu

Có lịch sử phát triển lâu hơn, năng lực lớn và nhiều ưu thế tiếp cận nguồn lực, song khối DNNN cũng không ngoài vòng khó khăn. Tại cuộc họp giao ban của Ban Chỉ đạo Đổi mới và phát triển DN nhằm đánh giá tình hình tái cơ cấu DNNN mới đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, tái cơ cấu DNNN vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, lớn nhất là hiệu quả chưa tương xứng với tiềm năng, nguồn lực về tài sản và vốn. Một số DN làm ăn kém hiệu quả và thua lỗ, năng suất lao động trong DNNN thấp…

Nhưng đáng ngạc nhiên là cùng với xu hướng thoái vốn Nhà nước khỏi DN, và Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng rất chặt chẽ trong việc thực thi Nghị định 172/2013/NĐ-CP về thành lập, tổ chức lại, giải thể công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu và công ty TNHH một thành viên là công ty con, tức là điều kiện thành lập DNNN rất “chặt”, nhưng nhiều địa phương vẫn xin thành lập thêm DNNN. Chẳng hạn trong lĩnh vực thủy lợi, cấp thoát nước, nông lâm trường, nhiều địa phương vẫn xin thành lập mới.

Chủ trương là Nhà nước thoái vốn khỏi DN, đưa năng lực và nguồn lực tư nhân vào các DNNN hiện nay để làm thay đổi quản trị, điều hành và tạo động lực cạnh tranh từ bên trong. Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhìn nhận, tình hình với các DNNN hiện vẫn “rất căng”.

Qua theo dõi, các bộ, ngành đang làm rất “ráo riết” với cổ phần hóa (CPH) DNNN, nhưng do tình hình thị trường không được tốt nên việc thực thi còn khó khăn. Nhiều DN “mang tiếng” CPH nhưng tỷ lệ bán vốn ra ngoài chỉ chiếm vài phần trăm, còn 80 - 90% vẫn do Nhà nước nắm giữ.

Thủ tướng yêu cầu, trong năm 2015 các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước phải phấn đấu đạt kế hoạch tái cơ cấu đã đề ra, trong đó CPH phải đạt kế hoạch, thực hiện thoái vốn đầu tư ngoài ngành cao hơn, đảm bảo đúng quy định, không để xảy ra sai sót, tiêu cực và gắn CPH với đổi mới mô hình quản trị, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao. “Phấn đấu trong 9 tháng còn lại của năm 2015 phải hoàn thành CPH 289 DNNN theo kế hoạch”, Thủ tướng yêu cầu.

Đồng thời, không chỉ cổ phần 289 DN là xong mà các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát bổ sung danh mục các DNNN cần CPH cho giai đoạn 5 năm tới. DN nào đã có ban chỉ đạo thì phải khẩn trương tiến hành xác định giá trị, công bố và tiến hành CPH, DN nào CPH rồi nhưng chưa đạt tỷ lệ như quy định thì tiếp tục bán cổ phần nhằm giảm thấp tỷ lệ cổ phần nhà nước nắm giữ, và bán toàn bộ cổ phần đối với các DN, các lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm giữ. Bên cạnh đó, các DNNN vừa thực hiện tái cơ cấu đồng thời phải tiếp tục nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Việt Nguyễn

Tin đọc nhiều