Tâm và tầm doanh nhân trẻ thời kỳ mới

09:12 | 29/04/2015

Ông Nguyễn Phương Nam, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Robot, Chủ tịch Hội Doanh nhân Trẻ TP. Hồ Chí Minh (nhiệm kỳ VIII) chia sẻ về vai trò, đóng góp của các DN đối với công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội hiện nay.

tam va tam doanh nhan tre thoi ky moi
Ông Nguyễn Phương Nam

Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, đâu là yếu tố then chốt để một DN có thể trụ vững và phát triển, thưa ông?

Thực tế, mỗi DN hoạt động trong bất kỳ lĩnh vực nào đều có những đặc thù riêng về sản phẩm, khách hàng, thị trường, cạnh tranh… Đôi khi một chiến lược, một ý tưởng, phương pháp áp dụng tốt với DN này, nhưng khi áp dụng vào DN khác lại có thể không thành công, thậm chí thất bại thảm hại. Song có một chân lý giúp một DN bình thường nhất cũng có thể tồn tại đó là mọi hoạt động phải dựa trên nền tảng thỏa mãn cao nhất của khách hàng, mọi người đoàn kết làm việc trên tinh thần đồng thuận từ lãnh đạo đến nhân viên, đặt quyền lợi khách hàng và cả cộng đồng lên trên hết.

Đặc biệt, trong kinh doanh phải luôn có mục tiêu, chiến lược cụ thể. Đồng thời, sự nhạy bén, thay đổi sao cho phù hợp với tình hình chung, đi trước đón đầu nhu cầu của thị trường và không được “ngủ quên trên chiến thắng”… cũng là những yếu tố giúp DN trụ vững.

Với xu hướng hội nhập hiện nay, DN cần làm gì để sớm đưa thương hiệu, sản phẩm của Việt Nam ra với thế giới?

Có nhiều con đường để đi đến đích, mỗi DN tự chọn cho mình một con đường để đi tùy thuộc vào tư duy chiến lược của lãnh đạo DN, cũng như tiềm lực của mỗi DN. Hiện nay, nhiều DN Việt Nam đã và đang thực hiện chiến lược phát triển thương hiệu ra thế giới như Vinamilk, Trung Nguyên, FPT, Viettel… Đó là cả một chặng đường đầy thử thách đòi hỏi lãnh đạo các DN phải rất bản lĩnh và mạnh mẽ về tiềm lực.

Việc tìm cho DN mình một đối tác nước ngoài hay trong nước nhằm hợp tác đầu tư mở rộng thị trường, phát triển thương hiệu Việt cũng là một giải pháp tốt. Với đối tác nước ngoài, DN Việt có thể học hỏi nhiều về kinh nghiệm quản trị và phát triển thị trường, cũng như đi trúng vào nhu cầu, thị hiếu của khách hàng. Song một điều cũng cần lưu ý khi bắt tay với các đối tác ngoại chính là nguy cơ bị thâu tóm. Chính vì vậy, DN Việt cần phải chủ động, sáng tạo, tránh phụ thuộc và dần phát huy vai trò, thế mạnh.

Ông đánh giá như thế nào về tầm ảnh hưởng của người đứng đầu đối với DN nói riêng và xã hội nói chung?

Trước tiên, doanh nhân không chỉ là những người sáng lập, giữ vai trò chủ chốt trong việc quản trị, điều hành DN, mà còn là người đóng vai trò quyết định trong việc vận hành, phát triển DN theo chiến lược đã được đề ra, từ đó tạo ra sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cho xã hội, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động.

DN tốt hay xấu, phát triển hay thụt lùi đều do người đứng đầu tạo ra, bởi doanh nhân có trách nhiệm chèo lái, dẫn dắt DN của mình từng bước khẳng định vị thế, tầm ảnh hưởng trên thương trường, đóng góp cho kinh tế đất nước. Với tư cách lãnh đạo DN, doanh nhân luôn hướng đến phát triển một cách bền vững, tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng, có sức cạnh tranh cao, chiếm lĩnh thị phần, tạo ra lợi nhuận, giúp DN tăng trưởng mạnh, từ đó góp phần vào việc tăng thu ngân sách quốc gia, phát triển kinh tế nước nhà.

tam va tam doanh nhan tre thoi ky moi
Trong giai đoạn phát triển mới, vai trò của giới doanh nhân luôn được khẳng định

Song hành với nhiệm vụ phát triển kinh tế là ý thức trách nhiệm với xã hội có phải là "gánh nặng" đối với các doanh nhân?

Trong kinh doanh, DN luôn hướng đến lợi nhuận, nhưng quan trọng hơn là những sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ mà DN tạo ra phải mang lại lợi ích, đáp ứng tốt nhất cho nhu cầu, mong mỏi của khách hàng và xã hội. Qua đó, sản phẩm mà DN sản xuất, cung ứng được thị trường và người tiêu dùng chấp nhận sẽ giúp tạo ra lợi nhuận, hiệu quả trong kinh doanh.

Tuy nhiên, điều tôi luôn trăn trở là sử dụng lợi nhuận đó như thế nào để gia tăng tối ưu những lợi ích khác nhằm phục vụ cho xã hội. Vì bản chất, lợi nhuận của DN cũng chính từ xã hội mà ra. Vì thế, trong suy nghĩ và hành động, doanh nhân không chỉ xem trách nhiệm xã hội đơn thuần là công tác từ thiện mà nó còn bao hàm nhiều hoạt động khác rộng lớn và bao trùm hơn.

Nói một cách đơn giản hơn làm tốt nhiệm vụ kinh doanh giúp DN ngày một phát triển, công ty mở rộng sản xuất, cũng đồng nghĩa với tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập và đãi ngộ cho người lao động; không chỉ về vật chất mà còn về mặt tinh thần. Thêm một điều nữa, thế hệ doanh nhân trẻ ngày nay có hoài bão rất lớn, cùng với tấm lòng, nhiệt huyết và tinh thần trách nhiệm cống hiến cho xã hội cũng rất cao, nhất là mỗi khi có những vấn đề "nóng" cần sự chung vai góp sức thì đội ngũ doanh nhân trẻ đã kịp thời hưởng ứng tham gia một cách rất thiết thực.

Theo ông, phải chăng chính điều này đã tạo ra sự thay đổi khá lớn trong cách nhìn nhận của xã hội đối với các doanh nhân?

Từ xưa đến nay, giới công thương vẫn có một vai trò quan trọng cho đất nước. Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, các tầng lớp của xã hội Việt Nam luôn chung tay xây dựng đất nước. Và với những gì đã đóng góp, thể hiện, nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã ban hành Quyết định lấy ngày 13/10 hàng năm làm ngày vinh danh đội ngũ Doanh nhân Việt Nam. R

õ ràng, trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, vai trò của giới doanh nhân luôn được khẳng định. Để đáp lại điều này, giới doanh nhân ngày nay không chỉ kinh doanh làm ra lợi nhuận cho DN mà còn tham gia tốt vào các chương trình công tác xã hội, xây dựng và bảo vệ đất nước… nên phần nào đã tạo tiếng vang tốt trong cộng đồng. Rất nhiều doanh nhân, DN đã nhận được huân chương, bằng khen của Chủ tịch nước, Thủ tướng, các bộ, ngành vì đóng góp thiết thực cho xã hội và quan trọng hơn chính là sự công nhận của cả cộng đồng, nhân dân cả nước đối với vai trò của doanh nhân trong thời kỳ mới này.

Xin cảm ơn ông!

Tuyết Anh thực hiện

Tin đọc nhiều